Hãy chọn và học ngành nghề yêu thích!

Thứ sáu, 19/02/2021 18:05

Vào bệnh viện chăm sóc ông nội, anh L.C.C (Điện Bàn, Quảng Nam) tận mắt chứng kiến nỗi vất vả, khổ cực của đội ngũ nhân viên y tế nơi đây nên đã khuyên một chàng trai chăm cha cùng phòng rằng: "Nếu chưa lập gia đình, anh khuyên em đừng lấy vợ làm ngành Y, nhất là điều dưỡng. Nghề chi mà quá cực khổ. Sau này con tôi đòi theo ngành Y, tôi không bao giờ cho đi học". Một người nghe vậy liền vặn lại: "Nếu ai cũng nghĩ thế thì lấy đâu ra bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý để chữa trị, chăm sóc bệnh nhân?". Anh L.C.C cười trừ: "Vẫn biết nghề nào cũng có cái khổ riêng, nhưng khổ như ngành y thì... thà làm công nhân cũng được".

Y tế là một trong những lực lượng thuộc tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Từ suy nghĩ của anh C., tôi chợt nghĩ đến câu chuyện do một phụ huynh kể cách đây vài năm. Chị kể: "Con gái tôi học rất giỏi. Cháu ước mơ được trở thành bác sĩ nhưng vợ chồng tôi không cho vì biết đây là một nghề rất vất vả, cực khổ, nhất là với con gái. Vì thế, vợ chồng tôi khuyên cháu đăng ký học ngành gì đó như văn thư, lưu trữ để sau này ra xin việc làm văn phòng cho nhẹ tấm thân. Tưởng cha mẹ nói cho vui nên cháu không có ý kiến gì. Trước mùa tuyển sinh năm ấy, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, cháu đăng ký ngành y nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không cho. Cháu khóc bảo: "Con không thích làm văn phòng, con thích được làm bác sĩ. Sướng khổ, con chịu. Sao ba mẹ cứ ép con học ngành nghề mà con không yêu thích? Không yêu thích thì sao chuyên tâm để giỏi nghề, giỏi việc được?".

Dẫu biết cháu nói đúng, nhưng vợ chồng tôi vẫn cứ áp đặt cháu đăng ký ngành khác. Không thuyết phục được cha mẹ, con bé đóng cửa phòng, tuyệt thực nhiều ngày liền. Vợ chồng tôi đành chịu thua, đồng ý cho cháu làm hồ sơ đăng ký dự thi ngành y, đồng thời nói với cháu nếu sau này thấy khổ thì đừng có than thân, trách phận, trách sao ba mẹ không can ngăn. Cháu đáp lại: "Con muốn được trở thành bác sĩ để cứu người, cực khổ mấy con cũng cam chịu. Trước khi đăng ký dự thi vào ngành này, con đã tìm hiểu và biết đây là nghề khổ cực, vất vả, nhọc nhằn. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì lấy ai để gánh những việc gian khổ?". Kể xong, vị phụ huynh này thở dài: "Mình lo cho con trẻ ăn học, định hướng con đường lập nghiệp mà nó không nghe thì đành chịu vậy. Cuộc đời nó, cứ để nó tự quyết. Mình cũng không thể theo và lo nó hết cuộc đời được...". Tuy chưa gặp được mặt, nhưng tôi thấy quý cô HS bướng bỉnh, quyết tâm "đấu tranh" để được học ngành mình yêu thích.

Mới đây, tôi tình cờ gặp một cậu SV học ngành Điều dưỡng trường ĐH Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng đang thực tập tại BV Đà Nẵng. Hỏi có yêu thích nghề Điều dưỡng không, cậu thú thật ngành yêu thích là Công nghệ thông tin, nhưng vì gia đình có truyền thống ngành Y nên ép cậu phải theo học. Không cãi lại được cha mẹ, cậu đồng ý theo học ngành Điều dưỡng nhưng với điều kiện phải cho cậu học cùng một lúc hai văn bằng...

Cách đây vài năm, trong quá trình tác nghiệp kỳ thi THPT Quốc gia, tôi tình cờ gặp một thí sinh tự do quê ở Bình Định đang là SV năm nhất tại một trường ĐH nổi tiếng ở Huế. Cậu trốn vào Đà Nẵng đăng ký dự thi với tư cách là thí sinh tự do, đăng ký dự thi vào trường ĐH Nông lâm Huế. "Em muốn trở thành kỹ sư nông lâm để sau này giúp bà con nông dân làm giàu từ nông nghiệp sạch như các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng ba mẹ em lại không thích em theo nghề này. Để chiều lòng ba mẹ, em đã đăng ký dự thi và trúng tuyển vào trường ĐH ở Huế theo nguyện vọng của ba mẹ. Tâm nguyện của ba mẹ, em đã thực hiện. Giờ thì em phải thực hiện ước mơ của mình...".

Từ những mẩu chuyện trên, hy vọng trong mùa tuyển sinh năm 2021 này, khi tư vấn,  định hướng ngành nghề cho con trẻ lập nghiệp, người lớn, nhất là các bậc phụ huynh nên dựa trên năng lực, sở trường, đặc biệt là từ sự yêu thích của con trẻ để tư vấn, định hướng. Bởi chỉ khi thật sự yêu thích mới có hứng thú ham mê học tập, nghiên cứu để trở thành những kỹ sư, cử nhân, bác sĩ có tay nghề cao, có năng lực, đặc biệt là có tâm với ngành nghề đã lựa chọn.

Khánh Yên