Hiệu quả từ dự án trồng nấm lim xanh

Thứ năm, 19/12/2019 20:00

Để bảo tồn loài nấm lim xanh quý hiếm, đồng thời tạo công việc cho người dân vươn lên thoát nghèo, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cho phép triển khai Dự án "Phát triển chuỗi giá trị nấm linh chi Quảng Nam, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng nông thôn miền núi, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số" bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.



Các nhân viên kỹ thuật nghiên cứu, kiểm tra nấm lim xanh.

Nấm lim xanh thuộc họ linh chi quý, thường mọc trên thân và rễ cây gỗ lim đã bị mục. Đặc biệt, loài nấm này có chứa chất triterpenes giúp điều tiết nội tố, ngừa tiểu đường, ổn định huyết áp và có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư nên nhu cầu thị trường rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nguồn nấm lim xanh tự nhiên đang bị khai khác cạn kiệt. Vì lợi nhuận, một số cơ sở đã trộn nấm nuôi trồng không rõ xuất xứ và nấm nuôi của Trung Quốc giả nấm lim xanh kém chất lượng để "tung" ra thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Do đó, việc nghiên cứu, trồng loại nấm này sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến hiệu quả để cung cấp ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân phát triển kinh tế bền vững, đồng thời giúp bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen của loại nấm quý.

Dự án "Phát triển chuỗi giá trị nấm linh chi Quảng Nam, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng nông thôn miền núi, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số" được sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh và Cty TNHH MTV Linh Chi Quảng Nam (Cty Linh Chi QN) triển khai thực hiện từ tháng 8-2018. Bắt đầu thực hiện dự án, Cty Linh Chi QN đã đầu tư 210 triệu đồng xây dựng Trung tâm Chuyển giao Công nghệ nấm Linh chi. Dự án Trường Sơn Xanh cũng hỗ trợ các thiết bị hiện đại cho Trung tâm như tủ cấy sinh học, tủ ấm vi sinh, tủ lạnh âm sâu 40 độ, nồi hấp tiệt trùng, máy đo độ pH, kính hiển vi... Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 5-2019 với một phòng thí nghiệm, một phòng nghiên cứu và một phòng lưu trữ giống nấm cùng với đó là một lò hấp phôi với công suất 1.300 phôi/lần hấp. Cty Linh Chi QN cũng đưa vào vận hành nhiều trại nấm và một phòng cấy khép kín với cơ sở vật chất công nghệ cao để phục vụ mở rộng sản xuất.

Quy trình chuyển giao công nghệ trồng các loại nấm linh chi, nấm lim xanh và nấm ăn tại nhà được bắt đầu từ tháng 8-2019, khi đó Dự án Trường Sơn Xanh đã cung cấp 15.000 phôi bịch cho 375 người dân có nguyện vọng tham gia trồng nấm thuộc các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam). Khi bà con nhận được phôi nấm, các nhân viên kỹ thuật đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho mỗi lớp về kỹ thuật đóng phôi, cấy giống nuôi trồng, chăm sóc, thu hái nấm ăn và nấm linh chi. Đến nay Cty Linh Chi QN đã cơ bản xây dựng thành công 15 mô hình nuôi trồng nấm lim xanh và nấm linh chi. Hiện tại Cty Linh Chi QN bắt đầu thu mua nấm lim xanh thành phẩm của 25 hộ gia đình thuộc xã Tam Đại (H. Phú Ninh) và 25 hộ gia đình thuộc xã Tam Thạnh (H. Núi Thành) với giá 900 ngàn đồng/1kg nấm khô. Hiện đã có 3 tổ hợp tác đầu tiên đã nuôi trồng thành công nấm lim xanh tại hộ gia đình, tất cả sản phẩm đều được Cty bao tiêu đầu ra.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh (40 tuổi, trú xã Tam Đại, H. Phú Ninh), một hộ dân trồng nấm lim xanh cho hay: "Nắm được kỹ thuật chăm sóc nên lứa nấm thí nghiệm đầu cho hiệu quả cao, nấm ra đạt năng suất. Với giá Cty thu mua hiện nay là 900 ngàn đồng/ 1kg khô, tôi thấy hiệu quả kinh tế rất cao hơn rất nhiều lần so với trồng các loại cây khác. Trồng nấm lim xanh ít tốn công chăm sóc, do vậy gia đình tôi dự tính sẽ tiếp tục mở rộng thêm trại trồng nấm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống".

Ông Đào Duy Linh - Giám đốc Cty Linh Chi QN cho rằng, dự án thành công không chỉ giúp Cty chủ động được khâu nhân giống chất lượng cao, mà còn mở ra triển vọng chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng nấm lim xanh và linh chi hoàn chỉnh, bền vững và có tính cạnh tranh cao. "Thời gian đến, Cty sẽ tiếp tục cung cấp các bịch phôi nấm cho người dân tham gia; thiết lập nhà trồng nấm lớn để hai tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi và lim xanh có thể áp dụng công nghệ cao để phục vụ mở rộng sản xuất, tăng năng suất của cây nấm. Đồng thời, đây còn là hướng đi tạo sinh kế cho bà con địa phương, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học"- ông Linh thông tin.

LÊ VƯƠNG