Hãy viết về Đà Nẵng từ những điều bình dị nhất

Thứ bảy, 21/07/2018 12:00

Có hàng trăm bài hát về Đà Nẵng nhưng chưa thể bay cao, bay xa ra khỏi "địa phương"; muốn cải thiện điều này, sáng tác về Đà Nẵng phải thay đổi. Đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhạc sỹ trên cả nước tại tọa đàm nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng do Hội Âm nhạc thành phố tổ chức ngày 19-7.

Theo các nhạc sỹ, biển đảo là đề tài cần quan tâm trong sáng tác về Đà Nẵng. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật vì trẻ em biển đảo diễn ra tại Sân khấu BNF tháng 6-2018.

Phát biểu đề dẫn của nhạc sỹ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã chỉ ra rằng, hơn 40 năm qua, các thế hệ nhạc sỹ Đà Nẵng cùng một số nhà thơ có tác phẩm phổ nhạc đã tạo nên hàng trăm tác phẩm, cùng với sự góp sức và gắn bó của các nhạc sỹ nổi tiếng trên cả nước như Phan Huỳnh Điểu, Trần Hoàn, Thuận Yến, Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân... Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều cuộc thi, phát động sáng tác ca khúc về Đà Nẵng, qua đó có những ca khúc có giá trị nghệ thuật cao. Nhưng để các ca khúc này đi vào lòng công chúng thì vẫn chưa làm được. Về điều này, nhạc sỹ Trương Đình Quang chia sẻ, ông từng đặt câu hỏi rằng phải chăng đề tài đã cũ mòn, phải chăng cảm xúc của người nhạc sỹ chưa thăng hoa với chất liệu âm nhạc dân ca đặc trưng xứ Quảng, phải chăng âm hưởng chủ yếu ngợi ca, những vẻ đẹp của con người, mảnh đất này vẫn chưa được các nhạc sỹ cảm nhận đầy đủ?... Nhà văn Nguyên Ngọc cũng từng nhận định năm 1997 Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, việc chia tách là do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên về mặt truyền thống và con người từ xưa đến nay và mãi về sau vẫn là một. Vì thế, nhạc sỹ Nguyễn Đình Quang cho rằng, những người sáng tác âm nhạc cần hiểu rõ con người Đà Nẵng vốn mang bản chất con người xứ Quảng, tác phẩm khai thác được điều đó chứ không tập trung vào ca từ mang chất "địa phương ca"; những cuộc thi, những xét thưởng cần tôn vinh những ca khúc viết tốt, viết hay về Đà Nẵng, về xứ Quảng để những tác phẩm đó đi vào cuộc sống.

Ở góc độ khác, theo nhạc sỹ Phú Quang, với người sáng tác, khi đã tìm thấy sự rung động trong tâm hồn thì ắt hẳn sẽ có bài hát. Nhạc sỹ Phú Quang tâm sự, từ xưa đến nay, ông chỉ viết những bài thật sự cảm thấy rung động. "Hồi tôi viết bài Em ơi Hà Nội phố, có người bảo rằng ông viết như thể sắp mất hết rồi ấy. Nhưng với tôi, tình yêu là những điều gì rất nhỏ bé. Khi ta yêu một người phụ nữ là yêu ánh mắt, nụ cười hay nét gì đấy, chứ không phải cứ ra Ba Đình gào lên là yêu Hà Nội đâu. Quan niệm của tôi là thế. Vì vậy, sáng tác về Đà Nẵng cũng hãy yêu từ những điều nhỏ bé nhất, những gì bình dị, gần gũi mà chạm đến trái tim mỗi người, đừng sử dụng ngôn từ sáo rỗng. Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống, Đà Nẵng đẹp nhưng nếu cứ gào lên rằng "đáng sống", "xinh đẹp" thì sẽ rất khó có tác phẩm đồng điệu với nhiều tâm hồn", nhạc sỹ Phú Quang nói.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, sự rung động là yếu tố cần thiết để tác phẩm ra đời, nhưng trước hết, người sáng tác phải là người có điều kiện cơ bản về âm nhạc như năng khiếu bẩm sinh, bản thân say mê âm nhạc, có kiến thức âm nhạc (học từ trường lớp, tự học) và phải có vốn sống, trải nghiệm cuộc sống. Nhạc sỹ Trần Hồng chia sẻ, nhiều năm quan sát, nghiên cứu, ông thấy rằng những bài hát hay gợi trong lòng công chúng cảm xúc đều có "tứ nhạc", giai điệu đẹp, lời ca hay. Muốn vậy, người sáng tác phải có tư duy, phải để những làn điệu dân ca, hò, vè, nhạc cổ truyền chảy trong tâm hồn, đến lúc nào đó có một hình ảnh, sự kiện đột nhiên xuất hiện làm rung động tâm hồn thì tự khắc sẽ có bài hát hay. "Nếu không rung động tâm hồn, trái tim còn lạnh thì không nên cầm bút vội, nếu vì lẽ nào đó mà đẻ non thì tác phẩm đó chắc chắn không phải là đứa con tinh thần có sức sống lâu dài được", nhạc sỹ Trần Hồng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhạc sỹ đề cập đến vai trò của nhà quản lý trong việc nâng cao chất lượng, đời sống âm nhạc của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, cho rằng ca khúc Đà Nẵng chưa đủ sức hấp dẫn, chưa bay cao, bay xa, ca sỹ nổi tiếng không trụ lại quê hương... là những nhận định đưa ra để nói về âm nhạc Đà Nẵng. Nhưng chẳng riêng gì Đà Nẵng, sự thiếu hụt trong đời sống âm nhạc cứ dồn hết cả vào người sáng tạo và lực lượng biểu diễn, công chúng nhưng lại quên mất vai trò của nhà quản lý. Theo nhạc sỹ Minh Châu, những người làm công việc sáng tạo có nỗ lực, yêu nhạc  đến mấy đi chăng nữa mà không có môi trường âm nhạc đúng nghĩa thì mọi nỗ lực cũng không đạt được hiệu quả. Để khắc phục điều đó, nhạc sỹ Minh Châu cho rằng, Đà Nẵng nên nâng cao vai trò quản lý của các cấp gồm cả quản lý hành chính và quản lý văn hóa nghệ thuật, trong đó có cả Sở Văn hóa, Sở Giáo dục, các đoàn nghệ thuật, các tổ chức đào tạo nghệ thuật, các trường phổ thông... "Mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ để trong tương lai Đà Nẵng không chỉ có những bài hát hay mà còn có những nhà hát, có những dự án đào tạo âm nhạc cho các bậc học, nâng cao trình độ âm nhạc của người dân", nhạc sỹ Minh Châu bày tỏ.

LÊ PHẠM