Hiệu quả từ một mô hình ở đình làng An Khê

Thứ năm, 30/04/2015 00:24

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, đình làng An Khê (P.An Khê, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) có 4 tộc chính: Lê, Nguyễn, Phan, Văn và nhiều tộc khác như: Trần, Vĩ, Dương, Phạm. Nhằm đưa phong trào toàn dân BVANTQ phát triển một cách có chiều sâu và bền vững trong các tộc, họ thuộc đình làng An Khê, Đảng ủy, UBND phường đã xây dựng mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, không có con em vi phạm pháp luật thuộc đình làng An Khê”.

Trung tá Trần Đức Thanh, Phó Trưởng CAP An Khê cho hay: “Ngay khi có kế hoạch, CAP đã phối hợp với đại diện các tộc họ triển khai thành lập mô hình, xây dựng quy chế hoạt động; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để giúp Ban chỉ đạo (BCĐ) 138 có định hướng chỉ đạo sao cho có hiệu quả nhất”.

Ký cam kết tiếp tục xây dựng mô hình ngày càng hiệu quả hơn.

Ngay trong ngày ra mắt mô hình, địa phương đã lồng ghép tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân BVANTQ; CAP, UBMTTQ Việt Nam phường cùng với những người đứng đầu tộc họ tổ chức ký kết phối hợp trong công tác vận động, giáo dục những người trong tộc họ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để trở thành người hữu ích, đồng thời giữ gìn nề nếp gia phong và danh dự dòng tộc; giúp đỡ con cháu lầm lỗi trở thành công dân tốt, góp phần trong công tác giữ gìn ANTT, PCTP, đồng thời phân công giáo dục, quản lý 11 em chậm tiến.

CBCS CAP đã đóng góp lương mua tặng 4 xe đạp cho các cháu hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, UBMTTQ Việt Nam phường tặng 10 suất quà cho các hộ khó khăn khác. Ông Phan Tấn Sâu, đại diện cho các tộc họ đình làng An Khê nhìn nhận: “Dù mô hình chỉ mới ra đời trong một thời gian ngắn nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò trách nhiệm của những người đứng đầu các tộc họ được nâng cao, đảm bảo được tính hiệu quả trong việc dạy dỗ con cháu và sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau giữa các tộc họ trong đình làng. Đặc biệt là 100% con em không vi phạm pháp luật, không bỏ học hoặc có những vi phạm khác. Nhiều gia đình thuộc các tộc họ đã được UBND phường khen thưởng như gia đình các ông, bà: Phan Tấn Kiền (tổ 151), Nguyễn Thành Phát (tổ 166), Đặng Bốn (tổ 101), Phan Văn Được (tổ 48), Văn Viết Cồ (tổ 101), Trần Thị Phụng (tổ 166), Nguyễn Hữu, Văn Thị Khánh (tổ 165)...”.

Theo trung tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng CAP An Khê, đến nay, 11 em thanh thiếu niên chậm tiến được giao cho CAP, đoàn thể, tộc họ quản lý đều đã tiến bộ và 5 em đã được giới thiệu tạo việc làm ổn định. Trong đó, tộc họ và CAP giới thiệu và tạo điều kiện cho em Nguyễn Công Linh, trú tổ 177 và em Trần Gia Dân, trú tổ 170 đi làm công nhân và em Linh hiện tham gia vào lực lượng dân phòng tự quản của khu vực.

Qua gặp gỡ, trao đổi với nhiều bà con trong các tộc họ thuôc đình làng An Khê  ai cũng đều công nhận rằng, mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tạo được động lực để các bậc cha mẹ trở thành tấm gương sáng trong sinh hoạt hàng ngày để cho con cháu noi theo và có nhận thức đúng, hành động đúng, thiết thực trong định hướng cho tương lai, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo ANTT tại địa phương.

Phương Kiếm