Heo lậu ồ ạt “vượt biên”
Sau thời gian dịch bệnh Covid-19 lắng xuống (khoảng đầu tháng 4 đến nay), giá thịt heo tại Việt Nam tăng cao. Đây cũng là thời điểm “ngon ăn” để cánh buôn lậu tìm mọi cách đưa lợn lậu từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ kiếm lời bất chính.
Tổ công tác Đoàn 2 bắt giữ lợn nhập lâu qua biên giới Quảng Trị. |
Tại tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị, gần như 24/24 giờ mỗi ngày, các tổ trinh sát của lực lượng BĐBP địa phương cùng với Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2) đóng tại Đà Nẵng phải căng mình ngăn chặn “vấn nạn”…
Heo lậu vượt sông
Thiếu tá Nguyễn Bình Tân, Đội trưởng Đội phòng chống buôn lậu (Đoàn 2), cho biết: Do giá thịt heo ở Việt Nam tăng cao, nên các đầu nậu thường xuyên móc nối với các đường dây buôn lậu heo thu gom hàng từ Thái Lan đưa về sát biên giới Lào- Việt Nam, sau đó lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để nhập lậu vào địa phận tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) bán kiếm lời. Theo các lực lượng chốt chặn trên tuyến biên giới này, nếu như tình hình trong nước thịt heo luôn khan hiếm hàng, thì hoàn toàn trái ngược, ở các các khu trang trại của Thái Lan, lợn nuôi công nghiệp nhiều vô số kể. Vì vậy, sau khi được đưa về Lào, cánh buôn lậu sẽ móc nối với đầu nậu nắm bắt “cơ hội làm ăn”: Đưa heo vượt biên về Viêt Nam bán kiếm lời qua dòng sông Sê Pôn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường giá heo đưa từ Thái đến huyện Sê Pôn (tỉnh Savannakhet, Lào) chỉ dao động quanh mốc 65-70 nghìn đồng/1kg, trong khi đó ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) thương lái thu mua dao động quanh mốc 90-95 nghìn đồng/1kg. Khi đưa về xuôi đến tay tiểu thương chợ, giá thịt heo còn cao hơn nhiều. Như vậy, mỗi con heo (khoảng 1 tạ) nếu vận chuyển trót lọt, các đối tượng chuyên “chăn heo” kiếm lời hơn 2 triệu đồng. Vì lãi “khủng”, nên dân buôn lậu và đầu nậu tìm mọi cách vận chuyển trái phép đưa heo vượt sông qua biên giới.
Đ. - một “con buôn” khi bị bắt khai rằng: Để đưa heo vào nội địa tiêu thụ, bước đầu sẽ tập kết heo phía bên kia biên giới rồi chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển heo qua sông Sê Pôn. Quá trình vận chuyển thường có “chim lợn” (người canh me) bám sát theo dõi sự chú ý của các cơ quan chức năng, còn đàn em của “trùm” buôn heo sẽ cho heo mặc áo phao rồi đẩy heo qua sông. Khi chót lọt, heo được lùa vào gửi tại nhà dân nhờ canh giữ có trả công. Một người tham gia các “phi vụ” buôn lậu còn cho biết, gần đây do lực lượng chức năng kiểm soát chặt nên nhiều người đưa heo lên thuyền sau đó chạy dọc bên kia sông, khi nào có tín hiệu báo “an toàn” ở bờ sông bên Việt Nam mới neo thuyền, nhanh chóng vận chuyển heo lên bờ bán cho thương lái đưa về xuôi tiêu thụ. “Thông thường, các con buôn luôn tìm thuê những người dân địa phương thông thạo địa bàn và lợi dụng mùa khô, nước trên sông Sê Pôn cạn, có thể sử dụng ghe máy, thuyền bơi tay hoặc nơi có thể đi bộ qua để vận chuyển heo qua sông về nước. Hoạt động vi phạm pháp luật của con buôn và thương lái đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, chính trị cũng như nguy cơ về dịch bệnh. Để đấu tranh ngăn chặn, các tổ trinh sát của Đoàn 2 cùng với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, biên phòng tỉnh Quảng Trị suốt 2 tháng qua phải liên tục phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhất là tuần tra mật phục để xử lý” - Thiếu tá Tân nói…
Kiên quyết ngăn chặn
Ghi nhận của lực lượng trinh sát biên phòng và phóng viên cho thấy, ngoài cách mặc áo pháo cho heo đẩy qua sông, có những thời điểm, heo được chồng chất lên ghe cả bầy sau đó chở tới khu vực cạn rồi lùa vào bờ. Bất kể ngày đêm, chỉ cần cơ quan chức năng có sơ hở, lập tức bầy heo nhanh chóng qua biên giới. Việc buôn lậu lợn của các “ông chủ, bà chủ” là dân buôn cũng được sự hỗ trợ rất đắc lực của người làm thuê. Thường thì mỗi con heo vận chuyển từ Lào sang địa phận Việt Nam được trả công từ 2-3 trăm ngàn đồng (tùy trọng lượng). Như vậy, nếu 2-3 người đưa chót lọt thuyền heo khoảng 10-20 con trong ngày đã kiếm 2,5-5 triệu đồng. Chính cách hái ra tiền này đã không ít người tham gia dù biết là vi phạm pháp luật.
