Hát thơ-cuộc rong chơi kỳ diệu

Thứ sáu, 21/09/2018 08:47

"Nếu như âm nhạc trong những bài thơ của tôi có khi nào làm dịu đi chút ít buồn đau, lan tỏa chút ít hơi ấm, gợi nhớ chút ít hoài niệm trong sáng, thắp lên chút ít niềm hy vọng... cho một ai đó trong các bạn thì đối với tôi đó là niềm hạnh phúc lớn lao", là lời bày tỏ của nhà thơ Đinh Hoàng Anh trong lời nói đầu cùng bạn đọc tại buổi giới thiệu tác giả tác phẩm - tập thơ "Nguyện ca" do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp Nhà xuất bản Văn học -Văn phòng đại diện miền Trung -Tây Nguyên vừa tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng.

Đinh Hoàng Anh (trái) giới thiệu tác phẩm mới tại Đà Nẵng.

Đinh Hoàng Anh  được đào tạo về khoa học tự nhiên, tốt nghiệp Tiến sĩ ở Minsk-Belarus (Liên Xô cũ) năm 1993 nhưng từ nhiều năm nay chị không làm việc trong ngành này mà chuyển hướng sang kinh doanh. Bên cạnh đó, chị dành nhiều thời gian cho công việc sáng tác. Đến nay, Đinh Hoàng Anh đã xuất bản 9 tập thơ và hai tập truyện ngắn, "Nguyện ca" là tác phẩm mới nhất.

Nếu trước đó, phần lớn những bài thơ, truyện ngắn trong các tác phẩm nói về thân phận phụ nữ với những khát vọng được yêu, làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ mà phần lớn là truân chuyên, thấm đẫm nước mắt thì ở "Nguyện ca" lần này là những giai điệu mang vẻ đẹp giản dị đơn sơ của thiên nhiên và con người, những trải nghiệm khi đến với thiền, tìm về những cội nguồn tốt đẹp thì cũng là lúc con người tìm thấy sự thanh thản bình yên và thêm yêu cuộc sống.

Đinh Hoàng Anh cho biết: "Đây là lần thứ tư mình đến vùng biển xinh đẹp này giao lưu thơ nhạc với các anh em bè bạn. Và lần nào cũng để lại nhiều cảm xúc ấm áp. Với người làm thơ viết nhạc, niềm vui lớn lao nhất là có người đồng cảm với những thông điệp của mình. Và tập thơ vô cùng giản dị, gần như văn xuôi, "Nguyện ca" của mình, đã tìm được sự đồng điệu trong các bè bạn nơi đây. Có lẽ vì xứ Quảng là nơi hội tụ nhiều tâm hồn thơ thâm trầm sâu sắc nên những lời nguyện cầu chân thành và đơn sơ của cỏ cây hoa lá đất trời ngân nga trong 69 khúc ca của mình đã tìm được sự đồng điệu". Cũng theo Đinh Hoàng Anh: "Thực ra thì "Nguyện ca" không phải là tâm sự của mình, cũng không phải những bài thơ của mình, chỉ là lời thì thầm nho nhỏ của đất trời mà mình nghe được trong những phút giây an tĩnh, và mình rất muốn chia sẻ cùng các bạn. Hạnh phúc biết bao khi ai đó cùng nghe thấy, cùng mình mở ra một cánh cửa...".

Hầu hết, các thi phẩm trong tập Nguyện ca đều thể hiện theo hình thức thơ văn xuôi, nhưng vẫn đầy nhạc tính, lặng lẽ chứa đựng những giai điệu êm ái, nhẹ nhàng: "Rơi trên kính, rơi trên lá, rơi trên đất, rơi vô tư và nhẹ nhàng, buông mình trong gió từng hạt từng hạt, tựa như âm nhạc từ trời xanh/ Không có hình hài, nên không thể bị giam cầm/ Không có màu sắc, nên có thể phản chiếu mọi ánh huy hoàng lộng lẫy của thế gian/ Không có mục đích nên không có giới hạn cho mọi đường bay trong gió/ Không cần biết nơi sẽ đến, và không gì có thể làm vơi đi sự trong trẻo an lành... "(Mưa rơi).

