Hiệu quả các dự án thoát nước Đà Nẵng đến đâu?
* PV: Có ý kiến cho rằng trong trận ngập lụt khủng khiếp vừa qua tại Đà Nẵng có nguyên nhân năng lực thoát nước của hệ thống hạ tầng đô thị yếu kém dù được đầu tư nhiều kinh phí trong thời gian qua. Ông đánh giá sao về nhận định này?
Ông Nguyễn Thành Tiến: Thời gian qua Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án thoát nước đô thị với kinh phí hơn 13.300 tỷ đồng. Hiện nay một số tuyến thoát nước chính vẫn đang thi công, như tuyến Liên Chiểu-Thanh Khê, tuyến Phan Thành Tài đi Thăng Long, tuyến hồ Thạc Gián ra Nguyễn Tất Thành, hay các tuyến gom nước xả về sông Hàn như từ Hồ Xuân Hương đến giáp Quảng Nam (đã thi công trên 60%)… Nếu hoàn thành các tuyến đó thì cơ bản thành phố sẽ giải quyết được câu chuyện thoát nước. Trong thực tiễn những năm qua, lượng mưa ở mức độ lớn (không phải quá lớn như vừa rồi) thì qua giám sát nhận thấy năng lực thoát nước đảm bảo, có quyền tự hào Đà Nẵng không ngập.
Tuy vậy, qua trận ngập vừa rồi cũng phải thay đổi lại tư duy đánh giá năng lực hệ thống thoát nước thành phố. Trong số 5 nguyên nhân chính được nhìn nhận thì nguyên nhân khách quan do yếu tố tự nhiên chiếm chủ đạo. Cụ thể là hiện tượng triều cường dâng cao lịch sử, lượng mưa lớn lịch sử (hàng trăm năm mới xuất hiện), các thủy điện xả lũ, vỡ đập hồ Hố Sấu… Các yếu tố đó diễn ra cùng lúc, ập vào khiến điểm tiếp nhận tiêu nước là biển và sông không còn nữa, hệ thống thoát nước của TP bị vô hiệu hóa.
Với nhiều yếu tố mang tính lịch sử ập đến cùng lúc như trong trận ngập vừa qua thì khó có hệ thống hạ tầng thoát nước nào đủ năng lực đáp ứng cả. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là sau mưa, triều cường xuống thì nước ngập thông qua hệ thống thoát nước rút đi rất nhanh. Nếu nhìn ở khía cạnh khác, khi thủy điện xả lũ nước dồn về gặp triều cường dâng cao, lượng nước lớn bị ứ đọng, thậm chí chính hệ thống thoát nước của TP tốt nên nước mới bị đẩy ngược lại, làm ngập lan rộng ra. Vì vậy theo tôi, để đánh giá năng lực thoát nước của thành phố cần đánh giá toàn diện, khách quan, phải xem xét nhiều yếu tố lịch sử từ đầu tư xây dựng, yếu tố thiên nhiên…
* PV: Ngoài yếu tố tự nhiên mang tính lịch sử như ông phân tích thì có nguyên nhân nào do chủ quan con người không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Tiến: Trận ngập vừa qua các trạm bơm chống ngập như Thuận Phước, Tuyên Sơn, Ông Ích Khiêm, hầm chui Điện Biên Phủ gần như không hoạt động. Có thể do thiết kế hệ thống điện không chủ động trong các tình huống nên khi cần sử dụng thì mất điện, bị tê liệt. Trong lúc đang mưa lớn trạm bơm không nên hoạt động, nhưng sau khi triều cường rút thì phải bơm nhanh để tiêu nước.
Ngoài ra, do đô thị Đà Nẵng phát triển tương đối "nóng" nên hệ thống ao hồ làm yếu tố điều tiết bị thu hẹp so với trước đây. Cái này cũng do công tác quy hoạch trước đây chưa xem xét hết các yêu tố này. Riêng tại khu vực vùng ven như Hòa Vang, một số tuyến đường cao tốc, đường vành đai tạo bờ đê ngăn thoát nước giữa thượng lưu và hạ lưu, làm ngập úng cục bộ. Cái này do khi đầu tư xây dựng việc tính toán thoát nước chưa đạt yêu cầu.
