Hành trình "tìm con" của người hiếm muộn

Thứ sáu, 19/06/2020 08:59

Đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn, "tìm con" là một hành trình đầy gian nan. Nhưng họ chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Bởi lẽ, từ tận trong đáy lòng, ai cũng khao khát có được "đặc ân" làm cha mẹ. Và hơn hết, trên con đường khó khăn này, các gia đình hiếm muộn luôn có sự đồng hành tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ.

Các cặp vợ chồng khám và điều trị tại khoa Hiếm muộn BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Ghi tại hành lang bệnh viện

Khoảng 8 giờ, tại khoa Hiếm muộn, Bệnh viện (BV) Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, rất đông bệnh nhân (BN) đến khám và điều trị hiếm muộn.

Trên tay cầm hồ sơ khám bệnh, mắt nhìn chằm chằm về phía bác sĩ điều dưỡng đang gọi tên, anh N.V.T (H. Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Đây đã là lần thứ 3 vợ chồng tôi thực hiện việc chuyển phôi vào buồng tử cung, cả 2 lần trước đều không đậu thai. Số tiền chữa trị, đi lại, ăn uống trong suốt thời gian vừa qua cũng hơn 200 triệu đồng rồi. Tôi rất hy vọng vào lần chuyển phôi này". Ngồi bên cạnh,vợ anh cũng sốt sắng, bồn chồn không kém.

Ngoài vợ chồng anh N.V.T, có khoảng 30 người nữa cũng đang nóng lòng chờ đến lượt khám. Có người lần đầu đến nhưng cũng có không ít người đã đi nhiều đến mức không nhớ nổi bao nhiêu lần nữa. Họ từ nhiều địa phương khác nhau. Có những người may mắn đón tin vui có thai sau 1, 2 năm thăm khám, điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhưng có người chặng đường "tìm con" dai dẳng 4, 5 năm. Đó là hoàn cảnh của chị N.T.T.H (H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Theo lời chị T.H, đã biết bao lần chị suy sụp trước những lần thử thai. Tuy nhiên, sau những lần tuyệt vọng chị lại tiếp tục hành trình tìm kiếm con yêu. Cũng đang trong hoàn cảnh chờ đợi kết quả lần cấy phôi đầu tiên, chị L.T.P (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vừa vuốt tóc cho cô con gái ngồi bên vừa trải lòng: "7 năm trước tôi sinh con đầu lòng, sau khi sinh được một thời gian phát hiện bị u buồng trứng cắt bỏ 1 bên buồng trứng. Tôi điều trị uống thuốc từ đó đến nay sức khỏe đã ổn định, ông bà nội ngoại động viên đi điều trị để sinh thêm 1 đứa nữa".

Hộ sinh Lê Thị Thanh Thảo, khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết: "Buổi sáng người đến khám đông nghịt, không có chỗ ngồi. Sau khi khám điều trị thì cũng có rất nhiều trường hợp có thai".

Báo động tình trạng hiếm muộn ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê của khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, trong năm 2019 có 22.100 ca đến khám hiếm muộn và trong 6 tháng vừa qua, số ca khám hiếm muộn lên con số 8.143. Đáng chú ý, tình trạng hiếm muộn đang ngày càng trẻ hóa.

BS Nguyễn Thị Phương Lê của khoa cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hiếm muộn ở các cặp vợ chồng, có thể xuất phát từ chồng hoặc vợ, tình trạng vô sinh đang ngày càng trẻ hóa". Hiện nay, trong điều trị hiếm muộn bác sĩ sẽ dựa trên những đặc tính riêng của bệnh nhân để có phương pháp điều trị khác nhau. Đối với trường hợp tần suất quan hệ không phù hợp thì bác sĩ sẽ hướng dẫn thời gian quan hệ có khả năng thụ tinh cao. Ngoài ra, các phương pháp chính đang được sử dụng trong điều trị hiếm muộn mang lại hiệu quả gồm phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc TTON,...  Trong năm 2019, tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng số lượng có thai bằng phương pháp IUI là 65 ca trên tổng số lượng thực hiện là 462 chiếm 14,1%. Số có thai lâm sàng là 240 chiếm tỷ lệ 37,6%). Từ năm 2014 đến tháng 5 - 2020, số em bé ra đời từ phương pháp TTON là 901.

Cũng theo BS Nguyễn Thị Phương Lê, đối với các trường hợp hiếm muộn nên đến BV điều trị và theo dõi để đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng hiếm muộn đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa các cặp vợ chồng nên sinh con trước 30 tuổi, không nên sinh con sau 35 tuổi.

NGUYỄN LIÊN