Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân
(Cadn.com.vn) - Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của đồng chí Hồ Nghinh, hôm nay (25-2), Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Nhà xuất bản Đà Nẵng giới thiệu cuốn sách "Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân". Những mẩu chuyện, tư liệu mới do nhiều nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu viết về đồng chí Hồ Nghinh, giúp người đọc hình dung rõ hơn về một con người đã tận hiến cuộc đời cho đất nước.
Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hồ Nghinh gặp nhau |
Người chỉ huy dũng cảm
Đồng chí Hồ Nghinh tham gia cách mạng từ rất sớm và trở thành nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, phần lớn thời gian ông sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà, trở thành chỗ dựa, niềm tin cậy của đồng chí và nhân dân trong những thời điểm gian khó của cuộc chiến. Trong bài "Kỷ niệm nhỏ về một bài học lớn", ông Nguyễn Đình An kể lại câu chuyện một lần đưa đồng chí Hồ Nghinh ra Bắc chữa bệnh. Do trụ bám ở chiến trường nhiều năm, sức khỏe yếu nên cấp trên nhiều lần muốn đưa ông ra miền Bắc điều dưỡng nhưng ông tìm cách từ chối, tiếp tục trụ bám ở chiến trường. "Một hôm trên đường đưa đồng chí Hồ Nghinh ra Bắc chữa bệnh, khi cả đoàn dừng nghỉ ở một cánh rừng bên trục giao liên, ông hỏi anh em: "Mấy hôm nay khiêng mình đi trên đường các chú có thấy gì không?". Anh em ngơ ngác nhìn nhau không rõ câu hỏi của ông, thì ông nhỏ nhẹ: "Mấy hôm nay, trên đường rất đông đoàn đi vào toàn là chiến sĩ trẻ măng, có lẽ nhiều người đang đi học. Họ còn trẻ quá, cuộc sống tương lai đang chờ đón họ. Vậy mà họ hy sinh cả để vào đây cùng miền Nam. Với mình, cái mạng già này có gì đáng tiếc, các chú cho mình trở lại". Ông nói nhẹ nhưng dứt khoát như ra lệnh khiến anh em biết không thể cưỡng lại ý ông", ông Nguyễn Đình An nhớ lại. Sinh thời, đồng chí Năm Dừa- nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng từng kể: tình hình miền Nam trong những năm 1957-1959 vô cùng khó khăn, khi địch ra sức tố cộng, diệt cộng, đàn áp nhân dân bằng Luật 10/1959. Do đó, khi có Nghị quyết 15 của Trung ương đặt ra vấn đề vũ trang khởi nghĩa, giải phóng nông thôn, mọi người vô cùng phấn khởi. Lúc đó ông Hồ Nghinh nhận định: "Diệt ác, phá kềm, đánh đổ từng phần, giành thắng lợi từng bước theo vết dầu loang, theo làn sóng dậy. Đã lên ngựa là phải ra roi, đã lên lưng cọp là phải cưỡi mà không cho cọp vồ lại mình". Là người lãnh đạo cao nhất chiến trường Quảng Đà, đồng chí Hồ Nghinh luôn có mặt ở tuyến đầu, đồng cam cộng khổ cùng cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Ông đã có những quyết định chỉ đạo sắc bén, sát thực tế, phát huy sức mạnh sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến tranh thần thánh và giành thắng lợi cuối cùng.
Cuốn sách "Hồ Nghinh-Một đời vì nước, vì dân". |
Khát khao cái mới
Đọc cuốn sách Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân, người đọc còn thấy những bằng chứng về tư duy đổi mới của ông. Ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kể mẩu chuyện rất thú vị về ông Hồ Nghinh: "Có lúc đồng chí tâm sự với tôi: "tại các Hội nghị Trung ương, mình hay cãi, hay tranh luận về những vấn đề hóc búa, gai góc, nhưng cãi để bảo vệ cái đúng, bảo vệ sự thật, để tìm ra chân lý. Giờ giải lao có những đồng chí Trung ương nói vui ông là Hồ Ngang chứ không phải là Hồ Nghinh". Cái chất con người đất Quảng thẳng thắn, cương trực là vậy". Còn trong bài viết Sổ tay công tác của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh, cho người đọc thấy tư duy đổi mới của ông. Trong cuộc họp Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 15-12-1975, ông đã chỉ đạo nhiều ý kiến vô cùng mới mẻ: "Hiện nay, vấn đề lưu thông hàng hóa ở Sài Gòn làm rối quá. Hàng hóa nhân dân làm ra, khả năng ta mua đến đâu thì mua đến mức đó là cần thiết, số còn lại thì để cho tư sản tự do mua bán. Còn nếu chúng ta quản lý tất cả thì sẽ rối quá(…). Không phải miền Bắc làm như thế nào là miền Nam làm y như thế. Phát huy quyền làm chủ của quần chúng thì mới phát huy được mặt tích cực của quần chúng, nếu chúng ta làm như hiện nay thì quần chúng sinh ra tiêu cực, phải thực hiện dân chủ trên mọi mặt sản xuất và đời sống". Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí trong bài viết Mong có nhiều ông Hồ Nghinh hơn nữa cũng nhấn mạnh: "Vốn là người dị ứng với căn bệnh giáo điều, ông nghĩ không có một đòi hỏi nào mà không có lối ra. Chỉ cần thực sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi con dân Việt vốn nặng lòng với đất nước; mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được những nơi cần đến thì sẽ có đường ra. Từ đòi hỏi của thực tiễn, ông bàn với Tỉnh ủy ra Chỉ thị 03-TV ngày 12-2-1982 về việc sơ kết công tác khoán sản phẩm trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và Nghị quyết 03-TV ngày 10-3-1982 về việc tiếp tục cải tiến công tác phân phối lưu thông năm 1982 và những năm 1982-1985. Đây có thể là những chủ trương "đi trước", "xé rào" trong "đêm trước đổi mới" của đất nước, mà ông là người khởi xướng"...
Với nhiều tư liệu và câu chuyện hấp dẫn, cuốn sách Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân, đã cho người đọc hiểu về chân dung đồng chí Hồ Nghinh, một con người giản dị suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân.
Hoàng Anh