"Hiệp sĩ" tử nạn khi bắt cướp xứng đáng được tôn vinh và truy tặng danh hiệu liệt sĩ

Thứ tư, 16/05/2018 07:34

Ngày 15-5, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM tổ chức họp báo thông tin về vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 "hiệp sĩ" bị đâm thương vong. Trước đó, Công an TPHCM đã bắt giữ hai nghi can liên quan đến vụ án này, gồm Nguyễn Tấn Tài (24 tuổi, còn gọi Tài "mụn", trú Q.12, bị bắt tại Q. Gò Vấp vào tối 14-5) và Nguyễn Hoàng Châu Phú (1994, trú Hóc Môn). Bước đầu, Tài và Phú khai nhận, tối 13-5, Tài rủ Phú đi trộm. Khi trộm chiếc xe SH và bị hiệp sĩ vây bắt, Tài dùng dao bấm tấn công khiến 5 hiệp sĩ thương vong. Lợi dụng tình trạng lộn xộn, cả hai lên xe tẩu thoát.

Lãnh đạo Công an TPHCM trả lời báo giới về vụ việc.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP cho biết, Tài là đối tượng cực kỳ hung bạo. Tướng Minh cũng cho rằng thông tin trên mạng nói Công an quận 3 vô trách nhiệm là hoàn toàn bịa đặt, Công an quận 3 đã làm hết trách nhiệm của mình. Đừng lấy cái đau thương rồi quy kết trách nhiệm cho một đơn vị nào đó rồi "ném đá".

Riêng về việc đề nghị công nhận liệt sĩ cho các "hiệp sĩ" tử vong, thẩm quyền thuộc ngành LĐTB&XH, nhưng CATP sẽ hỗ trợ làm hồ sơ đề xuất.

 Trước hành động quả cảm và tử nạn trong khi bắt cướp của hai hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, sống tại Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định), nhiều ý kiến cho rằng họ xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nước ta có phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, việc động viên khuyến khích người dân tích cực tham gia phong trào này là cần thiết nhằm mang lại bình yên cho xã hội. Có thể có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên liều mình bắt cướp, nhưng xã hội rất cần những người xả thân vì lẽ phải. Vì vậy, không phải bỗng dưng họ được gọi là "hiệp sĩ".

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ người hy sinh thuộc một trong các trường hợp được xem xét, xác nhận là liệt sĩ là: Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân...

“Quy định đã đầy đủ, còn thực hiện là do cơ quan lập hồ sơ trình; trên cơ sở hồ sơ, các cơ quan chức năng sẽ xem xét. Hai trường hợp như báo chí phản ánh là đủ điều kiện công nhận. Đây là những hành động xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu liệt sĩ. UBND thành phố nơi xảy ra vụ việc phải là nơi đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các cá nhân trên” - ông Nguyễn Duy Kiên khẳng định.

P.V – T.THỦY