* PV: Dãy núi Phước Tường như mái nhà khổng lồ hứng nước xối xuống, trong khi tuyến đường Nguyễn Tất Thành sát biển chưa bao giờ bị ngập thì vừa qua bờ kè trở thành đê ngăn nước xả tràn ra biển. Điều này khiến cả một khu vực rộng lớn bị ngập nặng nề. Thực trạng này có yếu tố tác động từ con người không thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Tiến: Núi Phước Tường chủ yếu tầng đá, tầng phủ ít cho nên lượng cây cối không nhiều. Đây gần như núi đá, dốc, với lượng mưa như vừa rồi xuống rất nhanh, như trút ào xuống, không có khả năng thẩm thấu, dung chứa. Bờ kè dọc đường Nguyễn Tất Thành trước đây khi thiết kế có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp kè cong có chức năng tiêu năng cho sóng biển. Khi kè cong đó nếu thi công thì sẽ giảm cao độ, nhưng kinh phí lại cao gấp rưỡi so với kè như hiện nay. Thời điểm đó, điều kiện ngân sách có hạn, thành phố đã chọn đầu tư kè như hiện tại. Như vậy mới có câu chuyện nâng thành kè lên cao trên khỏi vỉa hè 60-70 cm, mục tiêu là chắn sóng lớn. Những trận mưa như lâu nay thì không vấn đề gì, chỉ trận mưa lớn lịch sử như vừa qua, bất đắc dĩ kè chắn sóng bị biến thành đê ngăn không cho nước xả tràn ra biển, đường Nguyễn Tất Thành ngập sâu. Qua lần này, thành phố sẽ nghiên cứu mở thêm các cửa thoát tràn, có thể cửa 1 chiều, chỉ cho nước ra.
* PV: Trong điều kiện thời tiết cực đoan, mới năm 2018 Đà Nẵng ngập nặng chưa từng có, nay lại ngập nặng hơn, thiệt hại ban đầu thống kê đã hơn 1.400 tỷ đồng. Dưới góc độ quy hoạch, đầu tư, xây dựng theo ông cần giải pháp gì để đô thị Đà Nẵng "thích ứng" với biến đổi khí hậu, tránh ngập úng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thành Tiến: Theo tôi Sở Xây dựng phải tham mưu cho thành phố đánh giá lại tình trạng ngập úng vừa rồi, có những quan trắc môi trường từ nhiều năm để lập bản đồ ngập úng toàn thành phố, qua đó phải xác định từng điểm ngập úng theo từng cấp độ. Ví dụ với lượng mưa này, thời gian này, khu vực nào sẽ ngập ở mức độ bao nhiêu, sau đó tuyên truyền cho người dân được biết để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Thành phố cần có hệ thống quan trắc môi trường, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành hồ đập thủy điện đầu nguồn để có dự báo chuẩn về tình trạng ngập úng cho người dân.
Về hạ tầng, cần sớm hoàn thiện các dự án cống thoát nước chính, đấu nối vào hệ thống thoát nước chung đô thị. Thời gian qua việc thi công kéo dài cũng làm hạn chế dòng chảy. Ngoài ra, tôi cho rằng phải phân lưu lượng nước hợp lý cho các tuyến cống thoát, chứ hiện nay vẫn còn bất cập. Ví dụ tuyến thoát nước từ sân bay qua kiệt 96 Điện Biên Phủ (vừa rồi kiệt 96 bị ngập nặng), chỗ đó cần chia sẻ bớt nước qua tuyến cống đường Lê Độ để thoát về biển (vì năng lực thoát ở tuyến Lê Độ lớn). Hay tuyến từ hồ Thạc Gián ra Nguyễn Tất Thành, đến Lý Thái Tổ phải phân lưu chia sẻ bớt về tuyến Hoàng Hoa Thám để chuyển nước về tuyến Hải Phòng, ra Ông Ích Khiêm. Hiện trạm bơm Ông Ích Khiêm có 8 máy bơm, năng lực đang thừa, phân lưu về đó sẽ thoát tốt, chống ngập khu vực đường Hàm Nghi (hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung), vừa rồi chỗ đó ngập rất nặng.
Tại khu vực Hòa Vang cần có giải pháp mở thêm khẩu độ thoát nước từ các tuyến đường cao tốc, vành đai như bờ đê hiện nay để tránh ngập cục bộ. Hòa Vang cũng đang trong quá trình phát triển vì thế ưu tiên giữ lại các hồ điều tiết, các tuyến kênh thoát chính…
* PV: Xin cảm ơn ông đã trao đổi!
HẢI QUỲNH (thực hiện)