Hiệu quả từ mô hình trường học bán trú miền Tây xứ Nghệ

Thứ tư, 02/10/2019 14:20

Do cuộc sống khó khăn, địa hình hiểm trở nên học sinh (HS) các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Nghệ An thường xuyên xảy ra tình trạng nghỉ học, bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, từ khi mô hình trường học theo hình thức bán trú được thành lập, tình trạng HS bỏ học không chỉ được khắc phục mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại cơ sở, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền của tỉnh.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm tăng gia sản xuất. 

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng HS được hưởng chế độ bán trú đông nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Đối với các trường học ở vùng đồng bằng, bán trú là HS chỉ ăn tại trường một bữa trưa, sau giờ tan học, các em sẽ trở về nhà. Thế nhưng, ở các trường học huyện miền núi, hình thức bán trú được tổ chức khá đặc biệt. Do địa hình phức tạp, xa xôi cách trở, việc đi lại hàng ngày của các em không thuận tiện nên hình thức bán trú sẽ được tổ chức kéo dài từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6 hàng tuần. Các em HS thuộc diện bán trú không chỉ được học văn hóa mà còn được chăm lo cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là điều kiện thuận lợi để cho các em không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, phát triển một cách toàn diện.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Tri Lễ (H. Quế Phong) đạt chuẩn bán trú vào năm 2013. Mỗi năm, trường có khoảng trên 700 HS, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú và Kinh theo học. Trong đó, có khoảng hơn 300 HS thuộc diện bán trú, ăn ở, sinh hoạt, học tập thường xuyên tại trường. Những năm trước, Trường PTDTBT THCS Tri Lễ là một trong những trường có tình trạng HS bỏ học cao nhất huyện, khoảng 40 em/năm. Năm 2012, trường bắt đầu tổ chức thực hiện mô hình bán trú. Từ đó, tỷ lệ HS bỏ học sau kì nghỉ hè, nghỉ Tết, bỏ học giữa chừng giảm xuống rõ rệt qua từng năm học, nay chỉ còn 5-7 em/năm.

Còn Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (H. Kỳ Sơn) có 424 HS, trong đó có 240 em thuộc diện bán trú chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thuộc 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập theo học. Địa phương này có người nghiện ma túy khá cao, có gia đình cả vợ và chồng đều bị nghiện hoặc vào tù vì phạm tội liên quan đến ma túy nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của con cái. Nhờ được học trong môi trường bán trú, được thầy cô quan tâm, các em không chỉ ổn định tâm lý để duy trì việc đến trường học chữ mà còn đảm bảo ăn đủ bữa, đủ chất ở trường. Trong năm học 2018-2019, trường chỉ có 1 HS bỏ học giữa chừng.

Chế độ ăn uống của HS bán trú ở đây được đảm bảo vệ sinh ATTP. Hầu hết là những thực phẩm tươi sạch được lựa chọn cẩn thận và lấy từ khu tăng gia sản xuất của nhà trường. Đó là vườn rau sạch với đủ loại rau, như: Rau dền, rau cải, rau khoai, chuối... Ngoài ra, trường còn tổ chức làm chuồng nuôi lợn để chủ động thực phẩm sạch cho HS. "Chính nhờ sự đồng sức, đồng lòng của tập thể giáo viên và HS nhà trường nên gần như suốt năm học, nhà trường đều chủ động được nguồn rau xanh và thịt lợn sạch suốt cả năm học cho HS bán trú. Đặc biệt, đây còn nguồn quỹ để nhà trường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên những em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào các dịp lễ, Tết"- thầy giáo Hoàng Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm cho biết.

Cũng theo thầy Hoàng Văn Thưởng, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường cũng rất chú trọng việc bồi dưỡng nhân cách, kỹ năng lao động sản xuất cho HS. Việc hướng dẫn các em chăm sóc vườn rau, đàn lợn không chỉ góp phần đảm bảo thực phẩm sạch, mà còn là một biện pháp giúp các em quý trọng những sản phẩm mình và các bạn góp phần làm ra. Đặc biệt, nhiều em sau khi học hết bậc THCS, không có điều kiện học tập lên cao đã tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất tại địa phương rất hiệu quả.

Vườn rau xanh tốt của thầy trò Trường PTDTBT THCS Tri Lễ.

Nghệ An hiện có 36 trường học được công nhận đạt chuẩn bán trú. Ngoài ra, còn trên 100 trường có HS bán trú, tập trung chủ yếu ở 8 huyện miền núi phía Tây. Năm học 2018-2019, tỉnh Nghệ An có 20.061 HS được hưởng chế độ bán trú, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Kỳ Sơn 5.489 em; Tương Dương 3.272 em; Quế Phong 2.447 em... Mặc dù mô hình trường học bán trú đã và đang mang lại nhiều hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng dạy và học tại khu vực miền núi. Tuy nhiên, hiện tại nhiều trường học bán trú còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và cơ chế đối với giáo viên. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, học tập của HS. Thực tế, tại các trường bán trú có số lượng lớn HS tập trung ăn ở, sinh hoạt, học tập thì bên cạnh công tác chuyên môn, trách nhiệm của người thầy, người cô về việc đảm bảo chăm lo cho học trò về mọi mặt càng nặng nề.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho hàng trăm HS bán trú học tập và sinh hoạt, bên cạnh giáo viên phụ trách công tác bán trú thì hầu hết các nhà trường đều thành lập Tổ quản sinh do thầy, cô giáo thay nhau đảm nhận. Ngoài ra còn có các Tổ tự quản do HS phụ trách. Các trường cũng có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Công an xã, Đồn Biên phòng để đảm bảo ANTT, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất các tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu tác động tới các em HS...

DƯƠNG HÓA