Hành trình đưa Voọc chà vá chân nâu đến với bạn bè quốc tế

Thứ sáu, 12/08/2016 11:46

(Cadn.com.vn) - Là học sinh trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội), chưa một lần biết đến loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nhưng tình cờ, Đặng Vũ Minh (lớp 9A) và Đào Nhật Minh (8A) biết đến loài linh trưởng này và say mê chúng lúc nào không hay. Để chứng tỏ tình yêu với loài Voọc, "song Minh" đã thực hiện đề tài nghiên cứu tham dự cuộc thi khoa học Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất (GNHD) do Quỹ Giáo dục toàn cầu Behring tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) và vinh dự nhận được Huy chương Vàng.

Hình ảnh về loài Voọc được hai em chụp sau khi đi thực tế tại bán đảo Sơn Trà.

Nói về cái "duyên" khi đến với loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, Vũ Minh và Nhật Minh cho biết: Trước khi bắt tay vào công việc nghiên cứu, chúng em cũng được gợi ý cho một số đề tài về thực vật, tuy nhiên cả hai không có hứng thú lắm. Đang "bí" đề tài thì chúng em bất ngờ được Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) giới thiệu một số chủ đề về động vật, trong đó có liên quan đến Voọc chà vá chân nâu. "Lần đầu tiên chúng em được nghe đến tên loài Voọc này. Tìm hiểu thông tin qua Internet và báo chí, chúng em bắt đầu thấy hứng thú và quan tâm, nhất là khi biết đây là một trong những loài linh trưởng được cho đẹp nhất hành tinh (còn được gọi là Voọc ngũ sắc), hiện chỉ có ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Qua tìm hiểu, chúng em biết được số lượng nhiều nhất là ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Điều thú vị là, chúng em đã đi du lịch Đà Nẵng nhiều lần, đã học về môi trường, cũng đã đi thăm các khu vườn quốc gia và các khu bảo tồn, nhưng chỉ đến khi bắt đầu nghiên cứu chúng em mới biết đến loài linh trưởng quý hiếm và rất đẹp này", Vũ Minh tâm sự.

Sau khi tìm hiểu thông tin qua Internet, dự án nghiên cứu của hai em bắt đầu gặp khó khăn, vì thông tin về loài Voọc này hầu như không có nhiều. Hai em cũng liên hệ bảo tàng, thư viện, các vườn quốc gia... nhưng hầu như không có. "Khi tìm thông tin tiếng Việt thì chỉ tìm thấy hàng loạt bài báo về các vụ phá rừng tại bán đảo Sơn Trà hồi đầu năm và gắn với các bài viết của Trung tâm Bảo tồn Sinh học Nước Việt (GreenViet) vì phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với loài Voọc này. Chúng em tiếp tục tìm hiểu thêm thì thấy GreenViet là có nhiều thông tin nhất về loài này. Sau quá trình tìm kiếm thông tin, chúng em bắt đầu hình thành các mục tiêu, câu hỏi và phương pháp tiến hành cho phần nghiên cứu thu thập thông tin sơ cấp", Vũ Minh cho biết. Sau khi định hình phương pháp nghiên cứu, hai học sinh đã lên kế hoạch đi quan sát và thu thập thông tin tại bán đảo Sơn Trà. Với việc thiết kế các bảng hỏi phỏng vấn, thu thập thông tin, quan sát... và lên kế hoạch đi thực địa tại bán đảo Sơn Trà..., hành trình khám phá bán đảo Sơn Trà nhằm tìm hiểu về loài Voọc chà vá chân nâu của hai học sinh bắt đầu từ ngày 25 và kết thúc 29-6-2016.

"Song Minh" vinh dự nhận được Huy chương Vàng với đề tài về loài Voọc chà vá chân nâu.

Điểm đến đầu tiên và cũng là địa chỉ tin cậy của Vũ Minh và Nhật Minh là anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet cùng một số chuyên gia nghiên cứu về loài Voọc như anh Bùi Văn Tuấn cùng những chuyến trải nghiệm thực tế. "Dù đã được xem ảnh Voọc chà vá chân nâu, nhưng sau khi được đi quan sát thực tế, chúng em cũng vẫn không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ trước vẻ đẹp của chúng", Nhật Minh tiếp lời. Gần 3 tuần chuẩn bị để hoàn thành báo cáo, viết bài trình bày và xây dựng nội dung để giới thiệu qua bảng triển lãm trong cuộc thi, trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, tuy nhiên được sự hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện của cô giáo hướng dẫn và gia đình, cuối cùng, hai em đã hoàn thành đề tài và lên đường dự thi. Theo Nhật Minh, tại Thượng Hải, sau phần giới thiệu đề tài nghiên cứu, Ban giám khảo và các bạn cùng thi cũng như các cô giáo từ các nước rất quan tâm và hỏi nhiều thông tin về dự án nghiên cứu của các em. "Kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là ở các câu hỏi thú vị của các bạn từ các nước như: Đây có phải là loài có họ hàng với khỉ không? Nó có ở những nơi nào? Nó có nguy cơ bị tuyệt chủng không? Nó có phải là loài quý hiếm không? Thế người ta săn bắt loài này để làm gì?... Và hầu hết đây là lần đầu tiên họ được biết đến loài linh trưởng này. Một số bạn và ban giám khảo còn gọi chúng em là các cậu Voọc (primate guys)", Nhật Minh vui vẻ cho biết.

"Chúng em đã học được thêm rất nhiều điều thú vị trong quá trình nghiên cứu, đã hiểu nhiều hơn về loài linh trưởng quý hiếm này và sẽ cố gắng hết sức để cùng GreenViet bảo vệ chúng", "song Minh" khẳng định.

D.Hùng

 

Cuộc thi khoa học Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất được tổ chức hàng năm, là một phần trong Chương trình Giáo dục Lãnh đạo toàn cầu được thiết kế dành cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, nhằm thu hút và khuyến khích những học sinh có niềm đam mê với khoa học và muốn tham gia các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu. Chủ đề cuộc thi năm nay là "Mối quan hệ trong thiên nhiên" và cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc thi cùng với 98 đội thi đến từ 10 quốc gia. Nhóm Đặng Vũ Minh (9A) và Đào Nhật Minh (8A), học sinh trường THCS Thực Nghiệm là 1 trong 3 nhóm dự thi năm nay của Việt Nam với nghiên cứu về Bảo tồn Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng và nhận được Huy chương Vàng.