Hết sức cảnh giác trước cạm bẫy của tội phạm mua bán người
Theo BĐBP tỉnh Gia Lai, một hai năm trở lại đây, chiêu thức tuyển người đi làm “việc nhẹ, lương cao” của tội phạm buôn bán người đã len lỏi đến các bản làng khu vực biên giới tỉnh Gia Lai và không ít người đã vỡ mộng ở xứ người. Chính sự quyết liệt của lực lượng BĐBP, chính quyền địa phương trong đấu tranh với loại tội phạm này đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc biên giới tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, cũng theo lực lượng BĐBP, trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bởi khu vực biên giới tỉnh Gia Lai rộng lớn, có tới 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện biên giới Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Trong đó thành phần dân tộc thiểu số chiếm tới 65,94%, nên thời gian qua các đối tượng xấu triệt để lợi dụng một bộ phận người dân đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động phạm pháp.
Theo Đại tá Trần Thanh Bình- Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai, lợi dụng bà con ít hiểu biết về pháp luật và nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận dân cư trên biên giới, nhất là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, nên thông qua các mạng xã hội, các đối tượng đăng bài tuyển dụng lao động để lừa đảo, lôi kéo người dân đi làm việc ở ngoại tỉnh với mức lương cao rồi đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia nhằm cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Cũng từ đó, hành vi đòi tiền chuộc đã xảy ra đối với thân nhân người bị hại.
“Chuyên án BĐBP vừa phá vào tháng 7-2022, giải cứu 7 nạn nhân của xã Ia O là một ví dụ điển hình. Đối tượng Trần Quang Quyết (2001, trú H. Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) sau 2 lần là “nạn nhân” bị lừa được gia đình bỏ hàng trăm triệu đồng chuộc về. Nhưng khi trở về, Quyết lại trở thành kẻ môi giới cho tội phạm mua bán người từ bên kia biên giới, nhận về 128 triệu đồng phi pháp khi lừa đưa 7 nạn nhân xã Ia O bán qua Campuchia. Rất may, sự vào cuộc của Ban chuyên án đã giải cứu thành công các nạn nhân”, Đại tá Bình nói.
Các trinh sát Đoàn phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung đóng tại Đà Nẵng và BĐBP tỉnh Gia Lai thông tin: Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm việc làm của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tỉnh tăng cao. Nắm được điều này, các đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa bán người vào các casino bên kia biên giới, rồi bóc lột sức lao động, tạo cớ vi phạm để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân. Vụ việc 7 thanh niên ở xã Ia O nếu BĐBP không kịp thời phát hiện để xử lý nhanh chóng, dứt điểm thì sẽ tiếp tục xảy ra các vụ việc tương tự. Trong những ngày lực lượng chức năng giải cứu các nạn nhân, người nhà họ thường xuyên đến Đồn Biên phòng Ia O túc trực, điều đó thể hiện người dân đặt hết kỳ vọng vào BĐBP. Thành công của chuyên án góp phần củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với BĐBP.
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh- Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho rằng, sự vào cuộc của BĐBP thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chuyên án cùng các lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Hiện nay các tuyến biên giới nổi lên một số vấn đề về tội phạm mua bán người, đó là: Đối tượng rất đa dạng (trong nước, nước ngoài, cả nam, nữ, từ nạn nhân thành tội phạm); còn nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi lao động, trẻ em. Họ bị lừa gạt từ phương thức, thủ đoạn của kẻ xấu đưa ra là tuyển đi làm “việc nhẹ, lương cao”, hoặc dụ dỗ nạn nhân cho nhận con nuôi, môi giới lao động... Trong khi đó, trình độ dân trí hạn chế, nhu cầu tìm việc làm cao nên người dân rất dễ mắc lừa. Bởi vậy, các đơn vị cần tập trung hơn nữa việc phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm, tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.
Công Hạnh