Hãy là cư dân mạng thông thái

Thứ bảy, 14/04/2018 14:05

Nhằm trang bị kiến thức phòng ngừa tội phạm công nghệ cao cho những chủ nhân tương lai của đất nước, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an vừa tổ chức sự kiện truyền thông phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho đối tượng là học sinh THPT tại tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động này đã được đông đảo các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng. Like, share có trách nhiệm; Hãy là cư dân mạng thông thái; Bạn chính là người quyết định cuộc đời mình chứ không phải mạng xã hội..., đó là những thông điệp được truyền tới hơn 1.000 học sinh và giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, H. Lâm Hà, Lâm Đồng trong sự kiện truyền thông có chủ đề "Kết nối an toàn" dành cho học sinh THPT do Trung ương Hội LHPNVN phối hợp với Bộ Công an. Sự kiện truyền thông này nằm trong khuôn khổ các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội năm 2018 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và cũng là nội dung trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết liên tịch được ký kết giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ CA giai đoạn 2017-2020.

Đại diện đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh Lâm Đồng giải đáp những thắc mắc của học sinh.

Trong lời phát biểu khai mạc bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, năm 2017, cả nước xảy ra gần 53.000 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, kinh tế, tham nhũng, môi trường, ma túy. Đáng chú ý là nổi lên hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, điển hình là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng; tin tặc tấn công bằng các loại vi rút, mã độc qua ứng dụng phần mềm... Vì vậy các nội dung được tổ chức trong sự kiện truyền thông lần này như đuổi hình bắt chữ, rung chuông vàng về phòng chống tội phạm qua mạng, các tình huống cũng như cách ứng xử phù hợp khi sử dụng mạng xã hội... đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các em học sinh, thầy cô giáo. Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt - Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Cảnh sát, Bộ CA cho biết thêm: "2 ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động và những hoạt động này sẽ giúp cho lực lượng CA tuyên truyền sâu rộng hơn đối với học sinh, nhất là lứa tuổi học sinh bởi đây là lứa tuổi rất tò mò, nhất là với các chương trình trên mạng. Đặc biệt là với công nghệ 4.0 tới đây, việc tuyên truyền này là rất cần thiết trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn trong thanh thiếu niên, nhất là tội phạm trên mạng".

Những kiến thức bổ ích về không gian mạng, về phòng chống tội phạm xâm hại, lừa đảo, đánh bạc qua mạng, kỹ năng nhận diện các loại tội phạm và các tình huống xử lý khi gặp phải các loại tội phạm này đã được truyền đi và thật sự trở thành những kiến thức bổ ích. Em Hà Như Thu - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho rằng: "Nếu biết cách tận dụng công nghệ thông tin vào việc học tập, nghiên cứu thì rất tốt, nhưng lại có một số người đã lợi dụng công nghệ thông tin để làm những việc không tốt nên mình phải cẩn thận". Còn em Phạm Thị Ngọc Ánh - học sinh lớp 11A2 thì khẳng định: "Khi sử dụng mạng internet điều đầu tiên là chúng ta phải có kiến thức. Mặt tốt của internet là chúng ta tìm được nhiều kiến thức, biết được nhiều điều hay, có thêm nhiều bạn mới, nhưng nếu không cẩn thận cũng rất dễ bị dụ dỗ vào những hoạt động xấu".

Thế giới phẳng; Kết nối an toàn không chỉ trên mạng mà cả trên cuộc sống đã được truyền đi với hy vọng không chỉ giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật mà còn mong muốn nhận được sự quan tâm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội về công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến mạng xã hội, góp phần giữ gìn môi trường học đường lành mạnh. Thầy  Nguyễn Duy Trinh - Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng khẳng định: "Qua sự kiện truyền thông này, chắc chắn học sinh trường chúng tôi sẽ có cách nhìn mới về thế giới ảo và đây sẽ là hành trang theo các em vào đời, những chủ nhân tương lai của công nghệ 4.0".   

ĐỨC HUY