Hành trình đến với Myanmar (Ngày thứ 2: Khám phá Bago cổ kính và Kyaikhtiyo huyền bí)

Thứ tư, 29/08/2018 14:40

Thành phố Bago, nơi từng là thủ đô của Myanmar, giống như một công viên giải trí Disney Land với những công trình tôn giáo đầy màu sắc. Có thể nói,  thành phố nhỏ bé và đông đúc này chứa nhiều tượng phật và những ngôi chùa nhiều đồ quý hơn bất kì thành phố cùng kích cỡ nào tại Nam Myanmar. Bago được thành lập vào năm 573 sau công nguyên bởi hai hoàng tử người Môn tại Thaton. Vào năm 1740, người Môn sau một thời gian dài ở tại Taungoo đã thiết lập lại thành phố Bago như là thủ đô của họ. Nhưng vào năm 1757, vua Alaungpaya đã phá hủy thành phố. Vua Bodawpaya, cai trị từ năm 1782 đến 1819 đã xây dựng lại thành phố. Nhưng do con sông đổi dòng, thành phố bị tách biệt khỏi biển, vì thế Bago không bao giờ còn trở lại thời kỳ huy hoàng như xưa nữa.

Nhà sư đi khất thực tại Kyaikhtiyo

Điểm dừng chân đầu tiên tại Bago là Chùa Shwe Maw Daw - nơi lưu giữ xá lợi tóc và răng của Đức Phật cách đây hàng ngàn năm, có ngọn tháp cao tới 114m, đây cũng là ngôi chùa có tháp cao nhất Myanmar. Chùa ở Myanmar có rất nhiều khác biệt so với chùa ở Việt Nam. Đầu tiên, trước khi vào thăm các chùa, phật, tu viện, cung điện ở Myanmar, bất kể ai cũng phải cởi giày, dép, tất chân, kể cả các nguyên thủ quốc gia. Du khách cần mặc những bộ đồ lịch sự, dài quá gối, áo có tay, không hở bụng và không được nói bậy. Ngoài ra, phụ nữ không được đến gần và đụng chạm vào những vật linh thiêng trong chùa hay tháp Phật hoặc chỗ dành riêng cho các nhà sư cầu nguyện tụng kinh. Khi bạn muốn đưa cái gì đó cho các nhà sư, nếu là phụ nữ phải để một chiếc khăn tay trên tay mình để không chạm vào các vị sư. Điểm khác biệt thứ hai là chùa ở đây không đốt nhang, cúng vàng mã, chỉ sử dụng nến, hoa và nước, nên chùa rất thanh tịnh, sạch sẽ, không có cảnh chen chúc xin lộc, khấn vái như ở Việt Nam. Điểm khác biệt thứ ba là hầu hết chùa ở Myanmar đều dát vàng, khuôn viên rộng, xây dựng quy mô, độc đáo, xây dựng theo 4 hướng, du khách dễ bị lạc không tìm được lối ra. Do đó, hướng dẫn viên luôn nhắc chúng tôi tham quan chùa đi theo chiều kim đồng hồ.

Chỉ hơi tiếc một chút là trước cổng chùa có quá nhiều các em nhỏ từ 3-12, 13 tuổi, thậm chí cả người lớn địu theo em bé luôn chắp tay trước ngực lạy xin tiền của du khách. Mặc dù được Myo và anh Võ Thanh nhắc không nên cho tiền và nếu cho thì phải cho đều tất cả, bằng không khó mà đi khỏi..., nhưng nhìn những cô bé, cậu bé thân hình gầy gò, ăn mặc lem luốc đi theo với ánh mắt van lơn, chúng tôi không đành lòng. Cứ để cho các em vui đi đã, một chút tấm lòng thôi mà!

 Chùa Đá Vàng (Kyaikhtiyo). 

Điểm tham quan thứ 2 tại Bago là Tu viện Kyat Khat Wine. Một ngôi trường lâu đời của thầy sư các ngôi chùa, là nơi nam thanh niên phải vào tu học trước khi trưởng thành. Ngoài dạy về tri thức khoa học, thiền viện còn dạy cách làm người, dạy kỹ năng sống cho trẻ em, cách sống hướng thiện, sống đúng lời Phật dạy… Mùa hè là lễ nhập chùa cho trẻ em nam. Đoàn chúng tôi đặt chân đến tu viện vào gần giữa trưa, do đó, chúng tôi rất may mắn được chứng kiến hàng trăm nhà sư cả già và trẻ, thậm chí cả những nhà sư nhỏ chỉ 7-9 tuổi xếp hàng về ăn cơm. Ở đây, các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay (ai cho gì ăn nấy) và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12 giờ trưa, sau 12 giờ đến sáng hôm sau họ tuyệt đối không được ăn. Các nhà sư đi khất thực chỉ dùng đủ phần của mình, phần còn lại để cho người khác (có thể là những người lao động, những người khó khăn...). Nhiều chị em trong đoàn chúng tôi cầm sẵn 500, 1000 Kyat (tiền Myanmar) để bỏ vào cháp đi khất thực của các nhà sư như là một sự chia sẻ đối với người dân nơi đây. 

 Sau khi rời thiền viện, chúng tôi đến thăm Cung điện Kanbawzathadi - Cung điện được xây dựng vào thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử Myanmar, do vua Bayinnaung của triều đại Taungoo xây dựng, đây là một trong những điểm thu hút du khách nhất tại Bago. Theo sử sách cũ, cung điện đầu tiên có 76 phòng và các đại sảnh, sau đó bị thiêu hủy vào năm 1559. Giới khảo cổ đã khai quật vị trí cung điện vào năm 1993 và khám phá những nền móng bằng gạch và chân cột của cung điện cũ. Nhiều cột trụ bằng gỗ tếch có câu khắc và 2000 hình ảnh Đức Phật bằng đá vôi cũng được tìm thấy. Dấu vết đổ nát của những vách tường cùng 20 cái cổng vẫn còn đến ngày hôm nay. Hai đại sảnh Great Audience Hall và Bee Throne Hall cũng đã được xây dựng lại theo sơ đồ.

