3 bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng:

Hạnh phúc mỉm cười với những người hiếm muộn

Thứ sáu, 26/12/2014 10:40

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-12, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phối hợp với Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM) cùng sự đồng hành của Merck Serono -bộ phận sinh dược phẩm của Merck KGaA (Darmstadt - Đức) tổ chức "Hội thảo sản phụ khoa chào mừng 3 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm". Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Sở y tế thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia trong lĩnh vực Sản phụ khoa, Vô sinh - Hiếm muộn đến từ Hà Nội, TPHCM, cùng đông đảo đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Bé trai đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. 

Ngày trọng đại

Đúng 10 giờ ngày 25-12, Bệnh viện Phụ sản - Nhi (BVPSN) Đà Nẵng đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Cháu bé trai (nặng 3,3 kg), con của chị Phạm Thùy Tr. (1981) và anh Đoàn Việt H. (1979, trú Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) chào đời trong sự quan tâm theo dõi, chứng kiến trực tiếp của đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, đội ngũ y bác sỹ của BVPSN cùng những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh hiếm muộn và trong niềm vui mừng khôn xiết của các sản phụ và người thân.

Được biết, trước đó, chị Tr. và anh H. được chẩn đoán là bị hiếm muộn, sau khi thăm khám, kiểm tra và được sự đồng ý của các y bác sỹ Khoa Hiếm muộn (BVPSN) đã tiến hành thực hiện phương pháp TTTON và đã thành công ngay lần đầu tiên. Trong suốt thời gian mang thai, chị Tr. được các bác sỹ tận tình theo dõi để nắm được diễn tiến tình hình sức khỏe của mẹ và bé. Anh Đoàn Việt H. chia sẻ: "Tôi vui mừng không diễn tả nên lời. Vợ chồng chúng tôi sẽ đặt con tên là Thiên Phúc, giống như phúc từ trên trời rơi xuống. Qua đây, tôi xin gửi lời động viên đến các cặp vợ chồng nếu rơi vào tình trạng này thì đừng bi quan bởi sự tiên tiến của y học sẽ đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc được làm cha mẹ".

Cùng ngày, BVPSN đón thêm hai bé gái ra đời bằng phương pháp TTTON, là con của chị Hồ Thị M. Q. (1977) và anh Nguyễn Hồng H. (1974, trú Q. Hải Châu); chị Phạm Thị M. (1983) và anh Nguyễn Trọng V. (1982, trú Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Hiện các bé sinh ra đều khỏe mạnh, được mẹ ủ ấm và được đưa vào phòng chăm sóc sau sinh để tiếp tục theo dõi. Sau ca phẫu thuật, sản phụ Phạm Thị M. xúc động: "Vợ chồng tôi cưới nhau 7 năm mà không có con. Tưởng mọi chuyện sẽ bế tắc nhưng nhờ các bác sĩ và y học tiên tiến mà em có được niềm hạnh phúc làm mẹ. Em xin cảm ơn mọi người".

Là người trực tiếp thăm khám, theo dõi 3 trường hợp này, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Lê- Trưởng Khoa Hiếm muộn vui mừng cho biết: "Trước đây, trung bình mỗi năm, Khoa tiếp nhận khoảng 8.000 lượt khám, xét nghiệm tinh dịch đồ. Sau khi có thông tin BV triển khai TTTON, chỉ trong vài ngày đầu tiên, đã có hàng trăm bệnh nhân đến để được tư vấn, khám và đăng ký điều trị vô sinh tại đây. Con số này cũng luôn tăng mỗi ngày. Và khi triển khai TTTON thành công cho những ca đầu tiên, Khoa Hiếm muộn nhanh chóng củng cố, nâng cao niềm tin cho bệnh nhân, không chỉ ở Đà Nẵng mà các tỉnh lân cận, khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng đã tìm đến BV để khám và điều trị. Ba bé đầu tiên chào đời là niềm tự hào lớn của đội ngũ y bác sỹ khoa Hiếm muộn, đánh dấu bước tiến mới của Khoa và nhắc nhở chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa trong việc mang lại niềm hy vọng, hạnh phúc cho các cặp vợ chồng chẳng may hiếm muộn, vô sinh…". 

Theo bác sỹ Trần Đình Vinh, Giám đốc BVPSN: "Ba em bé đầu tiên được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đánh dấu sự nỗ lực của đội ngũ các chuyên gia, y bác sỹ trong việc tiếp cận, cập nhật các phương pháp điều trị bệnh hiếm muộn tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Hiện nay Khoa Hiếm muộn được đầu tư trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật quan trọng trong hỗ trợ sinh sản để điều trị hầu hết các nguyên nhân vô sinh. Với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao là điều kiện thuận lợi  trong điều trị cho các bệnh nhân bị hiếm muộn khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đây cũng là sự kiện nổi bật đáng ghi nhận của Khoa Hiếm muộn nói riêng và là sự kiện đánh dấu bước tiến mới vô cùng quan trọng của BVPSN trong việc hỗ trợ các cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn nói chung.

