Hành trình "gieo chữ" dưới chân đỉnh Phà Cà Tún

Thứ ba, 12/12/2017 10:22

Sau nhiều lần thất hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng có dịp đến thăm Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, H.Quế Phong, Nghệ An. Ngôi trường được biết đến với nhiều không: không đường ô-tô, không điện, không sóng điện thoại, không Internet và không giáo viên nữ. Với 6 điểm trường nằm rải rác sát biên giới Việt - Lào dưới chân đỉnh Phà Cà Tún, hằng ngày, 46 thầy giáo đang siết tay nhau bám bản, đưa cái chữ đến với con em đồng bào.

Thầy trò Trường Tiểu học Tri Lễ 4 dạy-học trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Cõng xe lên trường

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 378 học sinh, nơi có 100% là người dân đồng bào Mông. Trường có 1 điểm trường chính Mường Lống và 5 điểm trường lẻ, gồm Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2 và Nậm Tột. Để đến được cả 6 điểm trường thì phải mất khá nhiều thời gian vì không có một con đường nào nối tất cả các điểm trường với nhau. Mỗi điểm trường nằm theo một hướng dưới thung lũng hoặc trên một ngọn núi cao theo hình cánh cung sát biên giới Việt - Lào. "Đường này không ai giám đi một mình mà phải đi theo từng tốp, ít nhất cũng phải 5-6 người, đề phòng lúc xe máy bị hỏng giữa chừng hay trời mưa trơn trượt, khó đi còn tăng bo, hỗ trợ nhau", thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 chia sẻ về cung đường mà chúng tôi sắp đi qua.

Để vào được Trường Tiểu học Tri Lễ 4, chúng tôi phải vượt qua cung đường nguy hiểm dài hơn 20km từ thị tứ Châu Kim, H. Quế Phong. Biết không đủ khả năng băng đường rừng bằng xe máy nên chúng tôi phải nhờ sự trợ giúp của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Con đường dẫn vào điểm trường chính chỉ có khoảng 10km là dễ đi bởi đang được một công trình thủy điện đầu tư, mở rộng. Nói là dễ đi hơn do đường có ít "sống trâu" và đủ rộng để hai xe máy ngược chiều tránh nhau. Chúng tôi đã vượt qua được đoạn dốc Đỏ, nơi thử thách lòng kiên trì, nhẫn nại của người đi đường. Đây là đoạn dốc cao dựng đứng và cua ngoặt, chỉ cần phanh gấp hoặc thiếu kỹ thuật là có thể ngã bất cứ lúc nào. "Đoạn đường này, trời nắng thì hằn sống trâu, trời mưa thì bùn ngập nửa bánh xe, kẹt cứng trong tăm và xích. Để vượt qua những đoạn đường này thì cứ 4-5 người dùng dây thừng kéo một xe đi, hoặc gánh xe qua đoạn dốc núi, có khi phải mất cả tiếng đồng hồ mới qua được", thầy Lô Văn Sơn cho biết. Qua dốc Đỏ là con đường bé xíu, chỉ lọt đủ 1 chiếc bánh xe. Các thầy giáo quen gọi đây là đường dắt ngựa. "Đường lên điểm trường Huồi Xái 2, nếu trời nắng thì có thể đưa xe lên nhưng trời mưa thì chấp nhận đi bộ vì đường trơn không đưa được xe xuống núi", thầy Trần Ngọc Quang nói.

Mới nhận công tác được hơn 2 tuần, thầy Lang Việt Hùng vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đi trên con đường này: "Trước đây nghe mọi người nói, thậm chí là xem tivi, mình cũng phần nào hiểu được những khó khăn của các thầy giáo khi đi qua con đường này. Nhưng đúng là "trăm nghe không bằng một thấy", đường này đi là ngã như cơm bữa. Lên dốc, đổ đèo cứ phải số 1 và số 2 thôi. Xe máy cứ tầm 3-4 năm là phải thay, lốp và phanh thì cứ 2-3 tháng thay một lần".

Hồi tưởng lại, thầy Lương Văn Xuyên - người có thâm niên công tác 23 năm ở đây, kể: "Trước đây, chưa có xe máy, để vào được trường thì các thầy phải lội bộ mất cả ngày trời. Mùa mưa, đường lầy lội, vai mang đồ đạc đi bộ hàng giờ đồng hồ, nhiều khi chân tay tê cứng. Trời lạnh, mọi người xúm nhau ngồi sưởi lửa bên đường. Đi đến đâu, tới bữa thì anh em dừng lại bên đường ngồi ăn, miễn sao vào được trường mang con chữ đến cho các em".

Những ngày mưa, hành trình lên non "gieo chữ" của các thầy quá gian nan.