Một điều thú vị, đồng hành cùng con đường thi ca của Đinh Hoàng Anh là họa sĩ Thái Tĩnh, người bạn đời của chị đã góp phần nên sự hấp dẫn của mỗi buổi ra mắt bởi nghệ thuật... hát thơ. Đinh Hoàng Anh nói: "Anh ấy yêu thích âm nhạc trong thơ của tôi, và muốn hát những câu thơ ấy lên, hát một cách tự do, ngẫu hứng, như là anh ấy nghe thấy... Những bài hát thơ này không theo lối cổ truyền, dù đôi bài có ảnh hưởng của dân ca, nhưng hầu hết đều thấm đẫm hơi thở hiện đại. Những bài hát thơ này cũng không hoàn toàn là các ca khúc vì âm nhạc trong đó không tuân theo bố cục chặt chẽ của một bài hát. Thái Tĩnh không sửa một từ nào của tôi, cứ để bài thơ như thế mà hát lên một cách tự do, phóng khoáng, và thực ra không lần nào hát giống lần nào (tất nhiên vẫn có giai điệu chính không thay đổi)".

Cách đây không lâu, tại cuộc triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Thái Tĩnh ở V-art club Hà Nội, vợ chồng nghệ sĩ này đã ra mắt CD  Hát thơ Tiếng rao. Trong đó, bao gồm một số bài thơ của Đinh Hoàng Anh như:  Mong manh (trích từ tập thơ "Anh và em");  Tiếng rao, Con đò, Ngôi sao hôm (trích từ tập thơ "Tia lửa nhỏ"); Thoáng hiện Người về (chưa xuất bản)...

Phó Giáo sư, nhà phê bình La Khắc Hòa nhận định: "Thơ của Hoàng Anh và những bức vẽ của Thái Tĩnh hòa quyện bằng phong cách lãng mạn. Thơ của Hoàng Anh tình cảm, nhưng logic. Còn tranh của Thái Tĩnh mang tới một thế giới ấm áp". Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói rằng: "Trong đời sống văn hóa nghệ thuật thủ đô, có một đôi bạn đời vẽ tranh làm thơ. Lâu lâu họ làm sách, triển lãm, vui cùng bạn bè. Tranh không minh họa cho thơ. Thơ cũng không phải diễn đạt tranh. Nhưng khi kết hợp với nhau, cả hai tạo thành tập thi họa đẹp, bổ sung ý nghĩa cho nhau".

TRẦN TRUNG SÁNG

* Một ca khúc có bố cục âm nhạc của nó. Nhiều nhạc sĩ cũng phổ nhạc các bài thơ nhưng thường phải lược bớt hay thêm vào một số câu từ, hoặc thay đổi chút ít để lời thơ đáp ứng được bố cục âm nhạc trong tác phẩm của mình. Còn hát thơ là câu chuyện khác, ở đây thơ nắm phần chủ đạo, không phải lời thơ được dùng để hát mà làm sao hát lên được âm nhạc trong thơ.

Thực ra từ nhiều đời nay các bậc tiền bối vẫn diễn xướng thơ bằng cách hát, như ca trù, hát xẩm, ngâm thơ, ru con... với những làn điệu đã định hình, tất nhiên có chút ngẫu hứng từ những nghệ sĩ cụ thể. Tuy nhiên các thể loại diễn xướng đó chủ yếu hợp với những bài thơ viết theo lối cổ, với tư duy, ngôn ngữ kinh điển, truyền thống.

Tôi cũng viết nhiều bài thơ lục bát, tứ tuyệt, và nhiều bài trong số đó cũng từng được ngâm theo lối cổ. Nhưng tôi cũng viết nhiều bài thơ với cấu trúc vần điệu khác, thơ 6 chữ, 5 chữ, 8 chữ, 4 chữ và thơ tự do... Hơn nữa, ngôn ngữ, đề tài, cách trình bày của tôi không còn theo lối tư duy cổ, nên không phải khi nào ngâm lên cũng hợp (Đinh Hoàng Anh).