Háo hức trải nghiệm Tết xưa

Thứ hai, 30/01/2023 15:40
Trong 2 ngày 28, 29-1 (nhằm Mùng 7, Mùng 8 Tết Quý Mão), tại khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, người dân thành phố và du khách háo hức tham gia chương trình "Trẩy hội đầu xuân" với các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức.
Người dân tham gia hội thi cờ tướng.
Người dân, du khách xin chữ tại chương trình "Trẩy hội đầu xuân"

Trong khuôn viên tách biệt với sự nhộn nhịp của phố phường, rất nhiều người thích thú khi trực tiếp được xem các nghệ nhân làm hoa giấy, pháo giấy, nặn tò he, khai bút đầu năm, hội chơi cờ tướng, cờ gánh, cờ vây. Cùng với đó, không gian check in Tết mang đậm màu sắc của thập niên 80, 90 của thế kỷ trước khiến nhiều bạn trẻ hào hứng trải nghiệm để lưu lại những ký ức đẹp về Tết xưa giữa lòng TP Đà Nẵng.

Các em nhỏ trải nghiệm nặn tò he.

Chị Phan Thị Quỳnh Nga (34 tuổi, người dân Đà Nẵng) không giấu được ngạc nhiên khi giữa lòng thành phố lại có một không gian tết xưa hết sức độc đáo và thú vị đến vậy. "Bản thân tôi cũng như bạn bè thực sự vui khi được tham gia trải nghiệm các hoạt động tại bảo tàng năm nay để hiểu thêm những nét đẹp của Tết cổ truyền, tìm về ký ức tuổi thơ. Mọi người đi từ tò mò đến thích thú và cảm thấy rất lắng đọng vì đây là những hình ảnh xưa cũ nhưng có giá trị kết nối giữa các thế hệ", chị Nga chia sẻ.

Như một ông đồ xưa, viết chữ "tịnh tâm" để tặng du khách, ông Hứa Đức Chiêu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm Chiêu Nhân thấy vui khi chứng kiến rất nhiều người trẻ "xin chữ" vừa làm kỷ niệm cũng vừa để tự răn hoặc đặt mục tiêu cho mình trong cuộc sống. Ngoài các bạn trẻ, có nhiều nhóm khách là các thế hệ trong một gia đình cũng đến đây "xin chữ", trải nghiệm tết cổ truyền trong dịp đầu xuân. "Tôi rất vui khi nhiều người vẫn giữ phong tục "xin chữ" đầu năm, với mong muốn may mắn, bình an trong năm mới. Giữa cuộc sống hối hả, nhiều người vẫn giữ và mong muốn tìm về những phong tục truyền thống của dân tộc. Đây là điều rất đáng quý, đáng trân trọng", ông Chiêu trò chuyện.

Cũng trong khuôn khổ chương trình "Trẩy hội đầu xuân", tại khu vực làng nghề dân gian, nghệ nhân Nguyễn Văn Kính (57 tuổi, người làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên Hà Nội) say mê trình diễn nghề nặn tò he và hướng dẫn các em nhỏ cùng trải nghiệm nghề của quê hương mình. Những em bé vốn quen với các trò chơi nặn đất sét hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến bàn tay của nghệ nhân khéo léo nặn hình các con giáp đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt và ngộ nghĩnh. Sau khi tham gia thử thách, mỗi em được tặng những con tò he yêu thích hoặc theo tuổi của mình để làm kỷ niệm. "Ở trường hoặc đi các khu vui chơi con cũng được làm hình các con vật, đồ vật nhưng là có khuôn sẵn. Nay ba mẹ đưa đi chơi ở khu Tết xưa tại Thành Điện Hải, con được xem các ông nặn con tò he bằng tay rất đẹp và xinh xắn. Hai chị em con được tặng một con hổ và một con rắn dễ thương theo tuổi của mình", em Nguyễn Thị Bích Thùy (13 tuổi, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thích thú thổ lộ.

Người dân tham gia hội thi cờ tướng.

Bên cạnh những khu vực làng nghề, Xin chữ, đánh cờ, chương trình "Trẩy hội đầu xuân" còn có không gian check-in tái hiện khung cảnh gian phòng khách thập niên 80-90 của thế kỷ trước với hoa cúc, pháo giấy treo ngoài cửa, chiếc radio, phích nước, giỏ quả trang trí trên bàn; cây nguyện ước là cây mai đính các bao lì xì kèm lời chúc mừng năm mới bình an, mạnh khỏe, thành công. Theo lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng, chương trình "Trẩy hội đầu xuân" không chỉ mang đến không khí Tết xưa, mà còn nhằm giáo dục thế hệ trẻ về những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của nhân dân trong dịp Tết.

Bảo Nam