Hậu cần phục vụ APEC, chuyện từ Cung hội nghị Ariyana
Cung hội nghị Ariyana Đà Nẵng là địa điểm diễn ra tới 30 cuộc họp APEC. Trò chuyện với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó tổng giám đốc Furama Resort trao đổi nhiều điều thú vị liên quan đến công tác chuẩn bị, hậu cần phục vụ cho các đoàn quan khách các nền kinh tế tại đây.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh |
PV: Nhìn lại chặng đường chuẩn bị các mặt công tác, điều thách thức gì khiến ông cảm thấy áp lực nhất?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Trước hết, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi Furama Resort và Ariyana được chọn là nơi tổ chức một sự kiện quốc tế lớn tại Việt Nam từ trước đến nay – sự kiện thu hút 21 lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Tôi cũng thừa nhận, quá trình chuẩn bị cho sự kiện rất nhiều áp lực. Từ xây dựng các công trình phục vụ APEC đúng tiến độ, đến đào tạo đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ và nhân viên thời vụ với số lượng lớn, khâu chuẩn bị nguồn thực phẩm, đồ uống phục vụ những bữa tiệc quan trọng, tất cả đều phải chỉn chu. Song chính những áp lực ấy đã nhắc nhở chúng tôi rằng, cần phải làm việc với trách nhiệm cao nhất để góp phần đưa Việt Nam lên một vị thế quốc tế cao hơn.
Xin được đơn cử, với khâu chuẩn bị lực lượng, nhân sự phục vụ gần 30 cuộc họp, trong đó có những hội nghị đại biểu tham gia đến gần 2.300 người, từ giữa năm 2017, chúng tôi đã làm việc với các trường đại học, cao đẳng nghề tại Đà Nẵng và Huế để tuyển dụng sinh viên năm thứ 2 đến khóa học chuẩn bị ra trường. Tuyển dụng xong, chúng tôi bắt tay ngay vào việc đào tạo, giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của cá nhân khi tham gia phục vụ sự kiện lớn của đất nước. Ngoài thực hành tại các hội nghị, những bữa tiệc thực nghiệm cũng đã diễn ra liên tục với mong muốn cung cách phục vụ của các em thành thục, chuyên nghiệp hơn. Ngoài đội ngũ sinh viên, chúng tôi còn huy động nhân sự cốt cán từ hai khu nghỉ dưỡng cùng tập đoàn tại Nha Trang là L’Alyana Ninh Vân Bay, Evason Ana Mandara Nha Trang và nhân viên chăm sóc khách hàng từ Vietjet, ngân hàng HDBank.
Việc đảm bảo an ninh của các đoàn, đặc biệt là đoàn Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng như khâu chuẩn bị thực phẩm các món ăn đa dạng cũng phải thực hành, huấn luyện kỹ lưỡng, sẵn sàng đáp ứng khi quan khách yêu cầu.
PV: Trước, trong và sau khi sự kiện kết thúc, vấn đề an ninh luôn được thắt chặt. Vậy công tác phối hợp giữa Furama với ban tổ chức và các bên liên quan có khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Với kinh nghiệm từng tổ chức các sự kiện lớn trước đây, tất cả đều đòi hỏi phải đáp ứng tốt về vấn đề an ninh, an toàn, chúng tôi luôn chuẩn bị kỹ mọi phương án để đáp ứng điều kiện Ban tổ chức yêu cầu. Bên cạnh số lượng thẻ an ninh ra vào Furama Resort và Ariyana cho nhân viên lên đến 2.200 cái, chúng tôi cũng tính toán phương án tiếp cận các đoàn. Cụ thể như đoàn Mỹ, chúng tôi phải tính tới các phương án tiếp cận nơi diễn ra CEO Summit ngày 10-11 của Tổng thống Mỹ, đi bằng đường qua bếp, hay đi bằng đường vận chuyển trang thiết bị vào phòng họp, thậm chí đi bằng đường từ bãi biển, tuy nhiên an ninh Tổng thống đã chọn đường Ocean Gate của cung hội nghị.
