Hiện đại hóa thổ cẩm để tôn vinh truyền thống

Thứ hai, 21/10/2024 10:30

Rằng như việc thả diều, sợi dây không chỉ đưa diều bay lên cao, còn giúp diều duy trì bay cả khi gió yếu lẫn lúc gió mạnh.

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế K'Jona trong Bộ sưu tập Cau ùr niăm.
Nhà thiết kế K'Jona.

Nhà thiết kế K'Jona, chủ nhân của Jona Bridal (số 188 Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), đã nói về mối liên kết giữa văn hóa dân tộc và xu thế hội nhập thế giới như thế, đồng thời khẳng định truyền thống văn hóa như sợi dây diều - nó không hề cản trở diều bay lên không trung, ngược lại còn nâng đỡ và giữ cho diều không bị rơi xuống. Từ suy nghĩ đó, anh tìm về chất liệu thổ cẩm để một mặt nâng tầm giá trị cho chất liệu qua việc ứng dụng thổ cẩm vào các thiết kế thời trang hiện đại phương Tây, mặt khác vẫn giữ lại những vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. "Tôi muốn làm một cái gì đó cho Tây Nguyên, nhất là những người trẻ nơi đây, để kéo họ về với bản sắc, với cội nguồn, truyền thống. Qua các mẫu thiết kế váy và trang phục đương đại trên nền chất liệu thổ cẩm của mình, tôi muốn gửi gắm tới người trẻ Tây Nguyên về những giá trị văn hóa dân tộc, về một Tây Nguyên trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn thấm đượm phong vị núi rừng"- nhà thiết kế K'Jona chia sẻ.

Chính vì tình yêu nguồn cội, anh đã chọn chất liệu thổ cẩm, rồi tìm tòi, khai thác, biến tấu họa tiết, màu sắc trên chất liệu này một cách đầy nghệ thuật, bên cạnh kết hợp với các chất liệu khác trên cùng một thiết kế, để cho ra đời những bộ sưu tập thanh thoát, phóng khoáng, mang đậm dấu ấn vùng đất, con người Tây Nguyên. Mỗi thiết kế của nhà thiết kế K'Jona là một câu chuyện kể về đời sống, nét đẹp văn hóa Tây Nguyên bằng phom, dáng có sự kết hợp giữa cái nhìn hiện đại phương Tây và những cảm xúc truyền thống Tây Nguyên, đưa người yêu thời trang đắm chìm vào không gian ngợp nắng, gió, sắc màu... Anh tâm sự: "Tháng 4 năm 2019, nhận thấy bản thân cần thay đổi để tìm kiếm một phong cách riêng trong thiết kế, tôi quyết định rời Malaysia về Đà Lạt mở thương hiệu áo cưới Jona Bridal, tại số 188 Hai Bà Trưng. Mở cửa hiệu được một thời gian, tôi quay lại Malaysia làm việc. Tháng 12 năm 2019, sau khi kết thúc hợp đồng với phía nhà thiết kế ở Malaysia, tôi về hẳn Đà Lạt lập nghiệp". Trước đó, năm 2011, tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, nhà thiết kế K'Jona (chàng trai K'Ho, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Lâm Đồng- P.V) qua Malaysia làm trợ lý cho nhà thiết kế Ridzuan Bohari, tại thủ đô Kuala Lumpur. Sau đó, anh cùng nhà thiết kế Ridzuan Bohari đã tham gia Tuần lễ Thời trang Kuala Lumpur (Kuala Lumpur Fashion Week) vào các năm 2013, 2014, 2016 và Tuần lễ Thời trang Malaysia 2015 (Malaysia Fashion Week 2015) phong cách Hồi giáo (Islamic Fashion).

Muốn làm một cái gì đó cho Tây Nguyên, ấy là lý do nhà thiết kế K'Jona quyết định trở về Đà Lạt - Lâm Đồng và biến những tấm vải thổ cẩm mộc mạc thành những trang phục trẻ trung, qua đó góp phần thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên, anh cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng thổ cẩm vào thiết kế thời trang cao cấp là công việc rất khó nhằn và tốn kém. Bởi tính chất đặc trưng của thổ cẩm buộc nhà thiết kế phải bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về chất liệu, mẫu mã họa tiết trên thổ cẩm, rồi sáng tạo ra những mẫu thiết kế mới theo từng chủ ý của mình. Bên cạnh đó, việc cắt may, tạo phom cũng gây nhiều khó khăn, đòi hỏi nhà thiết kế phải có cách xử lý kỹ thuật thật khéo. Thêm nữa, việc kết hợp màu sắc, họa tiết trên cùng một thiết kế để không bị phô là cả một sự kỳ công của nhà thiết kế. "Trước kia, trang phục truyền thống của người Tây Nguyên khá là đơn giản, chỉ có áo cổ tròn và chân váy. Ngày nay, nếu mặc nguyên bộ thổ cẩm, từ trên xuống dưới, trông sẽ rất nặng nề. Chưa kể, màu sắc thổ cẩm lại khá tối, chất liệu vải cũng khá thô, cứng. Vì vậy, tôi không dùng nguyên thổ cẩm cho các thiết kế của mình, mà tìm cách phối thổ cẩm với các chất liệu khác như vải lưới, vải voan, kết hợp với cách xếp ly, cắt cúp, tạo điểm nhấn ở những chỗ cần thiết để không chỉ tôn dáng người mặc, còn giúp bộ trang phục trở nên nhẹ nhàng, tinh tế và lãng mạn"- nhà thiết kế K'Jona cho biết. Mới đây, anh vừa hoàn tất bộ sưu tập: "Cau ùr niăm", tạm dịch: "Người con gái đẹp", bao gồm các mẫu thiết kế váy, áo chói lóa sắc vàng.

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế K'Jona trong Bộ sưu tập Âm vang đại ngàn.
Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế K'Jona trong Bộ sưu tập Cau ùr niăm.

Theo nhà thiết kế K'Jona, màu vàng tượng trưng cho đất, cũng là màu hoa dã quỳ, ý nói khát vọng vươn lên của những người con Tây Nguyên. Họ luôn tin ở những gì sáng sủa, ấm nóng, mạnh mẽ, tràn trề năng lượng sống. Màu xanh là màu của rừng, đan xen các mảng đen và xám là màu của núi. Tất cả màu sắc, hình ảnh, phom, dáng đều được anh xử lý rất chắc tay, cho thấy một Tây Nguyên đầy hạo nhiên trong cách sống, đằm thắm trong gìn giữ bản sắc, phóng khoáng trong lối biểu đạt và cả sự bí ẩn ngàn đời của văn hóa. "Người con gái đẹp, không chỉ đẹp hình thể, tâm hồn cũng phải đẹp. Tâm hồn đẹp là tâm hồn luôn hướng về cội nguồn, biết rõ mình là ai nhưng đồng thời không ngần ngại thay đổi để vươn xa, vươn cao. Cũng như những cánh diều, bay càng cao thì mối tương kết với đất mẹ phải càng chặt"- nhà thiết kế K'Jona nói rõ.

Trịnh Chu