Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (21/2/1946 - 21/2/2016):

Hành trình không mệt mỏi

Thứ bảy, 20/02/2016 11:21

(Cadn.com.vn) - 70 năm, khó đong đếm hết được sự trưởng thành cùng những chiến công vẻ vang của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTN). Chỉ biết rằng, mỗi đối tượng truy nã bị bắt, xã hội bớt đi một phần hiểm nguy, người dân được sống yên bình hơn. Nếu phải kể ra một con số thì trong 10 năm qua, CSTN cả nước đã đưa hơn 82 ngàn đối tượng truy nã lẩn trốn trong xã hội ra ánh sáng. Riêng Đà Nẵng, trong 5 năm qua CA các đơn vị, địa phương đã bắt, vận động đầu thú gần 500 đối tượng, trong đó có 86 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Những con số kể ra rất ngắn gọn, khô khan, nhưng ẩn chứa sau đó là biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của lính truy nã.

 Ai cũng hiểu, khoác lên mình màu áo cảnh sát tức là chấp nhận dấn thân, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, nhưng CSTN lại là lực lượng rất đặc thù. Phẩm chất cần nhất của một CSTN là lòng dũng cảm và nhiệt huyết với nghề. Nhưng điều đó thôi chưa đủ, bởi trong bối cảnh hiện nay, tội phạm trốn truy nã luôn tìm đủ mọi phương kế  trốn tránh, che giấu thân phận của mình bằng những vỏ bọc tinh vi và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Có nghĩa là CSTN phải luôn biết trau dồi cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm, sự mưu trí và lòng dũng cảm.

Đại tá Trần Đình Hương đang họp bàn phương án đấu tranh với một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Thủ lĩnh của CSTN Đà Nẵng, Đại tá Trần Đình Hương bảo rằng, với mỗi đối tượng truy nã nguy hiểm, việc truy bắt chúng là một cuộc đấu trí cam go. Bởi lẽ, đối tượng truy nã càng nguy hiểm thì càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để tạo vỏ bọc kín kẽ, che giấu thân phận của mình. Hơn nữa, khi lẩn trốn ngoài xã hội, khả năng đối tượng loại này gây án mới rất cao, đòi hỏi CSTN phải tìm mọi phương án, khẩn cấp truy bắt càng sớm càng tốt. Nói như thế không có nghĩa là những đối tượng gây án nhẹ, trốn lâu năm không được chú trọng. Có những đối tượng trốn truy nã hơn 20 năm, ngoại hình đã thay đổi nhiều, cuộc sống đã yên ổn trong thân phận mới vẫn bị CSTN bắt giữ, đưa ra ánh sáng. Bởi lẽ, đã phạm tội thì dù có trốn đi đâu sớm muộn cũng bị bắt, dù rằng đối tượng có tạo vỏ bọc kín kẽ đến đâu, dù thời gian có thể 10 năm, 20 năm.

Nhiều năm lăn lộn với nghề, đại úy Cao Lê Duy Hùng- Đội phó Đội 2- Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng hiểu rằng, để truy ra tung tích của đối tượng đã cực khó, nhưng khi biết được nơi ẩn náu của đối tượng, việc truy bắt cũng chưa bao giờ đơn giản. Với những đối tượng giang hồ cộm cán, lì lợm, luôn mang theo hung khí bên mình luôn cảnh giác cao độ, sẵn sàng chống trả thì đòi hỏi CSTN phải nghiên cứu địa hình, chọn mốc thời gian phù hợp, lên phương án chi tiết, khoa học sao cho khi bắt phải đảm bảo tính hiệu quả, an toàn nhất có thể. "Điều quan trọng phải nghiên cứu kỹ về tâm lý đối tượng, những phản ứng, những tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi vây bắt. Với đối tượng nguy hiểm, có vũ khí "nóng" nếu không dùng trí tuệ để "đấu" thì cầm chắc thất bại"- đại úy Hùng nói.

Rất kiên quyết với những đối tượng lì lợm ngoan cố, song với những đối tượng có thể thông qua các mối quan hệ xã hội để tác động ra đầu thú luôn được đại úy Hùng ưu tiên. Anh bảo, việc truy bắt tội phạm, cải tạo, cuối cùng cũng nhằm mục đích để đối tượng đó trở thành người có ích cho xã hội. Có những đối tượng sau khi ra tù lại tiếp tục phạm tội, rõ ràng nhận thức chưa được thay đổi. Vì vậy, nếu có thể tác động để đối tượng ra đầu thú, đối tượng hiểu, chấp nhận để làm lại cuộc đời, mà không phải bắt bớ, điều đó khiến cán bộ trinh sát cảm thấy nhẹ lòng hơn. Và còn bởi, có thể nhìn thấy ở họ quyết tâm và khát khao làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Với CSTN phải luôn giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh, điều đó như phương châm nằm lòng của mỗi trinh sát. Trái tim nóng để luôn tràn đầy nhiệt huyết, dấn thân với nghề cho dù hiểm nguy cận kề. Trái tim nóng để biết xử sự, cảm hóa với các đối tượng truy nã như những con người với con người. Thiếu tá Trương Như Hòa- Đội trưởng Đội 3 Phòng CSTNTP không thể quên được cảnh 2 đứa con nheo nhóc, khóc thét lên trong căn nhà trọ tồi tàn cùng sự ngỡ ngàng của người chồng khi biết vợ mình chính là đối tượng truy nã bị bắt. Trước khi di lý đối tượng về Đà Nẵng, anh cùng đồng nghiệp đã móc hết tiền trong túi mình được gần 1 triệu đồng đưa cho người chồng bảo mua sữa cho 2 con nhỏ rồi động viên anh gắng gượng nuôi 2 con chờ ngày đoàn tụ với vợ.

Cả nước còn hàng chục ngàn đối tượng truy nã, hành trình phía trước của lực lượng CSTN còn nhiều gian khó, điều đó đòi hỏi mỗi CBCS phải luôn nỗ lực không mệt mỏi, không cho phép mình dừng lại trên trận tuyến truy nã tội phạm cam go, hiểm nguy này.

Hải Hậu