Hạnh phúc giản dị
(Cadn.com.vn) - Lấy chiếc khăn lau từng giọt mồ hôi trên trán chồng - ông Nguyễn Văn Tải (68 tuổi, thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị), bà Võ Thị Nghiêm vừa kể cho tôi nghe câu chuyện tình tuyệt đẹp nhưng cũng lắm gian truân của họ. Trên hai khóe mắt già nua của bà, những giọt nước mắt chốc chốc lại ứa ra theo từng câu nói. “Những hôm trái gió trở trời, ông ấy lại lên cơn đau nặng, nhìn ông đau mà ruột gan tui như xát muối. Ông đau một thì tui đau mười” - bà Nghiêm ngậm ngùi để những giọt lệ lăn trên khóe mắt già nua.
Trở về từ cõi chết
Hơn 40 năm trước, họ cũng như bao chàng trai trong làng nghe theo tiếng gọi non sông đất nước, đem tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Tải nhập ngũ năm 1965 thuộc đơn vị E270. 3 năm sau (1968), ông tham gia một trận đánh sinh tử ở chiến trường Cửa Việt. Trận này, đồng chí trung đội trưởng bị trúng đạn hy sinh nên ông được trao quyền chỉ huy trung đội tiếp tục chiến đấu. Và rồi đến lượt ông trúng đạn ngã xuống. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên đem “thi hài” đặt cạnh thi hài những đồng đội khác giữa chiến trường... “Khi tỉnh dậy tôi mới biết mình đang bị bắt giam ở Bệnh viện Đà Nẵng để chữa trị vết thương. Sau đó kẻ địch đưa tôi vào nhà giam ở Biên Hòa” - ông Tải khó nhọc kể.
5 năm trong lao tù là quãng thời gian trần ai nhất trong cuộc đời ông: 2 mắt bị mù, khuỷu tay, khuỷu chân, bàn chân... bị giập nát và hàng chục mảnh đạn nằm trong cơ thể. Nhưng ông đã không gục ngã trước thương tật cũng như đòn roi của kẻ thù mà sống và chiến đấu với ý chí kiên định không gì lay chuyển được cho đến ngày được trả tự do. Đó là khi Hiệp định
Ông Tải về làng với một tấm thân tàn phế chỉ còn 3% sức khỏe trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Ngỡ ngàng vì mấy năm trước, gia đình ông đã nhận được giấy báo tử: “Đồng chí Nguyễn Văn Tải, cấp bậc chuẩn úy, chức vụ trung đội trưởng, nguyên quán Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị, đã anh dũng hy sinh ngày 21-1-1968...”. Cái làng Mỹ Duyệt vốn hẻo lánh bỗng xôn xao vì sự kiện “liệt sĩ” Nguyễn Văn Tải tự dưng sống lại. Cả làng đến chia vui và lặng lẽ giấu một tiếng thở dài: với tấm thân tàn phế, rồi đây ông sẽ sống thế nào?...
Cũng như ông Tải, bà Nghiêm đi theo tiếng gọi của đất nước khi còn rất trẻ. Năm 1964, bà tham gia dân quân tự vệ ở Vĩnh Chấp, rồi làm đội phó đội sản xuất, từng tham gia đào địa đạo ở Vĩnh
![]() |
Hạnh phúc giản dị. |
Hạnh phúc giản dị
Hai người lính trở về từ chiến trường với nhiều vết thương trên cơ thể, vất vả lắm mới hòa nhập vào cuộc sống. Một người là thương binh 1/4, gặp cảnh gia đình tan vỡ (người vợ của ông cưới trước lúc ra trận, đợi chồng không được nên đã sang ngang) để lại 2 đứa con nhỏ. Còn một người chồng đã hy sinh, một nách nuôi 2 đứa con thơ. Họ đã đến với nhau, cùng dựa vào nhau để sống và dệt nên một câu chuyện tình đẹp như cổ tích. “Ngày đó, biết được hoàn cảnh khó khăn của anh Tải, tui vẫn thường hay đến thăm, giúp đỡ anh. Thấy anh hiền lành, giản dị, lại hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc nên tui thương lắm” - bà Nghiêm thẹn thùng kể.
Bà lấy ông, mặc cho bao miệng tiếng thế gian, đặc biệt là sự phản đối kịch liệt của gia đình. Không phải người ta ghét bỏ gì ông Tải, thậm chí còn rất thương ông, nhưng thương thì thương chứ lấy làm chồng thì... Bà bỏ ngoài tai tất cả. Ý bà đã quyết, lòng bà đã định rồi. “Biết rằng lấy ông Tải, tui sẽ khổ cực sau này, nhưng tui thương ông và sẵn sàng sẻ chia với ông mọi vui buồn trong cuộc sống. Ông hy sinh cho Tổ quốc, tui có hy sinh một chút vì ông ấy thì đã sao?”, bà Nghiêm nghĩ thế. Mấy chục năm qua, tình yêu của bà dành cho ông đã trở thành một giai thoại nơi làng quê hẻo lánh này. Bởi, không chỉ cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống và nỗi đau trên thân thể những lúc trái gió trở trời, họ đã cùng nhau sinh thêm được 4 người con (2 trai, 2 gái) và nuôi nấng chúng nên người.
Lần đầu bà mang thai, ông Tải mừng đến nỗi không khóc nổi. Ông không dám tin là mình vẫn còn có thể sinh con. “Tui bị thương quá nặng, chỉ còn 3% sức khỏe, tưởng sống được là may mắn lắm rồi chứ không dám nghĩ là vẫn còn khả năng sinh con. Thế là ông trời đã không nỡ đoạn tuyệt với mình”- ông Tải xúc động. Vậy là sau đó bà Nghiêm tiếp tục sinh cho ông thêm 3 người con nữa. Hiện nay, con cái của ông bà đều đã trưởng thành. Tuy cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đứa nào cũng hiếu thảo, chăm sóc ba mẹ chu đáo và đùm bọc lẫn nhau.
Là một thương binh nặng nhưng với phương châm tàn nhưng không phế, ông Tải vẫn cố gắng cống hiến sức lực của mình cho xã hội. Ông tham gia vào Hội Người mù H. Vĩnh Linh, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có việc làm (làm tăm) để có thêm thu nhập, dù ít ỏi. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức khỏe ông ngày một yếu đi nhiều, 2 chân không thể đi lại được, đôi tay yếu hẳn. Đặc biệt, những lúc trái gió trở trời, những mảnh đạn trong đầu lại hành hạ ông. Tiền lương thương binh của ông cộng với tiền bà chạy vạy mượn được của làng xóm không thể giúp ông chữa lành bệnh, lại càng không thể làm dịu đi những cơn đau. Những lúc ấy, bà Nghiêm chỉ còn cách mở đài cho ông nghe những ca khúc thời chiến, những câu chuyện kể về chiến tranh... như một liều thuốc tinh thần giúp ông dịu bớt. Rồi bà lại vỗ về, xoa bóp cho ông, lau từng giọt mồ hôi như hôm nay bà đang làm trước mặt tôi. Hỏi, có bao giờ bà cảm thấy hối hận không? Bà cười: “Tui vẫn luôn tự hào và hạnh phúc vì được làm vợ và chăm sóc ông ấy”.
Vâng, hỏi bà là vậy, nhưng tôi lại tự hỏi mình, rằng đất nước này có bao nhiêu những đôi vợ chồng như thế? Không thể trả lời, nhưng tôi biết có nhiều, rất nhiều và họ vẫn đang sống hạnh phúc, bình dị giữa đời thường sau bao năm bước ra từ khói lửa chiến tranh...
Nguyễn Minh Đức