10 NĂM CÙ LAO CHÀM ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI (26-5-2009-26-5-2019):

Hành trình của một cù lao xanh (Kỳ cuối: Hai mặt cù lao)

Thứ tư, 15/05/2019 13:14

Đến Cù lao Chàm, muốn trải nghiệm nhất định phải ở lại ban đêm, khi ấy cù lao lại trở về với cuộc sống bình yên vốn dĩ: không còn tiếng chào mời mua bán, không có tiếng nói cười râm ran của những đoàn khách. Một khuôn mặt khác của hòn đảo du lịch nổi tiếng này bỗng hiện ra đầy thâm trầm... Cù lao Chàm không cần thêm những lượt khách đến và đi trong vội vã, cái mà hòn đảo nhỏ này cần là sự hiểu đúng, hiểu đủ về những giá trị mà nó có...

Du khách tăng mạnh đang gây nên những áp lực lớn về môi trường cho Cù Lao Chàm. 

Khách đông chưa hẳn đã tăng nguồn thu

Anh Hưng, chủ homestay chia sẻ, Cù lao Chàm chỉ đông vào tầm 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ban đêm vắng vẻ. Chuyến tàu muộn nhất đưa khách vào bờ là vào khoảng 2 giờ chiều. Chỉ một số ít khách ở lại chọn những bãi tắm vắng vẻ để thư giãn chứ không có nhu cầu giải trí. "Khách du lịch theo diện tự túc lên đảo rất ít, đa phần là du khách Tây muốn trải nghiệm văn hóa địa phương. Hầu hết khách Việt hoặc đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đi theo tour giá rẻ, dạo một vòng thăm thú, ăn trưa rồi về. Chính vì vậy mà họ chỉ dạo chơi được khu vực Bãi Làng, Bãi Ông còn những nơi xa hơn thì hầu như không đặt chân tới", anh Hưng kể.

Theo quan sát của chúng tôi, các tour du lịch đến Cù lao Chàm hiện nay đều rất hời hợt, chưa phát huy đúng tiềm năng và giá trị của đảo. Hướng dẫn viên sau khi cho khách lên đảo sẽ dẫn đi một vài điểm nổi tiếng như giếng Chăm cổ, khu trưng bày bảo tồn biển... và vài điểm mua sắm khác là hết. Trong khi đó, lượng khách đi về trong ngày như vậy chiếm rất đông trong số 3.000 khách lên đảo mỗi ngày. Khác với phố cổ Hội An, hoạt động buôn bán của cư dân trên đảo không diễn ra cả ngày mà chỉ gói gọn trong vài tiếng buổi sáng và gần như  diễn ra dưới hình thức là một phiên chợ không hơn không kém. Thậm chí, buổi tối nếu đi dạo trên đảo rất khó để kiếm chỗ ăn tối, nếu muốn ăn thì phải đặt homestay. Điều đó đã dẫn đến một thực tế người được lợi nhất trong những tour du lịch giá rẻ lên Cù lao Chàm chính là... doanh nghiệp du lịch. Mặt khác, dù chỉ thu được một phần nhỏ trong số chi phí du khách phải trả khi lên đảo nhưng chính quyền và cư dân Cù lao Chàm lại phải hứng chịu toàn bộ hệ quả về rác thải, quá tải nguồn nước, thực phẩm... khi có quá đông du khách đến đây.

Thực tế này đã được chuyên gia Trần Lê Trà đến từ Tổ chức hợp tác quốc tế Đức- Giz phản ánh trong Hội thảo phát triển bền vững Cù lao Chàm vừa qua. Theo ông Trà, tốc độ tăng trưởng du lịch của Cù lao Chàm tăng chóng mặt về lượt khách từ năm 2012 đến nay. Cù lao Chàm trung bình đón 1 triệu lượt khách/năm tuy nhiên hơn một nửa trong số đó là khách Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc rồi mới đến các nước phương Tây. "Khách Trung chiếm một nửa nhưng chỉ đến tham quan trong ngày là chủ yếu, những khách tiêu tiền nhiều tại đây thì lại là Úc, Nga. Như vậy có thể thấy rằng lượt khách đến đông chưa hẳn đã có nguồn thu. Điều này dẫn đến thực tế cần quyết định nên lựa chọn phục vụ nhiều lượt khách hay hạn chế lượng khách giá rẻ để tăng phục vụ những mảng du khách tiềm năng, có sự chọn lọc, giảm áp lực lên môi trường", ông Trà đặt vấn đề.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Lê Trí Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng nam cho rằng đây là vấn đề lâu dài mang tính quyết định và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới mong thay đổi được bộ mặt du lịch tại Cù Lao Chàm.

