Hạnh phúc của thầy giáo trường làng

Thứ năm, 16/11/2017 09:33

Bắt đầu nghề giáo là những tháng dạy tiếng Anh không lương ở trường làng, tiếp theo một thời gian dài nhận dạy hợp đồng với mức 500 ngàn đồng/tháng trước khi được biên chế chính thức vào ngành Giáo dục, thầy giáo Lê Văn Lượng (sinh năm 1983, Trường Tiểu học Vĩnh Chấp, H. Vĩnh Linh, Quảng Trị) tự thấy mình đã may mắn khi khát khao dạy học chưa bao giờ nguội lạnh, chính là động lực để vượt qua những khó khăn.

Tận tụy với nghề giáo, thầy Lượng luôn được học trò yêu mến.

Mới đây, thầy Lượng là giáo viên tiểu học duy nhất trong 5 giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vừa được cấp chứng chỉ Giám khảo Quốc tế thi vấn đáp tiếng Anh Cambridge do Trường ĐH Cambridge Vương quốc Anh tổ chức tại Huế. Theo đó, thầy Lượng có thể chấm thi vấn đáp theo những cấp độ được đào tạo ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thời hạn vĩnh viễn. Nỗ lực không ngừng của thầy Lượng thực sự khiến nhiều đồng nghiệp mến mộ, học trò tin yêu.

Tốt nghiệp Khoa tiếng Anh, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) năm 2007, bỏ qua nhiều cơ hội làm việc tại thành phố đã gắn bó 4 năm tuổi trẻ sôi nổi nhất, chàng trai mồ côi cha Lê Văn Lượng khăn gói về quê nhà Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh. Vùng đất níu chân Lượng còn lắm nghèo khó, chỉ có nắng gió vẫn gọi nhau, trải từ trảng cát mênh mông rồi băng qua rú đồi thẳng tít lên miền tây. Nhưng điều khiến bà con bất ngờ nhất là khi hay tin Lượng xin đi dạy học trong khi nhiều sinh viên chính quy sư phạm vẫn đang loay hoay, chật vật. Và đó là câu chuyện dài, đẫm ý chí vươn lên của thầy giáo trẻ này.

Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi gặp thầy Lượng tại Trường THCS Vĩnh Chấp, nơi thầy đang có tiết dạy tăng cường. Trong thời gian chờ đợi, thầy Nguyễn Mai Khanh, Hiệu phó Trường THCS Vĩnh Chấp chia sẻ về cậu học trò cũ nay đã là đồng nghiệp: "Lúc mới tốt nghiệp đại học, Lượng xin về dạy trường chúng tôi, thời gian đầu không lương nhưng sau đó được nhà trường hợp đồng. Phải quyết tâm và yêu nghề thì em ấy mới bám trụ chứ hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm".

Bố thầy Lượng là bộ đội tình nguyện tại Campuchia và đã chiến đấu anh dũng hy sinh vào năm 1984. Lớn lên trong hoàn cảnh đó nên Lượng sớm ý thức giúp đỡ mẹ, làm thuê đủ thứ việc nặng nhọc. Đến khi vào ĐH Duy Tân, Lượng càng nỗ lực vừa học vừa làm để mẹ nghèo bớt gánh nặng chi phí. Chính vì thế, thời gian đầu dạy học với số tiền hỗ trợ ít ỏi, Lượng đã đọc thấy sự nghi ngại trong ánh mắt nhiều người. Bản thân thầy cũng trằn trọc, suy tư bởi lựa chọn này. Thế nhưng, 2 năm sau Lượng đã thi đỗ công chức và được biên chế công tác ở trường học tại Bến Quan, địa bàn miền núi tại H.Vĩnh Linh. Đến năm 2012, thầy Lượng được chuyển về trường gần nhà do mẹ  sức khỏe yếu. Đó là Trường Tiểu học Vĩnh Chấp, nhận nhiệm vụ dạy tăng cường tiếng Anh cho cả trường cấp 2. Trải qua bao nhiêu khó khăn nhưng thầy Lượng chỉ nhắc lại một cách khiêm tốn, bởi trên hết thầy đã được gắn bó với nghề, được phấn đấu cho ước mơ nuôi dưỡng từ thuở bé.

"Thầy Lượng dạy dễ hiểu, dí dỏm nên chúng em không còn thấy ngán môn ngoại ngữ này nữa", HS Lê Văn Nam chia sẻ về thầy giáo của mình. Còn với đồng nghiệp, họ cảm nhận rõ nỗ lực không ngừng của thầy khi luôn tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp, học ở nhiều người khác khi có cơ hội, tự nâng cao kỹ năng sư phạm và kiến thức chuyên môn, trở thành giáo viên dạy giỏi. "Thầy Lượng trở thành giám khảo quốc tế cũng là niềm tự hào của chúng tôi", thầy Nguyễn Mai Khanh chia sẻ.

Nói thêm về kỳ thi Giám khảo quốc tế, riêng tỉnh Quảng Trị có 23 giáo viên được khảo sát lựa chọn tham gia. Trải qua nhiều vòng thi khắt khe không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn cả xử lý, đánh giá nhận xét học sinh, kết quả thầy Lượng cùng 4 giáo viên khối THPT của tỉnh đạt kết quả cao, được cấp Chứng nhận Giám khảo vấn đáp Quốc tế Cambridge có mã số đăng nhập mạng lưới giám khảo Cambridge toàn cầu. Từ đây, thầy Lượng có thể chấm thi vấn đáp theo những cấp độ được đào tạo ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thời hạn vĩnh viễn.

Sự nỗ lực của thầy Lượng không chỉ khẳng định mình mà còn khơi dậy đam mê thực sự với môn học ngoại ngữ cho con em trường làng thêm tự tin, là hành trang ý nghĩa bước vào đời mai này.

BẢO HÀ