Hệ thống ngân hàng hướng đến sự phát triển bền vững

Thứ sáu, 15/04/2016 06:56

(Cadn.com.vn) - Hướng tới kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Thụy Sĩ, chiều 14-4, tại Đà Nẵng, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) phối hợp với NHNN Việt Nam tổ chức “Diễn đàn tương lai ngành Ngân hàng Việt Nam”. Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; bà Beatrice Maser, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Beatrice Maser.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, Thụy Sĩ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam với trao đổi thương mại từ 700 – 800 triệu USD mỗi năm và cũng là quốc gia có hệ thống NH lớn mạnh nhất toàn cầu. Mục tiêu của ngành NH Việt Nam là ổn định chính sách tiền tệ, đảm bảo khả năng thanh khoản, giữ vững kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, duy trì ổn định thị trường ngoại hối,... góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020. Vì vậy, thông qua quan hệ đối tác lâu dài, SECO hỗ trợ NH Việt Nam xây dựng năng lực chuyên môn trong lĩnh vực dự báo tiền tệ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng quản lý cho ngành NH Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Beatrice Maser nhấn mạnh, Thụy Sĩ là đối tác tin cậy lâu dài của Việt Nam, Việt Nam là nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Thụy Sĩ, các chương trình ODA này hoàn toàn tập trung vào hợp tác phát triển kinh tế và SECO đang tiến hành xây dựng chiến lược hỗ trợ Việt Nam cho giai đoạn 2017 – 2020. Cũng theo bà Beatrice Maser  năm 2016 đánh dấu mốc 45 năm quan hệ ngoại giao song phương Thụy Sĩ - Việt Nam và mối quan hệ song phương giữa 2 nước ngày càng phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, thương mại, đầu tư, giáo dục và ngân hàng.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đến từ Thụy Sĩ kiến nghị hệ thống NH Việt Nam cần phải thay đổi, chuyển đổi, ưu tiên phát triển con người trong thời kỳ hội nhập. TS William Mah, Giám đốc Học viện Tài chính Thụy Sĩ cho rằng, nguồn vốn của hệ thống NH Việt Nam cấp cho khu vực tư nhân thấp hơn nhiều các NH trong khu vực ASEAN, các NH Việt Nam còn có quy mô nhỏ hơn các NH trong các nước ASEAN, nhiều NH còn yếu kém, quản trị công trong ngành NH còn thấp. Để đảm bảo tính cạnh tranh và gặt hái được từ nền kinh tế toàn cầu mang lại, TS William đề nghị ngành NH Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện, tái vốn hóa, hoặc sáp nhập vào các NH khác trở thành một NH lớn mạnh để có thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới.  Bên cạnh đó, chú ý áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát rủi ro để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.

* Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tiếp bà Beatrice Maser – Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam. Đại sứ Beatrice Maser cho hay, TP Đà Nẵng chưa thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với địa phương nào của Thụy Sĩ và cũng chưa có dự án ODA, FDI nào của Thụy Sĩ triển khai tại Đà Nẵng mà mới chỉ dừng lại ở trao đổi thương mại. Kim ngạch xuất khẩu giữa các doanh nghiệp Đà Nẵng và Thụy Sĩ năm 2015 đạt 3,7 triệu USD (xuất khẩu); nhập khẩu 750.000 USD (chủ yếu xuất khẩu mặt hàng dệt may và nhập khẩu là máy móc thiết bị). Vì vậy, qua cuộc gặp gỡ này với lãnh đạo TP Đà Nẵng, bà Beatrice Maser hy vọng sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Thụy Sĩ tìm kiếm cơ hội hộp tác với Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh khẳng định, trong định hướng thu hút các nhà đầu tư của TP, Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp của Thụy Sĩ khi đầu tư vào Đà Nẵng, nhất là các thủ tục hành chính.

Xuân Đương  - Công Hạnh