Liên quan đến kết quả kỳ thi tuyển viên chức Quảng Nam:

Hãy lắng nghe tâm tư nhà giáo

Thứ tư, 02/08/2017 14:57

Cuộc thi tuyển viên chức tỉnh Quảng Nam đã kết thúc từ lâu, nhưng những ồn ào xung quanh kết quả thi vẫn chưa dừng lại. Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài phản ánh về những bất cập xung quanh quy chế thi, cách xét tuyển đối với từng nhóm thí sinh không công bằng khiến nhiều thầy cô giáo bức xúc đồng thời thể hiện rõ sự lúng túng của ngành giáo dục trong việc áp dụng quy chế vào thực tiễn.

Các thầy cô giáo bức xúc trao đổi với phóng viên về kết quả thi.

Từ "đậu" thành rớt

20 ngày qua là quãng thời gian đầy bất an của 17 thầy, cô giáo có điểm thi cao trong đượt thi tuyển viên chức vừa rồi vì kết quả thi sẽ thay đổi. Theo đó, ngày 20-7-2017, 17 thí sinh trong kỳ thi viên chức đã được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam gọi lên làm việc và tại đây, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam thông báo rằng điểm đã công bố chưa phải là điểm chính thức. Cán bộ sở đề nghị các giáo viên xác nhận điểm học tập ở bậc đại học theo hình thức tín chỉ và thông báo với đại ý rằng kết quả đã công bố là không chính xác, sở đã xác minh lại điểm theo từng hệ đào tạo để chỉnh sửa. Điều này đã gây một cú sốc và hụt hẫng với 17 thầy cô giáo bởi khi điểm công bố trên website họ đinh ninh mình đã đậu.

Trao đổi với P.V, 17 giáo viên trên cho hay họ tham gia kỳ xét tuyển viên chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam vào tháng 2-2017, đến cuối tháng 4-2017, Hội đồng xét tuyển viên chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đã công bố điểm rộng rãi trên website của UBND tỉnh Quảng Nam và Sở GD-ĐT tỉnh. Căn cứ vào bảng điểm và vị thứ điểm, những giáo viên này cho rằng mình đã trúng tuyển. Những giáo viên này cho rằng sở đã áp dụng sai quy định dẫn đến tính sai điểm nhưng lại đổ lỗi cho thí sinh. Cụ thể, theo quy định, thí sinh học theo hình thức tín chỉ sẽ tính điểm học tập (hệ số 2) cộng điểm thi phỏng vấn (hệ số 2). Tuy nhiên, Hội đồng xét tuyển tính như thí sinh học niên chế: lấy điểm học tập (hệ số 1) cộng điểm tốt nghiệp hoặc luận văn (hệ số 1) cộng điểm thi phỏng vấn (hệ số 2).

"Tôi nghĩ rằng vấn đề quy chế, điểm theo hệ đào tạo sở phải lường trước và xác minh ngay từ đầu không thể có chuyện ra điểm rồi mới đi xác minh lại được. Đối với sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, thể diện. Đây là cuộc thi lớn với hàng ngàn thí sinh tham gia tại sao lại có chuyện lúng túng trong khâu xác minh như vậy được?", một giáo viên lên tiếng. Còn cô giáo Nguyễn Thị Thảo My (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: "Khi sở mời lên làm việc 17 giáo viên chúng tôi mới té ngửa. Chúng tôi mong muốn có một lời xin lỗi và giải thích công khai minh bạch về việc này. Nếu kết quả này là không thể thay đổi thì cũng phải xử lý công bằng cho chúng tôi. Tôi nghĩ sở đã mời lên làm việc thì sở đã nhận thấy có sự sai sót trong vấn đề này".

Mong muốn được tiếp tục giảng dạy

Mới đây, hơn 100 giáo viên dạy hợp đồng cấp THPT đã gửi đơn đưa ra 8 kiến nghị khẩn thiết đối với cơ quan chức năng, mong muốn được xem xét giải quyết để được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Cùng chung tâm trạng lo lắng bất an như 17 giáo viên trên, sau kỳ thi tuyển viên chức vào tháng 2-2017, hơn 100 giáo viên THPT đang dạy hợp đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lo lắng khi đứng trước nguy cơ mất việc. Từ nhiều tháng nay các thầy cô giáo đã nhiều lần làm đơn kiến nghị về trường hợp của mình nhưng không có phản hồi.

Theo các giáo viên, việc xét tuyển cạnh tranh đối với 110 giáo viên đang hợp đồng giảng dạy (trả lương theo tiết dạy), có thời hạn giảng dạy từ 36 tháng trở lên chung đối với tất cả thí sinh trên địa bàn là không công bằng, đi ngược lại điểm a, khoản 1 điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. "Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xét tuyển đặc cách. Nếu chiếu theo quy định này thì chúng tôi thuộc trường hợp được xét tuyển đặc cách. Vậy tại sao sở lại không áp dụng Nghị định 29 cho chúng tôi?", các thầy cô giáo bức xúc.

Qua tìm hiểu, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, những giáo viên hợp đồng này đã gửi 8 kiến nghị khẩn thiết đến cơ quan chức năng. Trong đó 104 thầy cô giáo mong muốn được xét tuyển công bằng giữa các giáo viên hợp đồng với nhau. Bên cạnh đó yêu cầu sắp xếp một cuộc đối thoại trực tiếp giữa giáo viên hợp đồng với các cơ quan có trách nhiệm.

Về những ồn ào liên quan đến kết quả kỳ thi tuyển viên chức Quảng Nam vừa qua, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Hà Thanh Quốc- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, khẳng định: Hội đồng xét tuyển không có gì sai, điểm công bố là từ điểm phỏng vấn và từ lời khai thí sinh. Sở công bố điểm nhưng chưa bao giờ công bố kết quả trúng tuyển. Chuyện ngầm hiểu đã đậu là chuyện đáng tiếc nhưng Sở không có trách nhiệm trong việc này. Còn đối với 104 giáo viên hợp đồng, trong quá trình công tác họ không có bảo hiểm xã hội nên đối chiếu quy định thì không thể áp dụng hình thức xét tuyển đặc cách nên chỉ tổ chức xét tuyển cạnh tranh. Tất cả những giáo viên này đều thỏa thuận giảng dạy với hiệu trưởng các trường nên không có sự ràng buộc gì về pháp luật.

Hai sự việc, hai vấn đề khác nhau nhưng có thể thấy rõ rằng vẫn còn nhiều bất cập trong kỳ thi tuyển viên chức vừa qua và hậu quả là những nhà giáo phải gánh chịu. Thiết nghĩ, trước sự bức xúc và tâm tư nguyện vọng của các giáo viên về các vấn đề trên, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở GD-ĐT cần có câu trả lời xác thực và nhanh chóng nhất để các giáo viên hiểu rõ vấn đề, không gây tâm lý hoang mang cho dư luận.

ĐỒNG DAO