Bé trai được mẹ ủ ấm.

Khẳng định vị trí trong khu vực

Có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản từ đơn giản đến hiện đại nhưng TTTON là phương pháp tiên tiến đem lại kết quả cao nhất. Kỹ thuật  TTTON hiện đại được xem là một kỹ thuật điều trị hiệu quả, an toàn, có thể chỉ định cho hầu hết nguyên nhân vô sinh và chính vì thế, kỹ thuật này được thực hiện phổ biến trên thế giới. Hiện nay, BVPSN là đơn vị thứ 19 của cả nước và là thứ 2 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên thực hiện kỹ thuật này. Trước khi triển khai TTTON, Khoa Hiếm muộn (BVPSN) đã có 10 năm chuẩn bị.

Khoa Hiếm muộn của BV bắt đầu triển khai các hoạt động TTTON từ tháng 3-2014 với sự chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia của HOSREM, Bệnh viện Mỹ Đức và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết tháng 11-2014, sau hơn 8 tháng triển khai TTTON, Khoa Hiếm muộn đã thực hiện được 116 chu kỳ chuyển phôi tươi và 25 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh với tỉ lệ thành công tương đương với các trung tâm lớn trong nước. Trong đó, với phương pháp chuyển phôi tươi, tỉ lệ có thai lâm sàng là 39 trường hợp (chiếm 33,6%); phương pháp chuyển phôi trữ lạnh, tỷ lệ có thai lâm sàng là 11 trường hợp (chiếm 44%)...

Theo bác sỹ Trần Đình Vinh, với vị trí là một bệnh viện chuyên khoa phụ sản - nhi đầu ngành của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, BVPSN ngày càng khẳng định khả năng và vị trí của mình trong lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đem lại hạnh phúc, nụ cười cho  các cặp vợ chồng có được những đứa con để họ tìm được niềm hạnh phúc thật sự là động lực để thôi thúc các y bác sỹ gắn bó với nghề và tự trau dồi chuyên môn để giúp đỡ càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

Bác sỹ Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định: "TTTON không phải là phương pháp mới mẻ ở những TP lớn như TPHCM và Hà Nội nhưng với Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, triển khai thành công phương pháp này là điều rất đáng mừng cho người dân. Sự kiện lần này của BVPSN đã đánh dấu một bước tiến mới cho toàn ngành Y tế Đà Nẵng. Riêng về chữa trị hiếm muộn, vô sinh, ngành Y tế Đà Nẵng đang cố gắng từng ngày để tiệm cận với sự phát triển trong lĩnh vực y tế ở các tỉnh thành lớn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của bệnh nhân ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên".

Theo ông Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản Khoa Y -  Đại học Quốc gia TPHCM, ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 15.000 trường hợp thực hiện kỹ thuật này và các kỹ thuật liên quan, con số có thể tăng khoảng 10% mỗi năm. Do đó, nghiên cứu những xu hướng mới trong TTTON có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các cặp vợ chồng gặp phải vấn đề hiếm muộn có thêm hy vọng nhất là khi hiện nay, ở Việt Nam, có đến 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh. Riêng về BVPSN, cập nhật những xu hướng mới này sẽ giúp đội ngũ y bác sỹ nâng cao chuyên môn, tiếp cận kỹ thuật tương ứng với những trung tâm thụ tinh trong hàng đầu của cả nước.

PGS. TS Lưu Thị Hồng-Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - Trẻ em cho biết: Với tiền đề sẵn có cũng như tâm huyết của đội ngũ y bác sỹ khoa Hiếm muộn (BVPSN), đặc biệt là có sự quan tâm của Sở y tế Đà Nẵng, tôi tin rằng, nguồn nhân vật lực của Khoa Hiếm muộn sẽ ngày càng phát triển tương xứng với nhu cầu điều trị của người dân. Bên cạnh đó, khoa cũng hướng đến việc nâng cao khả năng chắt lọc để có những phôi thai chất lượng nhất, cho ra đời những em bé khỏe mạnh nhất.

Rõ ràng, với năng lực hiện có, Khoa Hiếm muộn đủ sức đảm nhận điều trị những ca hiếm muộn, vô sinh khó tại khu vực. Điều này trước mắt giúp bệnh nhân địa phương và khu vực tìm được nơi an tâm để điều trị, giảm thiểu chi phí và thời gian. Và với tình hình gia tăng tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn đáng báo động ở VN hiện nay thì sự ra đời của những trung tâm hỗ trợ sinh sản (IVF) là cần thiết. Và những trung tâm IVF mạnh dạn đưa TTTON vào điều trị vô sinh, hiếm muộn hiện nay như BVPSNĐN là rất đáng khích lệ, giúp người dân tìm được nơi điều trị tiết kiệm tiền của nhất cho mình.

Trí Dũng