“Hồ sơ Paradise” và những bí mật về thiên đường trốn thuế

Thứ ba, 07/11/2017 10:23

Kho tài liệu khổng lồ bị rò rỉ mới nhất cho thấy, giới giàu có và siêu giàu, bao gồm cả Cty bất động sản tư nhân của Hoàng gia Anh, đã bí mật đầu tư một lượng lớn tiền mặt vào các khu vực trốn thuế ở nước ngoài.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng bị nêu tên trong “Hồ sơ Paradise” này.   Ảnh: Getty Images

Cộng đồng thế giới ngày 6-11 lại được một phen rúng động khi những bí mật về cách giấu tiền của giới siêu giàu được các nhà báo điều tra quốc tế phanh phui trong “Hồ sơ Paradise”– chỉ một năm sau vụ rò rỉ thông tin cho báo chí lớn nhất trong lịch sử: “Hồ sơ Panama”.

Theo Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), hơn 280 nhà báo từ gần 100 cơ quan truyền thông tham gia vào việc công khai hơn 13,4 triệu tài liệu trong “Hồ sơ Paradise”. BBC Panorama, Suddeutsche Zeitung, Guardian và New York Times… nằm trong nhóm đầu não của chiến dịch điều tra quy mô lớn lần này. ICIJ cho biết sẽ công bố thêm các tài liệu liên quan đến vấn đề này trong những ngày tới.

Động thái lần này sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, chịu áp lực rất lớn trong nỗ lực giải quyết bài toán nan giải này. Bởi lẽ, cả ông Trump và bà May từng cam kết sẽ có những chính sách chặn đứng tình trạng trốn thuế của giới siêu giàu, mang tiền về cho đất nước.

Thiên đường trốn thuế của hơn 120 chính trị gia

Tương tự như vụ “Hồ sơ Panama” bị phanh phui hồi năm ngoái, “Hồ sơ Paradise” chỉ ra “thiên đường thuế” giúp những người giàu có giấu tiền.

Hồ sơ trên tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính trị gia, tài phiệt thế giới, trong đó có hàng loạt nhân vật, tổ chức có thế lực. Ông Wilbur Ross - Bộ trưởng thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump - được cho là có cổ phần trong một Cty của Nga vốn nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ - cũng có tên trong danh sách này. Tỷ phú người Nga Yuri Milner, nhà đầu tư lớn của twitter và facebook, cũng có mặt. “Hồ sơ Paradise” cũng cho thấy cách thức hai mạng xã hội twitter và facebook nhận về hàng trăm triệu USD ở dạng các khoản đầu tư từ các tổ chức tài chính nhà nước của Nga. Theo hồ sơ, Ngân hàng Nga VTB chuyển 191 triệu USD vào quỹ đầu tư của ông Milner và số tiền này là để mua cổ phiếu của twitter năm 2011.

Trong “Hồ sơ Paradise” còn có tên một số Cty đa quốc gia như Nike, Apple… Và đặc biệt, “Hồ sơ Paradise” còn điểm mặt cả Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Nữ hoàng Anh liên quan như thế nào?

Các tài liệu cho thấy, khoảng 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) tiền tư nhân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã được đầu tư ra nước ngoài.

Cụ thể hơn, số tiền này được đầu tư vào một quỹ ở đảo Cayman Islands, và động thái này chưa từng được công bố. Khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đứng sau vụ việc này. Một phần tiền của bà cũng được đầu tư cho một doanh nghiệp bán lẻ bị cáo buộc bóc lột các gia đình nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương. Một người phát ngôn của điền trang Duchy of Lancaster bác bỏ việc này và khẳng định tất cả các khoản đầu tư của họ đều được kiểm toán đầy đủ và hợp pháp.

Việc đầu tư như thế này không có gì là bất hợp pháp và cũng không có dấu hiệu cho thấy Nữ hoàng Anh sẽ trốn thuế, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Hoàng gia có nên đầu tư ra nước ngoài hay không.

Khó khăn cho Tổng thống Trump và Bộ trưởng Ross?

Ông Wilbur Ross là người đã giúp ông Donald Trump trong thời kỳ vị tổng thống Mỹ bị phá sản vào những năm 1990 và được “đền đáp” khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền hiện nay.

Các tài liệu tiết lộ ông Ross, một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings. Và điều quan trọng, Navigator Holdings có quan hệ đối tác làm ăn với tập đoàn năng lượng Sibur của Nga, tập đoàn có cổ đông lớn là con rể của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Kirill Shamalov và bạn của Tổng thống Putin là Gennady Timchenko. Đây là hai nhân vật nằm trong danh sách cấm vận của Washington. Điều này lại đặt ra câu hỏi về mối liên hệ của Nga với đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump, trong bối cảnh vụ việc đang nằm trong vòng điều tra mở rộng ở Mỹ.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ bác bỏ những thông tin này, khẳng định, ông Ross “không liên quan đến các quyết định làm ăn với Sibur và Navigator Holdings”. Nhà Trắng chưa có tuyên bố gì vụ việc này.

KHẢ ANH

 “Hồ sơ Paradise” chứa 13,4 triệu tài liệu, chủ yếu của một Cty hàng đầu

trong lĩnh vực tài chính ở nước ngoài, có tên gọi là Appleby. Appleby là một nhà cung cấp dịch vụ pháp lý có trụ sở ở Bermuda, chuyên giúp khách hàng thành lập ở các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài với mức thuế thấp hoặc không chịu thuế. Tuy nhiên, Appleby nói rằng, “không có bằng chứng về bất kỳ hành động sai trái nào của chúng tôi hoặc khách hàng của chúng tôi” và nhấn mạnh: “Chúng tôi không dung thứ cho các hành vi bất hợp pháp nào”.