Cung điện Hoàng gia Kanbawzathadi ở Bago là kiến trúc xây dựng lại theo cung điện Hoàng gia ban đầu niên đại nửa sau của thế kỷ 16. Cung điện có màu vàng lộng lẫy, kiến trúc trang nhã phản ánh về một thời kỳ huy hoàng và sự giàu có trong quá khứ của Myanmar. Cung điện được trang trí hình hai con công và mái nhà kiểu Pyatthat. Trong cung điện có một góc bảo tàng trưng bày vật dụng và hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật, cũng như thông tin lịch sử về Myanmar thời kỳ này. Các hiện vật trưng bày gồm các cột bằng gỗ tếch thế kỷ 16 và các vật dụng như đồ gốm, cân, đồng tiền cổ, lọ thủy tinh, thanh kiếm và các loại vũ khí khác. Bảo tàng còn có một bộ sưu tập các bức tượng Phật thế kỉ 16. Người Myanmar khi xây dựng cung điện mới vẫn còn giữ nguyên các trụ gỗ tếch có đường kính vài người ôm, dựng song song với trụ mới, như lưu giữ, nhắc nhở thời quá khứ vàng son của lịch sử. Đoàn chúng tôi, ai cũng trầm trồ trước sự lộng lẫy, tráng lệ của cung điện với một màu vàng rực rỡ.  

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh với trẻ em ở yaikhtiyo.

Điểm tham quan cuối cùng trong ngày thứ hai của hành trình là Kyaiktiyo (Chùa Đá Vàng) nằm cách Yangon hơn 200 km. Có lẽ đây là chuyến đi vất vả nhất nhưng cũng nhiều kỷ niệm nhất trong 4 ngày ở Myanmar. Sau hơn 2 tiếng vất vả di chuyển vì trời mưa, đoàn chúng tôi tiếp tục phải chuyển sang xe tải không mui  để leo núi. Nếu không muốn thì du khách cũng không có sự lựa chọn nào khác, vì đường lên đỉnh núi Kyaiktiyo với chiều cao hơn 1.000m (nhưng ô-tô di chuyển mất 40 phút) qua những đường  dốc thẳng đứng, cheo leo, chỉ phù hợp với loại xe này. Mỗi xe có thể chở tới 40 người trên những băng ghế gỗ đơn giản. Mặc dù có gắn đai bảo hiểm nhưng hầu như không sử dụng được.

Mỗi thành viên trong đoàn được anh hướng dẫn viên trang bị cho 1 áo mưa tiện lợi để chống mưa.  Xe dừng cách đỉnh Kyaiktiyo khoảng 1,5 km. Khi xe vừa dừng, chúng tôi đã thấy hàng chục thanh niên người Myanmar với nước da ngăm đen, cao, gầy, trên vai cõng những chiếc gùi nhìn giống như chiếc rọ to đan bằng tre tiến đến xin được cõng hành lý cho du khách về khách sạn (cách đó khoảng 200m) với giá 1 kyat/lượt. Chúng tôi đi bộ về khách sạn Moutian Top Hotel cất hành lý và tiếp tục chinh phục Kyaiktiyo, mặc dù trời vừa mưa, lạnh và đã nhá nhem tối. Từ đây, chúng tôi phải cởi bỏ giày và đi bằng chân trần để bước vào khu vực Chùa Đá Vàng. Trong đời người chắc chỉ một lần chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của Kyaiktiyo. Trên độ cao 1.100m, tảng đá có vẻ sắp lăn xuống núi nhưng lại rất vững chắc và khó bị xê dịch dù chỉ tiếp xúc với ngọn núi vẻn vẹn 78 cm2. Truyền thuyết Myanmar lý giải cho bố cục kỳ lạ này bằng câu chuyện của Đức Phật, tương truyền bảo tháp trên hòn đá chính là xá lợi tóc của Đức Phật. Dù bạn có tin vào truyền thuyết hay không, trong khoa học địa lý đây là hiện tượng không thể lý giải.

Người dân nơi đây rất tin vào sự linh thiêng, thường quỳ lạy và ôm hôn hòn đá. Họ tin rằng điều đó sẽ giúp họ trở nên giàu có, thịnh vượng. Đối với hầu hết người hành hương, tới Chùa Đá Vàng là một giấc mơ trong nhiều năm và phải trải qua hành trình gian khổ lên tới đỉnh núi. Họ tới đây niệm Phật và mang thêm những lá vàng dát vào tảng đá thần kỳ. Chính vì vậy, hình dáng của Chùa Đá Vàng ngày càng "đầy đặn" hơn, nhờ những lớp vàng được dát mỏng đều đặn hằng năm. Ngoài lý do tín ngưỡng và kiến trúc độc đáo, nhìn từ đỉnh núi cao, khung cảnh nơi đây tuyệt đẹp. Theo lời hướng dẫn viên, hàng năm từ tháng 11 đến tháng 3, Chùa Đá Vàng chật kín Phật tử từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, ngày 31-12 hàng năm có lễ hội 9.000 ngọn đèn để chào đón năm mới và tạ ơn Đức Phật trong khuôn viên chùa. Mặc dù trời mưa, hạn chế tầm nhìn, nhưng chúng tôi cũng kịp ghi lại những hình ảnh đẹp nhất về Chùa Đá Vàng.    

(còn nữa)

Ghi chép: Thu Huyền