Hình tượng Mẹ Nhu trong âm nhạc và thơ ca
Nhắc tới Mẹ Nhu, chắc hẳn nhiều người dân Đà Nẵng vẫn còn nhớ về chiến công của Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê và sự hy sinh oanh liệt của Mẹ cách đây 50 năm (26-12-1968 - 26-12-2018)... Từ sự hy sinh anh dũng của người mẹ dũng sĩ, nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng điêu khắc, thơ ca, âm nhạc... tái hiện sinh động hình ảnh Mẹ Nhu, cuộc đời của Mẹ, sự ra đi anh dũng của Mẹ và các dũng sĩ Thanh Khê Đà Nẵng cách đây 50 năm. Trong số những sáng tác về người Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, nổi bật và đi sâu vào lòng công chúng là các tác phẩm: tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê trên đường Điện Biên Phủ ở Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, Trường ca "Từ chiếc tao đời mẹ ru" với hơn 1.000 câu thơ lục bát của nhà thơ Đông Trình, tác phẩm âm nhạc "Mẹ quê hương" (Thơ: Đông Trình, nhạc: Minh Đức)...
Hoạt cảnh ca kịch về đề tài Mẹ Nhu được trình diễn dịp kỷ niệm 50 năm chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê. |
Nói về trường ca "Từ chiếc tao đời mẹ ru", nhà thơ Đông Trình, tác giả tập trường ca cho biết: tác phẩm trường ca "Từ chiếc tao đời mẹ ru" viết về Mẹ Nhu-Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê được thể hiện bằng trường ca với hơn 1.000 câu thơ lục bát và viết ròng rã hơn 1 năm trời (1986). Trước đó, hơn một năm trời, nhà thơ đã đạp xe đến nhà Mẹ ở Q.Thanh Khê, Đà Nẵng để tìm hiểu viết về người Mẹ Dũng sĩ này. Nhiều đêm ông lang thang dọc bờ biển Thanh Khê sát nhà Mẹ Nhu ở để mường tượng về cuộc đời của Mẹ cũng như trận chiến ác liệt lúc xảy ra giữa quân địch và các chiến sĩ, sự hy sinh anh dũng của Mẹ... để có thêm nguồn cảm xúc viết nên câu chuyện lịch sử bằng thơ. Mẹ Nhu trước khi thành liệt sĩ là một người ngư dân hiền lành sống ở vùng ven biển Thanh Khê Đà Nẵng. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Mẹ đào hầm bí mật ngay trong nhà mình để nuôi giấu cán bộ biệt động thành Đà Nẵng. Sáng 26-12-1968, địch ập vào bao vây nhà Mẹ Nhu, bắt loa kêu gọi các chiến sĩ biệt động ra đầu hàng. Chúng đánh, bắt anh Hai Long (con trai Mẹ Nhu) áp tải lên xe chở đi, tra tấn Mẹ dã man rồi bắn Mẹ ngay giữa sân nhà vì Mẹ không khai ra hầm bí mật giấu các chiến sĩ biệt động... Với hơn 1.000 câu thơ lục bát, trường ca "Từ chiếc tao đời mẹ ru" là câu chuyện lịch sử dài bằng thơ kể về Mẹ Nhu và sự hy sinh anh dũng của Mẹ trong trận chiến ác liệt tại nhà Mẹ ở Q.Thanh Khê.
Sau này nhạc sĩ Minh Đức chọn lọc một số câu thơ gần như hay và cô đọng nhất của tập trường ca dài "Từ chiếc tao đời mẹ ru" để phổ thành ca khúc "Mẹ quê hương". Bản nhạc phổ từ lời thơ với hình ảnh tuyệt đẹp về Mẹ Nhu như: "Con về thăm, ngôi nhà xưa. Mẹ ơi có phải Mẹ vừa ra đi. Lắng trong gió biển con nghe. Tiếng ngàn năm, Mẹ Thanh Khê thì thầm…Thành phố như một con sông, Mẹ Thanh Khê giọt nước trong đầu nguồn. Thành phố như một cánh buồm, bàn tay mẹ vẫy về phương mặt trời… Thành phố như một vành nôi. Lắng nghe từ chiếc tao đời mẹ ru".
Nhạc sĩ Minh Đức cho biết, đây là tác phẩm âm nhạc ông rất yêu thích và là tác phẩm âm nhạc thành công trong số những sáng tác của ông. Tác phẩm âm nhạc "Mẹ quê hương" (Thơ: Đông Trình; Nhạc: Minh Đức) với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, truyền cảm và giàu ý nghĩa đã đi vào lòng người nghe trong các buổi trình diễn âm nhạc quần chúng, các cuộc thi tiếng hát tại Đà Nẵng. Ca khúc vang lên khiến người nghe bồi hồi xúc động khi nhớ về người Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê và trận chiến ác liệt của 7 chiến sĩ Thanh Khê năm nào. Sự hy sinh anh dũng của Mẹ Nhu góp phần làm nên sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự độc lập tự do của đất nước ta hôm nay.
Bằng tài năng và lòng yêu kính Mẹ Nhu, người Mẹ kiên cường bất khuất và đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược, các văn nghệ sĩ TP Đà Nẵng đã sáng tạo nhiều tác phẩm hay, ngợi ca về Mẹ Nhu bất khuất, kiên cường với những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều tính ý nghĩa. Để khi những lời ca, tiếng hát về Mẹ Nhu cất lên, lòng chúng ta không khỏi tự hào, rung ngân xúc cảm và yêu kính về người Mẹ Dũng sĩ trên mảnh đất Đà Nẵng anh hùng.
ĐÔNG SƠN
Sáng 26-12, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Q.Thanh Khê long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê. Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Thanh Khê nhấn mạnh, lịch sử Đảng bộ Q.Thanh Khê ghi nhận trận đánh Mỹ, diệt ngụy trong lòng thành phố ngay giữa ban ngày của 7 Dũng sĩ Thanh Khê và sự hy sinh anh dũng của Mẹ Lê Thị Dãnh (Mẹ Nhu)-Mẹ Dũng sĩ là trận đánh huyền thoại, là biểu tượng cao quý về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hy sinh và lòng dũng cảm, can trường của người dân Thanh Khê. Bí thư Quận ủy Thanh Khê cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các đơn vị vũ trang nhân dân Đặc khu Quảng Đà, Biệt động thành Đà Nẵng và các đơn vị thuộc các địa phương bạn trong hợp đồng chiến đấu góp phần tạo nên chiến công vang dội, lẫy lừng cách đây 50 năm. Tại buổi lễ, BTC Lễ kỷ niệm đã trao giải cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử Đảng bộ Thanh Khê, Chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê; xem chương trình Kịch dân ca thể hiện trận đánh của 7 Dũng sĩ Thanh Khê và Chiến công của Mẹ Nhu. Sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN Q.Thanh Khê và 10 phường tổ chức lễ viếng, dâng hương, đặt vòng hoa tại Tượng đài Mẹ Dũng sĩ, Bia tưởng niệm Chiến thắng Yên Khê và Nhà lưu niệm Mẹ Nhu. PHƯƠNG KIẾM |