Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC): Hơn 10 năm vẫn ì ạch

Thứ bảy, 19/08/2017 11:53

Dù đã khởi động hơn 10 năm và là tuyến hành lang kinh tế đầy tiềm năng đi qua 13 địa phương của 4 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông, song đến nay EWEC vẫn không phát triển như kỳ vọng.

Phí vận tải đường bộ trên tuyến EWEC đã tăng gấp 3 lần so với trước.

Hành lang kinh tế Đông Tây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch dài gần 1.500km, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, đầu tư, du lịch. Tuy vậy, sự chuyển biến từ hành lang giao thông sang hành lang kinh tế đúng nghĩa vẫn khá chậm chạp, một phần vì tồn tại nhiều rào cản không dễ gỡ bỏ. Theo ông Nguyễn Hà Bắc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, EWEC không chỉ khơi dậy khả năng phối hợp phát triển giữa các thành phố lớn dọc tuyến mà còn giao cắt các trục tuyến giao thông Bắc - Nam của cả 4 nước.  Đặc biệt, đầu phía Tây tuyến là cảng Mawlamyine trên biển Ấn Độ Dương, đầu phía Đông là cảng Đà Nẵng trên biển Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho hàng hóa các nước đến với các châu lục Á, Âu, Mỹ thuận lợi. Trên tuyến thì Khon Kaen (Thái Lan) và Đà Nẵng (Việt Nam) được coi là hai trung tâm phát triển nhất của hành lang này, có thể trở thành động lực cho tất cả các địa phương trong vùng. Mặc dù vậy, hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương trên tuyến hiện vẫn khiêm tốn. Đơn cử với Đà Nẵng, hiện mới có gần 30 doanh nghiệp (DN) có quan hệ ngoại thương với các nước trên hành lang. Kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang các nước EWEC năm 2016 đạt hơn 32 triệu USD, nửa đầu năm 2017 là gần 28 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EWEC vào Đà Nẵng năm 2016 đạt 32 triệu USD, nửa đầu năm nay ước đạt 18,5 triệu USD (chủ yếu nhập từ Thái Lan).

Theo đánh giá, tác động rõ ràng nhất của EWEC đến lĩnh vực thương mại là Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và việc triển khai hải quan một cửa, một điểm dừng. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải gồm các dự án giao thông (phần cứng), cách chính sách, cơ chế (phần mềm) đã góp phần làm giảm thời gian đi lại giữa các địa phương và các nước nằm dọc tuyến, làm thương mại giữa các nước tăng lên.

Những chuyển biến trên vẫn chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng. Bà Huỳnh Liên Phương, Phó giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng cho biết, ngoài các điểm nghẽn giao thông trên tuyến, thì sự phát triển không đồng đều của các địa phương trên tuyến cũng làm giảm nhịp phát triển của EWEC. Do đó, theo bà Phương, cần đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông và logistics trên tuyến, chẳng hạn như xây cảng Liên Chiểu, hoàn thiện hệ thống biển báo, ký hiệu và ngôn ngữ theo chuẩn quốc tế, đầu tư các điểm dừng dọc tuyến, đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nhân lực theo khung trình độ chuẩn...

Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng cho rằng, vướng mắc lớn nhất cản trở sự phát triển của EWEC hiện nay là hàng hóa qua biên giới gặp khó khăn. Cụ thể như việc giải quyết xe ở cửa khẩu phát sinh chi phí, Hải quan không làm việc 2 ngày cuối tuần, thủ tục địa phương phát sinh quá nhiều chi phí cho một lô hàng, phí đường bộ cao gấp 3 lần trước đây, nguồn hàng không ổn định, xe thường chạy rỗng chiều về Việt Nam... Những khó khăn đó làm hàng hóa trên tuyến về cảng Đà Nẵng không nhộn nhịp, không tạo lợi thế bằng việc lưu chuyển hàng hóa qua các cảng của Thái Lan, TPHCM. Từ thực tế đó, cảng Đà Nẵng cho biết sẽ đưa ra những chính sách giá ưu đãi cho các mặt hàng nhập từ Lào, Myanmar, Thái Lan vận chuyển bằng đường bộ trên tuyến qua cảng Đà Nẵng ra nước ngoài.

Trong hợp tác phát triển về du lịch đường bộ trên tuyến, mặc dù sức hấp dẫn, tiềm năng của các điểm đến rất lớn, nhưng kết quả vẫn khá hạn chế. Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, Giảng viên Khoa Du lịch, ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, EWEC đi qua 4 quốc gia vừa có lợi thế trong tạo sản phẩm du lịch đa dạng nhưng lại khó khăn khi các quy định pháp lý của các nước chưa đồng nhất, đặc biệt về phương tiện giao thông khi mà Thái Lan (tay lái bên phải) khác với 3 quốc gia còn lại. Do vậy, để thúc đẩy du lịch trên tuyến, cần đồng bộ trong cải cách hành chính ở tất cả các cửa khẩu quốc tế, mà then chốt là xuất nhập cảnh và hải quan. Phải thống nhất “một cửa, một điểm dừng” ở tất cả các cặp cửa khẩu, trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để nhanh chóng giải quyết thủ tục cho người và phương tiện khi qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, các địa phương trên tuyến cần liên kết xác định các thị trường khách trọng điểm; liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch; liên kết trong xây dựng các sản phẩm chung như “Con đường di sản”, “Con đường sinh thái”, Nhóm tour sông nước và nghỉ biển theo dòng Mê Kông về tới Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Ngoài những rào cản “phần mềm” thì hạ tầng cơ sở dọc tuyến cũng chưa phát triển đủ mạnh để tạo động lực biến EWEC thành tuyến hành lang kinh tế nhộn nhịp như tiềm năng và kỳ vọng.

HẢI QUỲNH