"Hiến kế" để cai nghiện đạt kết quả cao

Thứ năm, 23/11/2017 12:06

Vì sao công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chưa đạt được kết quả như mong đợi? Những hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác này là gì?... Đây là những nội dung được đưa ra phân tích, đánh giá tại Hội thảo "Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gắn với hiệu quả và tính bền vững của chương trình" do Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức ngày 22-11.

Học viên cai nghiện tham gia lao động, sản xuất tại Đà Nẵng.    Ảnh: S.T

Chưa thật sự hiệu quả

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tổng kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy giai đoạn 2014-2017 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chưa thật sự hiệu quả và không bền vững, tỷ lệ thành công sau một đợt cai nghiện là rất thấp. Cả nước chỉ có hơn một nửa số tỉnh, thành phố triển khai công tác này, nhưng tỷ lệ người nghiện tham gia chương trình rất khiêm tốn, bình quân khoảng 10 ngàn người/năm.

Tại Đà Nẵng, với việc thực hiện mục tiêu "không có người nghiện ma túy trong cộng đồng mà không được kiểm soát", trong 3 năm (2015-2017), toàn thành phố đã thực hiện điều trị, cai nghiện cho 3.505 lượt người, trong đó cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là 516 người.

Nói về nguyên nhân khiến công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa đạt kết quả như mong muốn, ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH cho rằng, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này, cho rằng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chẳng qua là làm cho đủ thủ tục để sau đó đưa đi cai nghiện tập trung. Do đó, lập hồ sơ còn sơ sài, lập kế hoạch cai nghiện không sát với thực tế, đưa đi cắt cơn giải độc 3 đến 5 ngày, mặc dù chưa thải hết chất ma túy, nghĩa là còn dương tính với ma túy nhưng cũng cho ra viện. Bên cạnh đó, theo ông Hùng, không ít nơi chính quyền chưa quan tâm giúp đỡ thật sự, có nơi cán bộ được phân công, kèm cặp, giúp đỡ nhưng thiếu nhiệt tình, làm chiếu lệ. Không ít địa phương chỉ quản lý, giáo dục tại xã phường, không gắn với tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, chỉ chú trọng lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung thông qua việc xác minh không thường xuyên sinh sống tại địa phương. Đó là chưa kể, nơi điều trị cắt cơn, giải độc tại các trung tâm y tế chưa đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ nhân viên, người bệnh, không ngăn được thẩm lậu ma túy trong quá trình điều trị.

Đà Nẵng gỡ khó ra sao?

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiên Hồng, từ năm 2014 trở về trước, Đà Nẵng phấn đấu vì mục tiêu "không có người nghiện ma túy trong cộng đồng", nên chỉ chú trọng tổ chức cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực trong lĩnh vực cai nghiện ma túy thì việc xác định nghiện cũng như quy trình, thủ tục, thẩm quyền đưa vào cơ sở cai nghiện có nhiều thay đổi. Để phù hợp với quy định mới, tháng 9-2014, thành phố đồng thời triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tập trung. Theo đó, tất cả các xã, phường đều phải thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy, các trung tâm y tế quận, huyện (trừ Trung tâm Y tế Liên Chiểu và BV Tâm thần Đà Nẵng) được UBND thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị cắt cơn, giải độc ma túy cho đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Người cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cắt cơn, giải độc.

Ông Lê Minh Hùng nhìn nhận, trong 3 năm, toàn thành phố có 516 người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong đó có 378 người đã được cấp chứng nhận hoàn thành (chiếm hơn 73%). "Đây là kết quả rất đáng trân trọng, là hạnh phúc của bao gia đình, là niềm vui của bà con lối xóm, đặc biệt là những người được phân công theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ các em", ông Hùng nói.

Đại diện UBND Q. Cẩm Lệ nêu quan điểm, với tình hình tội phạm ma túy ngày càng tinh vi và phức tạp, công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập, đặc biệt duy trì các mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thật sự có hiệu quả là vấn đề nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cộng đồng xã hội, gia đình và của các cấp ngành, đoàn thể, địa phương.

Theo lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà, thời gian qua, tổ công tác cai nghiện các phường đã tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 18 trường hợp. Cùng với đó, các hội đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục cho 18 thanh thiếu niên lần đầu sử dụng ma túy, tiến hành phân công hội viên cùng với chính quyền phối hợp với gia đình để theo dõi, quản lý, giám sát các em. Cán bộ các hội, đoàn thể đến từng nhà gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, nếu có nhu cầu học nghề, vay vốn và các hỗ trợ khác phù hợp để đề xuất hỗ trợ. Đối với các trường hợp chưa có định hướng nghề nghiệp thì tiến hành tư vấn, khảo sát nguyện vọng để định hướng nghề nghiệp cho các em.

Ông Lê Quang Vũ, Chủ nhiệm CLB "Cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng" P. Tam Thuận cho biết, CLB là loại hình sinh hoạt tập thể có tác dụng rất tốt với gia đình và bản thân người cai nghiện và người có nguy cơ cao về ma túy, là nơi để các em tìm đến khi bị các đối tượng xấu lôi kéo, là nơi các cấp, các ngành thông qua để tuyên truyền và giải thích tác hại của ma túy, làm giảm đáng kể về tệ nạn xã hội. Cũng chính tại đây, mọi người sẽ giúp nhau giải quyết những khó khăn để các em sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. "Qua một thời gian tổ chức thực hiện, kết quả cuối cùng cho thấy 21 người tham gia chương trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có 15 người cai nghiện thành công, 6 người tái phạm phải đi cai nghiện tập trung. Tuy chưa thể khẳng định sau này các em không còn vấp ngã nhưng đối với các em và gia đình đã hiểu được ma túy, tác hại của ma túy và cách phòng tránh, 13/15 em đã có việc làm", ông Vũ nói.

Có thể nói, dù chưa có cơ sở so sánh mức độ hiệu quả giữa cai nghiện tập trung với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nhưng qua kết quả nêu trên có thể tin vào sự thành công của chương trình cai nghiện này tại Đà Nẵng. Bởi chương trình này ít phí tổn, không cách ly môi trường học tập, lao động, không cách ly gia đình, người thân, mức độ kỳ thị thấp nhờ được chính quyền địa phương phân công kèm cặp, giúp đỡ ngay từ đầu. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, công tác này hiện còn không ít khó khăn cần tháo gỡ, cần được quan tâm đầu tư và sự đồng thuận của xã hội.

D.HÙNG