Hào hứng với nghệ thuật múa rối nước ở Đà Nẵng

Thứ tư, 30/12/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, người dân và du khách khi đến vui chơi ở Công viên 29-3 (Đà Nẵng) vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu tiên xem chương trình múa rối nước.

Ngạc nhiên cũng đúng thôi, bởi với không ít người đây là lần đầu tiên trong đời họ được xem rối nước do "cây nhà lá vườn". Từ tượng gỗ mộc mạc, đơn sơ, dưới sự điều khiển của nghệ sĩ, những con rối như có hồn, sinh động và uyển chuyển lạ thường. Và mỗi khi những chú rối xuất hiện, đều nhận được sự hưởng ứng của người xem, nhất là các em thiếu nhi. Đó là thành quả của nhiều ngày miệt mài tập luyện của các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Anh Thái Văn Nga- diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, anh và nhiều đồng nghiệp phải rất vất vả mới học được cách điều khiển những con rối. "Từ trước đến nay tôi chỉ quen diễn tuồng, chưa từng điều khiển con rối bao giờ nên gặp nhiều khó khăn. Phải mất hơn 40 ngày được các nghệ sĩ múa rối ở Hà Nội truyền nghề anh em trong nhà hát mới cơ bản nắm bắt được những kỹ thuật điều khiển con rối. Ngoài ra những con rối cũng rất nặng và mỗi tiết mục đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các diễn viên nên mỗi lần biểu diễn xong đều bại hết cả tay", anh Nga nói.

Khán giả Đà Nẵng thích thú khi xem biểu diễn múa rối nước.

Dù khó nhưng các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đều rất hào hứng khi tiếp xúc với nghệ thuật múa rối nước. Dù chưa thực hiện điêu luyện như những nghệ nhân múa rối khác, nhưng diễn viên ở Đà Nẵng cũng đã thổi hồn vào các con rối qua các tiết mục như cáo bắt vịt, múa rồng, đua thuyền hay múa bát tiên... Biểu diễn rối nước ở Đà Nẵng được Cục Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam hỗ trợ thực hiện, qua việc đào tạo nghệ sĩ và hỗ trợ con rối. Nghệ sĩ ưu tú Siu Y Ban - Nhà hát múa rối Thăng Long là người trực tiếp hướng dẫn cho các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Gần nửa đời người gắn bó với múa rối, nên nghệ sĩ Y Ban luôn coi trọng kỹ thuật điều khiểu con rối. Nghệ sĩ Y Ban nói: "Điều khiển được là một chuyện nhưng diễn sao cho con rối sinh động là chuyện khác. Sự thành công của một tiết mục múa rối nước đều nằm ở sự cử động của thân hình của mỗi con rối. Dù lần đầu tiếp xúc, nhưng các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn rất tốt nên tôi tin thời gian đến nghệ thuật múa rối nước sẽ phát triển ở Đà Nẵng".

Các diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong một đêm biểu diễn múa rối nước
phục vụ khán giả.

Với những nét độc đáo riêng có, múa rối nước đã trở thành nghệ thuật truyền thống dân tộc, sánh ngang với nhiều loại hình nghệ thuật khác như tuồng và chèo. Và trên thế giới nhiều quốc gia cũng có múa rối nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều tạo nên sức hút của múa rối nước là nó phản ánh cuộc sống sinh hoạt của cư dân lúa nước, qua những chuyển động uyển chuyển và mộc mạc của những con rối. Với việc đưa múa rối nước vào Đà Nẵng, Cục Nghệ thuật biểu diễn hy vọng đây sẽ là chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch.  Ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, sau một tuần biểu diễn múa rối nước miễn phí ở Công viên 29-3 đã thu hút hơn 2.000 khán giả đến xem. "Điều đó cho thấy múa rối nước có sức hút đối với người xem, tuy nhiên hiện chúng tôi chưa nghĩ đến việc thu phí. Trong dịp Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ tiếp tục biểu diễn phục vụ người dân và du khách tại Công viên 29-3", ông Tuấn nói.

Được biết, hiện nay thành phố đã đồng ý chủ trương xây dựng nhà hát múa rối nước để đưa loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. Trong khi đó tại nhiều địa phương, múa rối nước đã mang lại nguồn thu không nhỏ. Ví dụ như ở Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội), mỗi ngày diễn 6 suất múa rối nước và mỗi suất thu được 30 triệu đồng. Hay mới đây, thành phố Hội An (Quảng Nam) đưa nghệ thuật múa rối nước vào phục vụ khách du lịch cũng gặt hái được nhiều thành công, khi số lượng vé bán ra trong mỗi suất diễn ngày một tăng.  Nói về sự phát triển nghệ thuật múa rối ở Đà Nẵng, ông Tuấn tâm sự, "Tôi kỳ vọng múa rối nước sẽ thu hút được khán giả và có chỗ đứng ở Đà Nẵng, bởi đây là nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, không chỉ tạo thêm thu nhập cho diễn viên, mà nó còn giúp quảng bá, tạo sản phẩm mới cho du lịch Đà Nẵng".

Hoàng Anh