Hạt thóc ân tình

Thứ ba, 14/03/2017 08:55

(Cadn.com.vn) - H. Nam Trà My (Quảng Nam) được tái lập từ năm 2003, hiện có gần 25.000 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Mơ’Nông, Co và một số ít người Kinh hiện đang sinh sống trên địa bàn 10 xã. Là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn nhất trong cả tỉnh với hơn 64% hộ nghèo. Để chủ động giúp nhau mỗi khi thiếu ăn giáp hạt, Hội Chữ thập đỏ huyện đã phát động xây dựng kho thóc nhân đạo, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện có hiệu quả. Ông  Nguyễn Văn Hường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H. Nam Trà My cho biết: Kho thóc nhân đạo được Hội phát động xây dựng từ năm 2012 với mục đích tạo nguồn lương thực dự trữ để chủ động giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hỏa hoạn, thiên tai, các hộ không có lao động chính, những người thường hay đau ốm, các hộ thiếu ăn trong những lúc giáp hạt... Xuất phát từ tình cảm đó, ngay từ khi mới phát động đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ, cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong đó, có những hộ nghèo cũng tích cực tham gia đóng góp mỗi khi đến mùa thu hoạch. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện đã có 8 xã thực hiện, bình quân 2 kho/xã, mỗi kho dự trữ được từ 1 tấn thóc trở lên. Trong số các xã đã xây dựng kho thóc nhân đạo, đến thời điểm này xã Trà Cang được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác vận động xây dựng kho thóc nhân đạo. Toàn xã hiện có 4 kho, lúc nào cũng có không dưới 1 tấn thóc, kịp thời giúp đỡ hơn 200 lượt người và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ông  Nguyễn Văn Hường – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H. Nam Trà My
kiểm tra kho thóc nhân đạo.

Để chống tình trạng thóc bị mối mọt hoặc kém chất lượng do để lâu, các Chi hội chữ thập đỏ của huyện luôn chủ động thay thóc mới bằng cách lấy thóc cũ trong kho đổi cho các hộ làm thóc ăn hàng ngày. Trà Linh là xã vùng cao và là địa phương ở xa trung tâm huyện nhất, diện tích sản xuất lúa rẫy cũng như lúa nước ít, tình trạng thiếu ăn mỗi khi giáp hạt diễn ra thường xuyên. Thời gian qua, cán bộ và nhân dân địa phương đã tích cực tham gia xây dựng kho thóc nhân đạo. Qua hơn 4 năm đi vào hoạt động mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó công tác bảo quản được đặt lên hàng đầu, không để thóc bị ẩm ướt, mối mọt hoặc kém chất lượng. Phát huy hiệu quả từ những kho thóc hiện có, thời gian đến huyện sẽ tiếp tục xây dựng các kho thóc của 2 xã còn lại để kịp thời giúp đỡ các trường hợp đặc biệt khó khăn.

Nguyễn Điện Ngọc