Nhọc nhằn nơi "nhiều không"

Chúng tôi như lạc vào một thế giới khác khi hòa nhập cuộc sống của các thầy giáo ở nơi không điện lưới, không sóng điện thoại, không trạm y tế, không chợ, không nhà công vụ, không Internet… Chỉ có tình yêu nghề, lòng kiên nhẫn, tinh thần dấn thân mới giúp các thầy bám lớp, bám trường ở ngôi trường khó khăn bậc nhất xứ Nghệ mấy chục năm qua.

Hơn 6 giờ sáng, khi bố mẹ bắt đầu lên rẫy cũng là lúc những đứa trẻ vùng cao áo quần xộc xệch, khuôn mặt nhem nhuốc bước chân sáo đến trường. Các thầy giáo như những người mẹ hiền, cần mẫn lấy nước lau mặt, chải đầu, buộc tóc, cắt móng tay… cho học trò. Họ không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người mẹ chăm sóc cho những đứa con thân yêu. Trong giờ học, đôi khi có học sinh ốm đau, đánh nhau… thì các thầy lại kiêm luôn nhân viên y tế, cho các em uống thuốc, xoa bóp cho học trò.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp chia sẻ: "Dạy ở Tri Lễ 4, các thầy không thể áp dụng một cách cứng nhắc những quy định của Bộ GD-ĐT, vì ở đây học trò đều là người Mông, học tiếng Việt cũng giống như mình học ngoại ngữ, có khi 1 dạng toán nhưng phải giảng đi, giảng lại 3 lần. Mỗi tuần, các thầy dạy phụ đạo thêm 3 buổi chiều, vừa bổ trợ kiến thức cho các em, vừa kết hợp dạy cho những em đi học không đều. Thậm chí dịp nghỉ hè, các thầy còn phải dành một nửa thời gian để bổ sung kiến thức cho các em".

Hơn 11 năm công tác, thì có đến 8 năm thầy Nguyễn Văn Khoa bám trụ ở điểm trường Huổi Mới và 3 năm ở điểm trường Huồi Xái 2. Những khó khăn, vất vả khi phải sống trong môi trường thiếu thốn đối với thầy cũng đã trở nên "bình thường". Thầy Khoa chia sẻ: "Dạy học ở đây thực sự rất khó khăn, từ đường sá đi lại đến điều kiện sinh hoạt bởi vậy dù trường đã thành lập 35 năm nhưng vẫn chưa có giáo viên nữ nào cũng là điều dễ hiểu".

"Việc dạy học vất vả là thế nhưng tình trạng các em bỏ lớp vẫn xảy ra thường xuyên. Bởi, học sinh lớp 4, 5 có thể làm việc nhà và trông em nên cứ đến mùa gặt là phụ huynh lại lên trường xin thầy cho các em nghỉ học một vài bữa. Chính vì vậy, vận động học trò đến lớp là việc thường xuyên các thầy phải làm. Có hôm đang dạy thì có phụ huynh đến lớp gửi con, học trò bế em vào lớp ngồi cạnh, vậy là thầy lại có thêm nhiệm vụ trông trẻ", thầy Trần Ngọc Quang cho biết.

Do người Mông có phong tục tập quán sống khép kín, chỉ quan hệ với anh em, họ hàng, ít giao tiếp với người ngoài nên việc đi vận động bố mẹ để các em đến trường rất khó khăn. Thầy Ngọc Quang chia sẻ, muốn nói chuyện với người dân ở đây phải tạo được sự tin tưởng, thân thiện. Chính vì vậy, mỗi khi vận động học trò, các thầy phải đi cùng trưởng bản, hội trưởng hội phụ huynh. Ngoài ra, trong cách nói chuyện với phụ huynh phải khéo léo đưa ra các ví dụ thực tế để thuyết phục dần dần thì người dân mới chịu nghe, chịu hiểu và thấy có lý thì người ta tiếp thu.

Sự khó khăn, vất vả nơi đây còn thể hiện ở bữa ăn hàng ngày. Không chợ, không quán tạp hóa nên thức ăn thường xuyên của các thầy giáo là rau dại, măng rừng và đồ khô. Để cải thiện bữa ăn, các thầy phải xuống suối bắt cá, mò ốc. Thầy Lữ Văn Sơn kể, "Mùa khô thì cứ chiều thứ sáu là anh em trong huyện chia nhau về nhà gặp vợ con, vừa tranh thủ mang theo một ít lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho tuần kế tiếp. Còn mùa mưa, có khi cả tháng chưa về được vì đường lầy lội".

Sau những giờ lên lớp, các thầy lại trở về những "căn phòng" công vụ được làm bằng gỗ. Gió rừng và sương len qua kẽ gỗ lạnh thấu xương, các thầy phải tận dụng băng rôn, ni-lông che chắn. Rồi khi màn sương đêm buông xuống, các thầy phải đối diện với nỗi nhớ gia đình, người thân. Các thầy mò mẫm đi tầm 2km để dò sóng, gọi về cho gia đình, đơn giản để được nghe tiếng mẹ già dặn dò, lời vợ hiền quan tâm hỏi han, tiếng con thơ bi bô gọi bố…

DƯƠNG HÓA