Hé lộ sơ đồ rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị tàn phá
Xử lý nghiêm các vụ phá rừng
Ngày 6-4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có Thông báo số 98/TB-UBND về việc thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh sau buổi kiểm tra thực tế hiện trường các vụ phá rừng tại Đông Giang và Nam Giang. Theo đó, đối với 2 vụ phá rừng tại Tiểu khu 41 (địa bàn xã Tà Lu) và Tiểu khu 140 (địa bàn xã Za Hung, H. Đông Giang) và tại Khe Bưa, xã Tà Pơơ (H. Nam Giang), UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan nội chính (CA, VKSND, TAND...) phối hợp, khẩn trương đưa vụ án ra xét xử nhằm xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; mở rộng điều tra vụ án nhằm xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Một “lâm tặc” bị bắt giữ đã vẽ lại sơ đồ các vụ phá rừng đã và chưa rõ đối tượng (điểm khoanh tròn là khu vực rừng bị phá). |
Đối với vụ phá rừng mới phát hiện tại xã Chà Vàl (H. Nam Giang) với khối lượng gỗ bị chặt hạ hơn 235m3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định đây là vụ phá rừng quy mô lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng bởi có đến 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào có tuổi đời hàng trăm năm bị chặt phá (thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung). Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị CA tỉnh chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ lực lượng CAH Nam Giang trong công tác điều tra, củng cố hồ sơ; xem xét tính chất của vụ án để rút hồ sơ lên CA tỉnh điều tra, xác định đối tượng vi phạm và sớm đưa vụ án ra xét xử, đảm bảo tính răn đe, coi đây là vụ án điểm năm 2018. Đồng thời, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả điều tra, xử lý.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện Nam Giang và Đông Giang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) và các tập thể, cá nhân có liên quan do địa phương quản lý vì để xảy ra những vụ phá rừng trên địa bàn, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 15-4. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức cơ sở Đảng, các tập thể và cá nhân có liên quan để xảy ra các vụ vi phạm nêu trên theo quy định của Đảng.
Siết chặt nguồn gốc lâm sản trái phép
Cũng trong ngày 6-4, ông Lê Trí Thanh đã ký Công văn số 1705/CV-UBND về việc “Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh”. Nội dung công văn yêu cầu các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các chủ xưởng cưa, gia công chế biến, hoạt động sản xuất gỗ trên địa bàn. Nêu rõ nguyên nhân tồn tại của các cơ sở vi phạm và phải dừng hoạt động; đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ chấp thuận thu hồi giấy phép hoạt động vô điều kiện. Chủ tịch các huyện không cấp mới hoặc đề nghị cấp mới các xưởng cưa, gia công chế biến gỗ trên địa bàn.
“Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh lập bản cam kết và tổ chức cho tất cả CBNV và người lao động trong toàn ngành ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; không mua bán, sử dụng vật liệu lâm sản không có nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hợp lý. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm cam kết sẽ tự chấp nhận xử lý kỷ luật ở mức cao nhất” - công văn nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông Lê Trí Thanh cũng đề nghị CA tỉnh trực tiếp lãnh đạo lập chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt là các đầu nậu ở các huyện miền núi. Yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị CBNV trong ngành đăng ký nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hiện hành hoặc xin chuyển sang công tác khác cho phù hợp nếu xét thấy không đủ năng lực, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Một điểm của rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị tàn phá. |
Lộ danh tính những kẻ phá rừng
Liên quan đến các vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại H. Nam Giang (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung), theo điều tra của P.V, ngoài 2 khu vực rừng bị phá đã được các ngành chức năng phát hiện, tại khu vực lòng hồ Thủy điện Sông Bung 4 còn nhiều địa điểm phá rừng khác với quy mô rất lớn. Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện trường vụ phá 33 cây gỗ lim và 1 cây xoan đào mà theo ông Lê Trí Thanh cho rằng đặc biệt nghiêm trọng, đang chỉ đạo lực lượng CA điều tra, xác minh thủ phạm là do nhóm “lâm tặc” với 20 người thực hiện, được cầm đầu bởi người tên “Xí” (trú Đại Hồng, Đại Lộc).
Qua tìm hiểu, một “lâm tặc” vừa bị bắt cho biết, gần địa điểm phá rừng đã được các ngành chức năng phát hiện còn 2 vị trí phá rừng khác: Một điểm do 2 đối tượng Võ Văn Phối (1979) và Võ Văn Phúc (1977, cùng trú Đại Lãnh) cầm đầu, tại đây có khoảng 7 quân hoạt động. Điểm phá rừng thứ 2 do đối tượng Trần Văn Hải (khoảng 45 tuổi, trú Đại Lãnh) cầm đầu có 6 quân hoạt động.
Sau khi các vụ phá rừng trên bị phát hiện, các đối tượng trong 2 điểm phá rừng này đã rút lui. Hiện trường để lại cho thấy mức độ tàn phá rất khủng khiếp. Gỗ sau khi được cưa xẻ, các đối tượng kết thành bè vận chuyển bằng đường thủy theo lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 về khu vực bờ đập chính thủy điện. Tại đây, chúng dùng ô-tô tải vận chuyển về xuôi… Điều đáng nói, cách các khu rừng bị phá không xa có Trạm Kiểm lâm Khe Vinh chốt chặn.
Những điểm phá rừng mà chúng tôi nêu trên hiện đang được CQĐT CAH Nam Giang điều tra, xác minh làm rõ đối tượng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến các vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.
BÃO BÌNH