Thượng tá Bùi Đức Trung, Đoàn trưởng Đoàn 2 cho biết thêm, ngoài vận chuyển nhỏ lẻ, đối tượng buôn lậu số lượng heo lớn khi nhập lậu vào Việt Nam sẽ đưa vào các trang trại chăn nuôi gần tuyến sông biên giới, thường là trang trại xây sát sông biên giới. Tại đây, chúng hợp thức hóa vận chuyển đến các lò mổ trên khắp cả nước. Hành vi vi phạm của các đối tượng ngoài thiệt hại về kinh tế còn gây bức xúc trong dư luận, bởi heo nhập lậu không qua kiểm dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là khi tình hình dịch tả lợn Châu Phi khiến nhiều nơi lao đao. Cùng với đó, việc nhập lậu cũng gây mất ANTT trên địa bàn, bởi vậy việc ngăn chặn là vô cùng cần thiết, quan trọng.
Trước tình hình phức tạp này, Thượng tá Trung cho hay, Cục phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã chỉ đạo Đoàn 2 phối hợp với biên phòng Quảng Trị và các lực lượng chức năng khác triển khai tối đa lực lượng tại cửa khẩu Lao Bảo triển khai các hoạt động ngăn chặn những đường dây buôn lậu heo vào Việt Nam. Việc tuần tra, kiểm soát được thực hiện cả trên sông và trên bờ, kiên quyết chặn đứng tất cả các phi vụ làm ăn phí pháp. Các tổ tuần tra trên sông, khi phát hiện báo cho các đội cơ động phối hợp với các chốt của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Đội Đặc nhiệm của Phòng phòng chống ma túy và tội phạm và Đội Trinh sát Đặc nhiệm (thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động), Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tiến hành bắt giữ. “Tình trạng buôn lậu heo trên tuyến biên giới đang rất nóng trong khoảng 2 tháng gần đây. Quá trình tham gia nhiệm vụ, khi các đối tượng tham gia buôn lậu bị phát hiện thường thả heo bỏ chạy, nhưng cũng không ít trường hợp manh động, chống lại cơ quan chức năng nhằm cướp hàng nhưng không thành vì CBCS được trang bị công cụ hỗ trợ và sự phối hợp của các lực lượng khác. Cũng có trường hợp kêu khổ vì không có việc làm, dịch Covid-19 khiến gia đình lao đao nên xin được bỏ qua. Dù rất thông cảm nhưng chúng tôi vừa tuyên truyền giải thích vừa kiên quyết bắt giữ, bàn giao cho Đồn Biên phòng quốc tế Lao Bảo kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm, tịch thu tang vật” – Thượng tá Trung nói.
Theo thống kê, từ đầu tháng 4 đến nay, Tổ công tác Đoàn 2 phối hợp với các đơn vị chức năng của Quảng Trị bắt giữ gần 40 vụ với khoảng 200 con heo, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Để đảm bảo công tác phòng dịch, khi heo bị bắt giữ được nhốt tập trung, Đồn Biên phòng quốc tế Lao Bảo phối hợp với các lực lượng chức năng tiêu hủy theo quy định. Theo Thượng tá Trung, do các lực lượng triển khai trinh sát, chốt chặn liên tục, rộng khắp, nửa đầu tháng 6-2020 lượng nhập lậu heo đã có giảm đi nhiều. Tuy nhiên, thực tế mỗi ngày các đơn vị vẫn phát hiện thông tin đối tượng liên lạc bắt tay nhau ôm heo vượt sông, nên hơn lúc nào hết các lực lượng nhất quyết không chủ quan, vẫn tăng cường bám đường biên giới nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị căng mình ngăn chặn vấn nạn vận chuyển phi pháp heo qua biên giới dù là lớn hay nhỏ…
CÔNG HẠNH