Hãy “cứu” doanh nghiệp khi “ốm đau”!

Thứ sáu, 14/03/2014 23:31

(Cadn.com.vn) - Lắng nghe, chia sẻ nhằm tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN) trong kinh doanh, sản xuất..., là nội dung chính của buổi làm việc do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương và lãnh đạo UBND Q.Liên Chiểu chủ trì sáng 14-3, với sự tham dự của gần 150 DN đóng trên địa bàn...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương và các DN cùng nhau trao đổi
các khó khăn, vướng mắc. Ảnh: P.T

Hụt thu ngân sách 18 tỷ đồng

Được biết, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế, năm 2013,  các DN trên địa bàn Q.Liên Chiểu đã có nhiều nỗ lực để gượng dậy, phục hồi kinh doanh, sản xuất, góp phần quan trọng trong việc đóng góp thu ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.870 tỷ đồng/7.075 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch đề ra, tăng 12,6% so với năm 2012. Giá trị thương mại dịch vụ thực hiện được 873/869 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 26,6% so với năm 2012; tổng mức hàng hóa bán lẻ đạt 6.847/6.843 tỷ đồng, đạt 100,5% (tăng 26% so với năm 2012)... Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa các DN đã thực sự vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thực tế, năm qua, nhiều DN vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng; hàng tồn kho lớn nên nhiều DN sản xuất cầm chừng. Trong 1.644 DN do quận quản lý và thu thuế, số DN còn hoạt động (tính đến ngày 31-12-2013) là 1.199 DN, 70 DN tạm dừng hoạt động, 375 DN giải thể, không hoạt động chờ đóng mã số thuế. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách của quận. Cụ thể, kế hoạch thu ngân sách của Q. Liên Chiểu năm 2013 chỉ đạt 91,74 tỷ, hụt 18 tỷ đồng...

Thực hiện chương trình hoạt động “Năm DN Đà Nẵng” của TP trong năm 2014, Q.Liên Chiểu đã ban hành kế hoạch với 10 nội dung như: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh, chủ động làm việc với một số ngân hàng về các chính sách cho vay đối với DN, đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất vay và tiếp tục cho cho vay để DN duy trì hoạt động; đề xuất Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư và phát triển TP có cơ chế nới lỏng cho vay để các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay này; hỗ trợ cung cấp thông tin DN, quảng bá miễn phí sản phẩm của các DN trên website của quận; hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa...

Hãy "cứu" DN khi "đau ốm"

Các DN bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo TP cũng như lãnh đạo quận đã dành thời gian lắng nghe họ trình bày những khó khăn, vướng mắc, những thách thức đang phải đối mặt. Theo đó, hầu hết ý kiến và kiến nghị của DN đều tập trung vào một số vấn đề như: đề nghị TP có chính sách trong việc giãn nợ thuế, ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp, cần công bằng hơn với các DN, miễn hoặc giảm thuế đất... Ông Nguyễn Nho Chấn- Phó Giám đốc Cty TNHH Nho Chiến chuyên sản xuất đá xây dựng cho rằng, Nhà nước cũng cần phải công bằng với các DN.

Cụ thể là trong khi DN của ông đang ăn nên làm ra, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, được nhiều bằng khen, giấy khen thì bị “thu hồi” mỏ đá... Ông Nguyễn Văn Tuân- Phó Giám đốc Cty BMF kiến nghị, lãnh đạo TP, các ban, ngành các chính sách của địa phương cần nhất quán, tránh gây phiền hà cho các DN... Theo bà Hoàng Thi Hồng Nhạn- GĐ Cty TNHH Thanh Hương, đóng thuế là nghĩa vụ của các DN. Việc các DN nợ thuế là việc “bất khả kháng”, do khó khăn chung của nền kinh tế mà ra. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần có giải pháp cụ thể. Bà Nhạn cũng nêu lên một bất cập hiện nay trong vấn đề vay vốn ngân hàng. Phần lớn ngân hàng đi tìm các DN “mạnh khỏe”, “vuông tròn” để cho vay, còn những DN vì điều kiện khó khăn mà sứt mẻ, “đau ốm” cần có thuốc chữa thì gây khó khăn, không cho vay. “DN đau mới cần uống thuốc.

Vì vậy, khi xem xét việc cho vay vốn, các ngân hàng cần xem xét cả quá trình phát triển của DN, không thể xem xét lúc DN ở thời điểm đang đau, ốm. Không thể lúc DN đang đau ốm mà bỏ đi...”- bà Nhạn nói. Liên quan đến vấn đề lãi suất, bà Nhạn cho biết còn nhiều bất cập trong lãi suất cho vay, có nơi cao, nơi thấp, trong khi đó theo chủ trương chung là phải hạ lãi suất để các DN có điều kiện vay vốn.

Việc đánh giá, định giá tài sản khi cho vay vốn của các ngân hàng cũng còn nhiều bất cập, còn theo cảm tính. Cần cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các DN để nắm bắt mà thực hiện cho tốt. Theo đó, hầu hết các DN đều đồng ý với ý kiến bà Nhạn, hãy cứu DN khi đang ốm, đừng chờ DN “chết” rồi thì cứu chẳng còn tác dụng gì... Cty Chăm Chăm cho hay họ đang gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn để sản xuất rượu vang, xây dựng thương hiệu vang cho TP Đà Nẵng...

