Hành trình tìm tàu chiến bị đắm HMS Hood

Thứ hai, 20/08/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Theo CNN ngày 17-8, một trong những siêu du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới đang chuẩn bị cuộc hành trình mới nhất khám phá những bí ẩn quanh HMS Hood - tàu tuần dương của Anh bị đắm trong Thế chiến II hiện đang nằm lại tại đáy biển ở Bắc Đại Tây Dương. Chuyến thám hiểm này hứa hẹn mở ra những câu chuyện thú vị và đầy bí ẩn quanh con tàu huyền thoại này.

DU THUYỀN OCTOPUS

Octopus là tên chiếc du thuyền sang trọng dài hơn 126m - được Paul Allen, người đồng sáng lập ra hãng Microsoft - cấp cho Hải quân Anh nhằm thực hiện chuyến thám hiểm trong hoạt động nghiên cứu này. Theo các nguồn tin, chính phủ Anh sẽ không phải bỏ ra bất cứ khoản tiền nào trong vụ này.

Đây là du thuyền lớn thứ 13 trên thế giới với khả năng tuyệt vời, ông David Mearns, Giám đốc của Blue Water Recoveries, một Cty chuyên khám phá các con tàu bị đắm dưới biển sâu, cho biết. Mặc dù được xếp vào lớp du thuyền, Octopus được trang bị một thiết bị lặn nước sâu ROV điều khiển từ xa, và các thiết bị khảo sát, dẫn đường. Ngoài ra, Octopus còn rất có trình độ" để thực hiện công việc này, ông Mearns nhận định.

 Chiếc HMS Hood bị chìm năm 1941 ...

TRẬN CHIẾN NĂM 1941

HMS Hood bị chìm trong trận đánh ở Bắc Đại Tây Dương với tàu chiến Bismarck của Đức năm 1941. Cho đến nay, HMS Hood vẫn được xem là tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia bị đắm, và số người thiệt mạng trong vụ đắm tàu này cũng lớn nhất trong lịch sử nước Anh. 11 năm sau, Blue Water Recoveries thực hiện một chuyến thám hiểm tìm kiếm con tàu này nhưng không thành công.

Ông Mearns nhớ lại cảm giác bất ngờ của nhóm nghiên cứu khi nhìn thấy cái chuông của con tàu, trong lần lặn đầu tiên của vào năm 2001. “Đó chỉ là một hỗn hợp kim loại được uốn xoắn... Nó rất góc cạnh nhưng có hình dạng cong”, ông Mearns cho biết. Chiếc tàu bị đắm nặng 40.000 tấn nằm trải dài 2,5km ở đáy biển, nên việc phát hiện ra chiếc chuông là một điều quá may mắn đối với nhóm nghiên cứu. “Đó thực sự là biểu tượng của con tàu”, Mearns nói với CNN.

Trước khi Mearns và nhóm của ông trở về đất liền, tin tức về việc phát hiện cái chuông lan nhanh như gió. Một cuộc tranh luận nổ ra về việc có nên xâm phạm đến con tàu vốn nằm yên dưới đáy biển một thời gian dài như thế và đặc biệt hơn, đây là nơi rất nhiều người đã bỏ mạng. Tuy nhiên, nhóm của ông Mearns nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội HMS Hood gồm các thành viên là các cựu chiến binh và thân nhân của những người chết trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính để thực hiện cuộc hành trình quay trở lại hiện trường vụ đắm tàu và khôi phục lại cái chuông.

... và du thuyền Octopus chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: CNN 

NHIỆM VỤ... SONG HÀNH

Tuần này, nhóm nghiên cứu của Cty sẽ cùng Octopus quay trở lại hiện trường vụ đắm tàu với hai nhiệm vụ: lấy lại cái chuông và tìm kiếm những gì còn sót lại của con tàu chiến với hy vọng xác định những gì đã xảy ra trong những giây phút cuối cùng của HMS Hood.

Ông Mearns cho biết, cái chuông được nhóm nghiên cứu “chăm sóc cẩn thận” và việc khôi phục chiếc chuông này được xem là một hành động tưởng nhớ những người đã chết. Theo Luật Bảo vệ tàn tích quân sự, đội ngũ nghiên cứu phải được sự cho phép của Hải quân Anh mới có thể lấy chiếc chuông đó. Nhiệm vụ này được chính phủ Anh đồng ý, và Bộ Quốc phòng nói rằng chiếc chuông - nếu khôi phục - sẽ được trưng bày tại một đài tưởng niệm tưởng nhớ con tàu và 1.415 người chết khi nó bị đắm ở Bắc Đại Tây Dương. Nếu được khôi phục, cái chuông sẽ được trưng bày vào năm 2014, tại một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Hải quân Hoàng gia tại thành phố cảng Portsmouth phía nam nước Anh.

Hải quân Hoàng gia Anh yêu cầu nhóm nghiên cứu đặt một cờ hiệu tại hiện trường nơi con tàu bị đắm, ông Mearns cho biết thêm. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng, chuyến thám hiểm lần này làm sáng tỏ về những khoảnh khắc cuối cùng của tàu chiến HMS Hood, bị vỡ làm hai phần trong cuộc giao tranh. Nhiều nhà khoa học cho rằng, HMS Hood hoàn toàn bền vững trước sự tấn công của Bismarck, nhưng số đạn dược trên tàu phát nổ khiến con tàu bị đắm. Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, nguyên nhân thực sự của vụ chìm tàu vẫn chưa được làm rõ.

An Bình