Họ đã sống một thời như thế! (Kỳ cuối: Tự hào một thời tuổi trẻ dấn thân)
Với họ, những năm tháng tuổi trẻ được góp mặt trong Đoàn Văn công quân giải phóng Trung Trung Bộ với những tháng ngày hành quân dưới mưa bom lửa đạn để biểu diễn phục vụ bộ đội ở chiến trường Trường Sơn, Khu V là những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình!
Ông Đào Xuân Huỳnh (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm ngày cùng nhau lên đường đi B... |
Đã 45 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ về thời trai trẻ, ông Đào Xuân Huỳnh cũng như những người bạn cùng lên đường đi B vào chiến trường Khu V không sao quên được những buổi biểu diễn giữa rừng già Trường Sơn nào đường 9 Nam Lào, Ba Tơ (Quảng Ngãi), Cấm Dơi, Đăk Tô... trong tiếng đạn pháo gầm trời. "Tiếng đàn, lời ca, tiếng hát, điệu múa, những vở kịch do Đoàn văn công của chúng tôi vang lên giữa chiến trường ác liệt nhất, động viên, khích lệ, hun đúc tinh thần cho CBCS trước khi vào trận đánh. Trong những năm tháng hành quân biểu diễn đó, có những đồng đội của chúng tôi đã ra đi mãi mãi không về", giọng ông Huỳnh chùng xuống.
Chung dòng tâm trạng đó, bà Liên bùi ngùi kể cho tôi nghe kỷ niệm mà mỗi lần nhớ đến, lòng bà lại quặn thắt: "Một lần, đoàn chúng tôi đi biểu diễn ở trạm thương binh bị bom xăng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, có đồng chí thương binh nặng bị lở loét gần hết người đề nghị văn công hát. Tôi nhớ, lúc đó ca sĩ Trà My hát bài "Người ơi người ở đừng về". Khi cô ấy vừa hát xong thì anh thương binh đó lịm dần rồi... ra đi. Ngồi đệm đàn gần vị trí đồng chí thương binh đó, tôi chứng kiến giây phút anh ấy ra đi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được ánh mắt của người thương binh ấy trước lúc ra đi...".
Có một chuyện nữa mà khi kể cho tôi nghe, những người đang sống ở xóm "văn công" vẫn còn rùng mình. Đó là lần đoàn hành diễn phục vụ bộ đội ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào thời điểm quân ta và quân địch đang đánh nhau. Mùi thuốc súng và mùi tử khí khét lẹt. Ban đầu, đoàn dự định mắc võng ngủ qua đêm trên ngọn đồi gần đến Ba Tơ, nhưng nghe báo có địch nên phải tiếp tục hành quân. "Đó là một đêm hành quân dài dằng dặc, chúng tôi lầm lũi bước đi giữa những xác người. Đến giờ kể lại vẫn còn sởn gai ốc. Trong lần hành quân đó, 5 chiến sĩ liên lạc dẫn đoàn đi hy sinh hết 3, còn lại 2...", bà Liên nghẹn ngào nhớ lại...
Với người lính, vũ khí là vật bất ly thân thì với những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, nhạc cụ, đồ biểu diễn, tống phổ, văn bản... là vật bất ly thân. "Mất cái gì thì có thể mất nhưng không được làm mất tổng phổ. Có lần, đoàn chúng tôi nhận lệnh lên đường biểu diễn phục vụ bộ đội. Theo quy định, giao liên đi trước dẫn đường. Khi đến ngã ba, họ sẽ để một khúc gỗ làm dấu cho người đi sau biết để rẽ hướng nào cho đúng. Đồng chí Cường vì mang vác quân trang, đồ biểu diễn nên đi chậm, khi đến ngã ba thì không thấy khúc gỗ làm dấu đâu, thế là đi lạc vào rừng quế, đến 9 giờ đêm mới có mặt tại điểm tập kết. Vì chuyện này, đồng chí ấy bị kiểm điểm cả tuần. Vì chỉ huy yêu cầu đi hai tiếng mà đồng chí ấy đi 5 tiếng mới đến nơi", ông Huỳnh nhớ lại...
Ngồi lắng nghe họ hồi nhớ về một thời trai trẻ dấn thân cống hiến, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết, giữa chiến trường Khu V ác liệt, lực lượng của Đoàn Văn công Trung Trung Bộ ngày ấy rất mạnh, từ ca sĩ, diễn viên đến biên đạo, nhạc sĩ, nhạc công đều có đủ cả. Trong những tháng ngày hành quân đi biểu diễn phục vụ chiến trường khu V, ngoài những chương trình đã được dàn dựng, tập dượt ở miền Bắc, đoàn còn xây dựng các chương trình mới để phục vụ bộ đội, bà con vùng giải phóng. "Chúng tôi đi biểu diễn cả tháng, sau đó quay về hậu cứ dựng lán trại để tập chương trình mới. Có những vở diễn do đoàn sáng tác, dàn dựng và biểu diễn, bộ đội và bà con vùng giải phóng vỗ tay rần rần, cười "đến nghiêng ngả Trường Sơn". Lại có vở diễn, diễn viên đóng vai ác ôn diễn thật đến nỗi bà con, bộ đội tức giận đứng dậy hô đả đảo..., như vở kịch "Ba cha con", "Bà mẹ Gò Nổi". Ở chiến trường, sốt rét là chuyện thường ngày. Có thời điểm, đội nhạc có đồng chí sốt rét 40 độ, run cầm cập nhưng không có ai thay thế cũng phải trùm mền cầm đàn đệm nhạc cho đồng đội biểu diễn...", ông Huỳnh kể.
Ngày ấy, khi cùng nhau khoác ba lô lên đường tòng quân vào Đoàn Văn công quân giải phóng Trung Trung Bộ phục vụ bộ đội và đồng bào vùng giải phóng Khu V, họ mới mười tám, đôi mươi, giờ tóc ai cũng pha sương. Vậy mà, khi ngồi bên nhau hồi nhớ về chuyện xưa, họ vẫn thân thương, trìu mến xưng hô "mày tao, chi tớ" như thời trai trẻ. Với họ, những năm tháng được lao mình vào chiến trường Khu V ác liệt để biểu diễn phục vụ bộ đội là những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình. Ngồi giữa họ, lắng nghe họ hoài nhớ đầy tự hào về một thời tuổi trẻ dấn thân cống hiến, tôi tự hỏi: Không biết trên thế giới có quốc gia sử dụng thứ vũ khí để góp phần bảo vệ từng tấc đất, biển trời của Tổ quốc kỳ lạ và vô cùng đặc biệt như ở Việt Nam? Thứ vũ khí mà mỗi khi được cất lên đã góp phần tạo nên một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, lấn át mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược...?
Vĩ thanh
Tôi mang trong mình cảm giác ray rứt, mắc nợ khi đặt bút viết bài này. Bởi gặp họ từ sau đợt giãn cách xã hội dịch Covid-19 đợt 1, nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, mãi đến hôm nay tôi mới có tâm trạng để viết. Với bài viết này, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành đến họ và, tôi muốn nói với họ về suy nghĩ của riêng mình rằng, tuy không được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND, nhưng họ xứng đáng là những NSƯT, NSND trong lòng bộ đội Trường Sơn ngày ấy.
Ghi chép: Phan Thủy