TP luôn chia sẻ, đồng hành cùng DN

Các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công Thương, Cục Thuế Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp những vướng mắc, kiến nghị mà các DN đưa ra. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ với ý kiến của DN trong vấn đề cho vay vốn nên xem xét cả quá trình hoạt động của DN, không nên xem xét DN vào thời điểm DN đang gặp khó khăn; đồng thời đề nghị các chi nhánh ngân hàng tại Liên Chiểu chú ý đến vấn đề này.

Đối với vấn đề có ngân hàng cho vay với lãi suất cao so với quy định, đề nghị các DN cần mạnh dạn báo cáo về Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước có những khuyến cáo đến các ngân hàng này nhằm bảo vệ quyền lợi cho các DN. Liên quan đến vấn đề thuế, đại diện lãnh đạo Cục Thuế Đà Nẵng- cho biết, thời gian qua, ngành Thuế Đà Nẵng cũng đã linh hoạt, uyển chuyển trong việc xử lý đối với các vấn đề liên quan đến nợ thuế của các DN. Tuy nhiên, mọi việc đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong năm 2014, ngành Thuế sẽ tiếp tục có kiến nghị lên TP trong việc cho phép phân kỳ, gia hạn nợ thuế đối với các DN...

Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, ông Dương Thành Thị cho biết, trong thẩm quyền của mình, quận sẽ luôn tạo điều kiện để các DN vượt qua khó khăn, khôi phục kinh doanh sản xuất. Theo đó, quận đã thành lập Ban tư vấn hỗ trợ DN, sớm xem xét thành lập Hội DN của quận để làm cầu nối cho các DN hoạt động.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương cho biết, để giúp đỡ các DN vượt qua khó khăn, TP có chủ trương dùng số tiền mà TP còn nợ DN và tiền nợ hoàn thuế để xem xét làm nguồn vốn bảo lãnh cho các DN vay. Đối với các ý kiến của DN, ông Khương đề nghị các sở ban ngành nghiên cứu giải quyết, cái gì vượt thẩm quyền thì kiến nghị lên TP giải quyết. Về phần mình, ông sẽ trực tiếp làm việc với Cty Nho Chiến và Cty Chăm Chăm để nghe cụ thể vụ việc...

Năm 2014 là năm Đà Nẵng chọn làm Năm DN, có nghĩa là không chỉ tìm ra giải pháp, có những chủ trương phù hợp mà còn phải tạo ra môi trường tốt để DN phát triển. Muốn được như vậy, bản thân DN cũng phải biết tự thân vượt qua khó khăn, không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía TP. Tất cả phải xuất phát từ 2 phía. Điều mà TP lo là từ năm 2015 đến 2020, DN Đà Nẵng đứng ở đâu trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, phải có sự chuẩn bị, phải cùng nhau cộng đồng trách nhiệm trong vấn đề này. DN phải tự xác định trách nhiệm trong việc xây dựng DN đủ năng lực, đủ bản lĩnh cạnh tranh để vươn lên trong quá trình hội nhập.                                 

P.Thủy

Chiều 14-3, đồng chí Võ Duy Khương, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” làm việc với 2 sở đầu ngành (Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Công Thương) về triển khai chương trình hoạt động năm.

Sau khi nghe báo cáo Chương trình hành động Năm DN của lãnh đạo 2 sở, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương nhấn mạnh, Năm DN 2014 là khởi đầu cho việc xây dựng và phát triển cộng đồng DN Đà Nẵng theo đề án năm 2020, giúp DN có một tâm thế để bước vào thời kỳ hội nhập.

Do đó, Sở KH & ĐT phải tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ DN đăng ký kinh doanh qua mạng, nhanh chóng phối hợp với Cục Thuế để chọn 30 DN nộp thuế nhiều để tuyên dương khen thưởng; tổng hợp báo cáo, tham mưu kịp thời cho BCĐ những vướng mắc của DN để kịp thời giải quyết.

Đối với Sở Công thương, Phó Chủ tịch yêu cầu nhanh chóng nghiên cứu, thu thập nhu cầu của DN về khu trưng bày sản phẩm để đầu tư xây dựng tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP và trong tháng 5-2014 hoàn thiện phương án để trình lãnh đạo TP phê duyệt; Hỗ trợ 251,9 triệu đồng cho các DN tham gia sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch TP; tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm của nhau. Phó Chủ tịch cũng thống nhất hình thành phố kinh doanh thời trang trên đường Lê Duẩn (đoạn từ cầu Sông Hàn đến ngã tư Ông Ích Khiêm).

Ngoài ra, các ngành chú trọng đẩy mạnh thực hiện 6 giải pháp hỗ trợ DN, bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ về tài chính, tín dụng; Hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị; Hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường, xúc tiến du lịch, trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DN...

Xuân Đương