PV: Trong Tuần lễ APEC diễn ra, có những tình huống bất ngờ như sự thay đổi ở phút chót khiến Furama Resort và Cung hội nghị Ariyana phải đổi kế hoạch phục vụ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Chưa bao giờ tôi từng thấy một sự kiện lớn có nhiều tình huống bất ngờ, những thay đổi vào phút chót như lần này. Đầu tiên là việc thay đổi và kéo dài các cuộc họp do nội dung không được thông qua ngay. Thế nên các cuộc họp hầu như bắt đầu từ rất sớm và kết thúc gần như vào nửa đêm. Tuy nhiên, tất cả đều nằm trong kế hoạch dự phòng chúng tôi chuẩn bị từ trước nên có sự linh hoạt.
Lúc 23 giờ ngày 7-11, trời đột ngột mưa lớn, gió đảo chiều nên khu nhà Garden House - nơi diễn ra cuộc họp TPP và các cuộc gặp của Lãnh đạo các nền kinh tế với thành viên ABAC diễn ra hôm sau một số nơi bị thấm nước. Thêm vào đó, lớp bạt bọc bên ngoài tường thạch cao đập mạnh khiến các thanh trụ có nguy cơ bị rách, chúng tôi phải huy động lượng lớn nhân viên trực, nhân viên phụ trách bộ phận gia cố nhanh trong vài phút đồng hồ, đồng thời chuyển toàn bộ các trang thiết bị lắp đặt cho cuộc họp qua Cung hội nghị Furama. Để chủ động, chúng tôi phải trao đổi ngay trong đêm với Bộ Ngoại giao để lập kế hoạch chuyển các cuộc họp vào các địa điểm khác, nhưng rất may sáng sớm hôm sau trời ngớt gió, các Bộ ngành đã kiểm tra lại khu Garden House và cho phép gia cố thêm để các sự kiện được diễn ra tại đây tốt hơn.
Có tình huống chuyển địa chỉ ăn trưa lên đến 2.000 người tại khu nhà bạt do mưa to, gió lớn ngày 10-11 và sảnh của Cung hội nghị Ariyana Đà Nẵng. Với việc di chuyển này, do không thể phục vụ bữa ăn món cho đại biểu nên Ban tổ chức quyết định phục vụ cơm khay, nên chúng tôi phải mua ngay hơn 2.000 khay cơm từ TPHCM vận chuyển ngay trong ngày bằng máy bay của Vietjet phục vụ đại biểu.
PV: Được biết, Ariyana là cung hội nghị đầu tư lớn với 350 tỷ đồng, sau khi APEC khép lại, chủ đầu tư có kế hoạch gì trong khai thác công trình này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Mọi kế hoạch kinh doanh tại Cung hội nghị chúng tôi đã đặt ra rất sớm, từ khâu nghiên cứu thị trường, đến xây dựng đội ngũ cán bộ kinh doanh và tiếp thị trong việc triển khai các công tác quảng bá bán hàng ở trong nước và trên thế giới, trong đó tập trung vào các ngành chuyên tổ chức hội nghị, hội chợ lớn. Hiện tại, đã có rất nhiều sự kiện được đặt tại Ariyana Convention Centre trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, để lấp đầy Cung Hội nghị trong tất cả các ngày, chúng tôi mong muốn có sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp và các công ty chuyên tổ chức sự kiện mang nhiều sự kiện tới đây. Và tôi nghĩ, cái được lớn nhất khi dùng kinh phí của chính mình để xây dựng lên một Cung hội nghị ấn tượng để phục vụ APEC 2017, chúng tôi đã gây được ấn tượng mạnh tới các đoàn đại biểu từ các nền kinh tế tham dự sự kiện này và khẳng định vị thế của Việt Nam.
CÔNG HẠNH (thực hiện)