Nguồn nước ngọt khan hiếm khiến cư dân trên đảo sử dụng rất tiết kiệm.

Cù lao Chàm đang thiếu nước sạch

Cù lao Chàm hiện đang là một địa chỉ hot trong bức tranh du lịch tại Quảng Nam- Đà Nẵng thế nhưng hầu như chỉ chú trọng vào việc làm sao để đưa khách đến đông nhất, thuận tiện nhất mà bỏ qua việc hòn đảo này có đủ sức để "tải" chừng đó lượt người hay không. Bà Phạm Thị Mỹ Hương- Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, không thể phủ nhận vai trò của du lịch đã tác động mạnh mẽ đến đời sống dân cư. "Hiện nay, Tân Hiệp là xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh, không có nhà tạm hộ nghèo hầu hết đều có thể kiếm tiền từ du lịch. Thế nhưng mặt trái của việc phát triển quá nhanh này là sức ép về môi trường, đặc biệt phải kể đến nguồn nước ngầm vốn đã rất hạn hẹp", bà Hương nói. Cù lao Chàm hiện có gần 40 homestay, một số cơ quan hành chính đều sử dụng chung nguồn nước từ hồ bãi Bìm. Vào những năm 2014, 2016, 2017, 2018 thời điểm tháng 4 đến tháng 7, người dân Cù Lao Chàm luôn thiếu nước sinh hoạt trong khi đó đây là là thời điểm "vàng" của du lịch.

Bà Hương cũng cho biết một sự thật, nhờ việc khống chế từ sớm số người lên đảo không quá 3.000 khách/ ngày Cù lao Chàm mới không bị "vỡ trận". "Nếu những năm qua chính quyển thả cửa ai muốn lên đảo cũng được thì làm sao đủ nước ngọt để dùng cho từng đó người bởi số du khách lên đảo lúc nào cũng xấp xỉ dân số trên đảo?", bà Hương đặt vấn đề.

Gặp khó về nguồn nước ngọt nên khi dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù lao Chàm tại bãi Bìm được cấp phép vào năm 2007 với diện tích 259 ha, do Cty cổ phần Thương mại du lịch đầu tư Cù Lao Chàm, thuộc tập đoàn Sun Group đầu tư đã khiến không ít cư dân trên đảo hoang mang. Dự án đang trong quá trình xây dựng với quy mô lớn và sẽ đưa vào sử dụng trong những năm tới. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về nguy cơ áp lực nước ngọt lên đảo như thế nào sau khi dự án này đưa vào hoạt động, bà Hương khẳng định địa phương đã thống nhất ngay từ đầu chủ đầu tư phải tự lo nguồn nước. "Hiện nay dự án này chưa đi vào hoạt động nên cũng không nói trước được những gì sẽ ảnh hưởng, tác động ra sao đến địa phương. Tuy nhiên nguồn nước trên đảo là vô cùng ít ỏi, không thể tái tạo một sớm một chiều nên sẽ không có chuyện họ dùng chung nước với cư dân địa phương", bà Hương khẳng định.

Có thể thấy rằng, danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã mang lại những tác động tích cực cho đời sống và ý thức người dân Cù Lao Chàm nhưng cũng đồng thời đặt lên vai chính quyền và cư dân nơi đây không ít thách thức. Và việc giữ gìn danh hiệu này trong những năm tiếp theo sẽ là bài toán khó không chỉ riêng với Hội An. Làm thế nào để mỗi bước chân du khách trên đảo không phải chỉ là những bước chân hờ hững mà thực sự gắn bó, đồng hành với những nỗ lực giữ gìn thiên nhiên của nhân dân địa phương, để từ đó lan tỏa và nâng cao ý thức của cộng đồng vượt ra bên ngoài ranh giới của Cù Lao Chàm... đó mới chính là giá trị thực sự của việc phát triển du lịch trên vùng đất Khu dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO đã ưu ái dành tặng cho xứ sở này.

Hà Dung