Hồ Thấu- nhà thơ, người trí thức cách mạng

Thứ hai, 30/07/2018 11:16

Là nhan đề cuốn sách giới thiệu tại Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà giáo, thi sĩ Hồ Thấu (1918-2018) do UBMTTQVN TP Đà Nẵng phối hợp Liên hiệp các Hội VHNT và Trường Chính trị TP tổ chức chiều 28-7. Thi sĩ Hồ Thấu sinh năm 1918 tại làng Trung Thái, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên (Quảng Nam), trong một gia đình Nho học, con trai thứ 8 của cụ Hồ Hoàng, em trai ông Hồ Nghinh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh QN-ĐN).

Ra mắt cuốn sách "Hồ Thấu- Nhà thơ, người trí thức cách mạng" (Nhà Xuất bản Đà Nẵng).

Dù sống cuộc đời ngắn ngủi, mất khi mới 31 tuổi (1949) nhưng Hồ Thấu đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt của một nhà trí thức cách mạng, một nhà giáo dục yêu nước và một nhà thơ tài hoa. Tập sách gồm 3 phần, trong đó 2 phần là tập hợp một số bài viết của các nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ, người thân viết về thân thế, sự nghiệp của nhà giáo, thi sĩ tài hoa Hồ Thấu. Phần 3 gồm 10 bài thơ của thi sĩ.

Được biết, thời còn học tại trường Quốc học Huế, ông nổi tiếng là một người học giỏi, tài hoa cả về thơ, văn, nhạc họa. Theo ông Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban đối ngoại Trung ương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội) - em trai thi sĩ Hồ Thấu: "Trong 4 người anh của tôi học ở trường Quốc học Huế, anh Hồ Thấu không phải là người học giỏi nhất, nhưng là người có tài năng nhất". Ông học cùng khóa với nhà thơ Tố Hữu và sau nhà thơ Huy Cận. Học xong Tú tài 1 ở Trường Quốc học Huế, nhân một trận đánh bốc, ông bị bứt gân ở cổ nên ảnh hưởng đến ngực, phổi đành phải dở dang con đường học vấn để về quê dưỡng bệnh. Tại quê nhà, năm 1940, ông cùng anh trai Hồ Nghinh và một số người cùng làng lập trường tiểu học Tân Tân ở Duy Trinh dạy học theo khuynh hướng yêu nước. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, Hồ Thấu bước hẳn vào con đường chính trị, sau đó được phân công giữ chức Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam.

Sinh thời, nhà giáo, thi sĩ, nhà CM Hồ Thấu có những câu thơ bất hủ nhắn gửi cuộc đời: "Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua", mà trong bài "Hồ Thấu-nhà giáo dục", thạc sĩ Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP) có viết: "Đặc biệt với nhãn quan nhìn xa trông rộng của một trí thức trẻ/một nhà giáo dục, Hồ Thấu còn đi trước thời đại khi sớm cảnh báo về nguy cơ lãng quên quá khứ qua những câu thơ đi cùng năm tháng trong tác phẩm Gửi Phạm Văn Kỳ- được xem là bản "di chúc tinh thần" theo cách nói GS Nguyễn Văn Hạnh... Lãng quên quá khứ trong tư duy nghệ thuật Hồ Thấu chắc không chỉ là chuyện không nhớ/ không biết dưới đáy sông còn đó bạn tôi nằm khi xuôi dòng Thạch Hãn (Lời gọi bên sông- thơ Lê Bá Dương)"...

Hy vọng cuốn sách "Hồ Thấu-nhà thơ, người trí thức cách mạng" sẽ giúp bạn đọc càng hiểu, trân quý hơn về một nhà giáo, thi sĩ tài hoa này!

P.Thủy

* Sáng 28-7, Trường THCS Hồ Nghinh (P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu) phối hợp với gia đình cụ Hồ Nghinh (1913-2007) tổ chức Lễ khánh thành tượng đài nhà trí thức cách mạng Hồ Nghinh. Đây là công trình mang ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ và là biểu tượng văn hóa của Trường THCS Hồ Nghinh, ngôi trường mang tên người con ưu tú của xứ Quảng-một nhà tri thức cách mạng, kiên trung trong đấu tranh, đổi mới trong tư duy xây dựng đất nước. Toàn bộ kinh phí xây dựng tượng đài do gia đình cụ Hồ Nghinh tài trợ và tượng đài được Nhà điêu khắc, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Long Bửu thực hiện.

A.T