“Hiến kế” cho ngành Y (Bài 1: Giải bài toán quá tải)
Dự thảo “Quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được UBMTTQVN TP tổ chức phản biện theo đề nghị của Chủ tịch UBND TP, đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là liệu đề án quy hoạch có giải quyết được bài toán nan giải lâu nay là vấn đề quá tải tại các bệnh viện công lập?
|
Quá tải bệnh viện là vấn đề được rất nhiều người quan tâm góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: L.HÙNG |
Mệnh đề khó giải
Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, chỉ tiêu giường bệnh liên tục gia tăng, từ con số gần 26 giường bệnh/vạn dân vào những năm 1997-2000, đến nay đã đạt gần 68 giường/vạn dân. Tuy nhiên, so với điều kiện phát triển KT-XH trong tình hình mới của Đà Nẵng, chỉ số giường bệnh/vạn dân nêu trên vẫn chưa thực sự đáp ứng hết nhu cầu thực tế của người dân thành phố cũng như các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều bệnh viện trên địa bàn vẫn còn tình trạng quá tải, đặc biệt là các bệnh viện loại I. Số liệu thống kê cuối năm 2016 cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện thực sự quá tải, ví như Bệnh viện Đà Nẵng trên 174%, bệnh viện Phụ sản - Nhi gần 149%, bệnh viện Ung bướu gần 117%, các bệnh viện quận, huyện trên 120%...
“Để giải quyết tình trạng bệnh nhân nằm ghép, rất nhiều bệnh viện đã kê thêm giường tại các buồng bệnh, đôi lúc kê thêm giường ở hành lang, với tỷ lệ kê thêm từ 30 đến 40% so với chỉ tiêu giường bệnh”, bà Yến cho hay. Cũng theo bà Yến, tình trạng kê thêm giường bệnh trong điều kiện cơ sở chật hẹp đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thăm khám, chăm sóc điều dưỡng và sinh hoạt của bệnh nhân. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của đội ngũ cán bộ y tế như không đủ thời gian để tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, không đủ thời gian để nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Đôi lúc, quá tải cũng làm ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh!
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm, mục tiêu chung của dự thảo đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là “tập trung giảm quá tải ở tất cả các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, giảm quá tải ở cả hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện. Giai đoạn từ 2017 đến 2020 ưu tiên giảm tải cho các bệnh viện hạng I tuyến thành phố, từ năm 2020 đến năm 2030 tiếp tục thực hiện ở tất cả các cơ sở công lập, đảm bảo không còn tình trạng quá tải cả ở khu vực phòng khám và khu vực điều trị nội trú”.
Theo đó, mục tiêu cụ thể cho công tác giảm quá tải bệnh viện được Sở Y tế đưa ra là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng I, phấn đấu đến năm 2020 công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện trực thuộc Sở đạt tỷ lệ 95-100%; thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh; giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sỹ, phấn đấu đến năm 2020 mỗi bác sỹ chỉ khám 35 người bệnh/1 ngày làm việc; không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQVN), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng, thực tế tình trạng quá tải không chỉ ở Đà Nẵng mà là tình hình chung của y tế cả nước, kể cả các bệnh viện trung ương. “Đã có hội nghị mà các giám đốc bệnh viện đã hứa với Bộ trưởng Bộ Y tế là không để bệnh nhân phải nằm ghép, vậy mà cho đến nay vẫn không thể khắc phục được, vấn đề ở chỗ nào?”, ông Minh đặt vấn đề.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, muốn giải quyết vấn đề nan giải này, cần có một biện pháp tổng hợp mà ngay đề án này cũng chỉ mới phác thảo. “Vấn đề mấu chốt là tổ chức mạng lưới y tế gần dân, sát dân, đủ sức phục vụ dân thuận tiện, được dân tin và gửi gắm tính mạng mình mỗi khi đau yếu, và với một mức chi phí hợp lý nhất... Mô hình bác sĩ gia đình là một lựa chọn phù hợp nhất”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh nêu giải pháp. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, tuy trong đề án của Sở Y tế Đà Nẵng có nhắc tới mô hình này nhưng còn thoáng qua, một phần TP Đà Nẵng không nằm trong 8 tỉnh/thành phố thí điểm, nhưng đây là một mô hình rất tốt, được công nhận trên thế giới. “Đây là vấn đề thời sự mà y tế TP Đà Nẵng nên quan tâm, tiếp cận và triển khai, vì phải giải quyết chống quá tải ở gốc, còn từ các bệnh viện đều là những giải pháp thụ động và phần ngọn nên không thể giải quyết vấn đề”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh nói.
Bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, về dự báo nhu cầu của người dân trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đề án chỉ mới nêu được nguyên nhân chung gây ra sự quá tải của các bệnh viện là xu hướng gia tăng của tốc độ dân số và diễn biến bất thường của dịch bệnh. Do đó, để có cơ sở đề ra chỉ tiêu giường bệnh (số giường bệnh/vạn dân) phù hợp cho giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tại phần đánh giá dự báo nhu cầu của người dân trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cơ quan soạn thảo cần xác định được tốc độ gia tăng dân số và tổng số dân trên địa bàn thành phố sẽ đạt đến con số bao nhiêu trong khoảng thời gian này làm cơ sở cho việc đề ra mục tiêu cho công tác giảm quả tải bệnh viện.
“Việc tăng cường điều trị ngoại trú sẽ giúp giảm số người điều trị nội trú, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu không có người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện. Ngoài ra, để có thể giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải của các bệnh viện thì luôn cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và người dân. Do đó, cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung các giải pháp tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các quy định khám bệnh, chữa bệnh cũng như về các biện pháp phòng bệnh chủ động”, bà Hoa nhấn mạnh.
BS Chuyên khoa II Đoàn Võ Thị Kim Ánh đưa ra giải pháp là mở rộng y tế quận, huyện, tăng cường trang thiết bị và bố trí bác sĩ về địa phương có trình độ chuyên môn giỏi một thời gian để đảm nhiệm việc chẩn đoán và điều trị tại các tuyến này. Bên cạnh đó, các bệnh viện lớn cần có sàng lọc bệnh để chuyển bớt về tuyến dưới.
(còn nữa)
DOÃN HÙNG