Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải đúng và trúng nhu cầu

Thứ sáu, 13/07/2018 16:00

Trên 97% trong số gần 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong các DN này, việc bố trí nhân sự chuyên trách hoặc sử dụng dịch vụ về hỗ trợ pháp lý (HTPL) chuyên nghiệp còn ít, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn của Nhà nước. Trong khi đó, sau 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN cũng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, cần bổ sung thay đổi...

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP Đà Nẵng (bên phải) ký kết biên bản ghi nhớ về việc HTPL cho DNNVV trên địa bàn.

"Cú hích" trong HTPL cho doanh nghiệp

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến năm 2017, hầu hết các bộ và cơ quan ngang bộ đã ban hành các kế hoạch, chương trình và thực hiện nhiệm vụ triển khai công tác HTPL cho DN trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý. Đến cuối tháng 10-2017, 100% các bộ, ngành đã xây dựng và khai thác trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục thông tin pháp luật hoặc cung cấp văn bản pháp luật trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và góp ý đối với dự thảo văn bản.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành, tích cực triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, tiêu biểu như: TP Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang...  Tại Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã có Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Nghị định số 66 và Chương trình của Chủ tịch UBND TP về triển khai HTPL cho DN trên địa bàn.  Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cũng xây dựng và triển khai đề tài nghiên cứu cơ chế HTPL cho DN. Sở này cũng đã xây dựng và phát hành 2.000 cuốn cẩm nang tập hợp các chính sách đầu tư, kinh doanh của TP để cung cấp miễn phí cho các DN.

Tại nhiều địa phương, công tác HTPL cho DNNVV luôn được quan tâm, thể hiện bằng những việc làm cụ thể bằng các mô hình. Đơn cử như vào tháng 11-2014, UBND tỉnh Hậu Giang đã ra mắt Trung tâm dịch vụ và HTPL cho DN thuộc Sở Tư pháp. Tại TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng... cũng ra mắt mô hình "cà-phê doanh nhân", "cà-phê doanh nghiệp thứ 7". Tại tỉnh Bắc Ninh có mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp". Đây là những mô hình sáng tạo nhằm thực hiện chủ trương hỗ trợ DN, Chính phủ đổi mới, sáng tạo, giúp chẩn đoán "bệnh" pháp lý để "chữa" cho DN. Hiện mô hình này cũng được nhiều tỉnh, thành phố khác nghiên cứu, áp dụng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tham vấn, tiếp nhận các ý kiến của DN để hoàn thiện pháp luật, tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, đối thoại về chuyên đề pháp luật kinh doanh...

Theo đánh giá của Bộ Tư Pháp, việc các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP cùng vào cuộc thực hiện Nghị định 66 đã tạo một "cú hích" trong công tác HTPL cho DN, tạo khung pháp lý ban đầu cho hoạt động HTPL cho DN ở các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho DN.

Trợ giúp phải đúng và trúng

Tuy nhiên, việc bố trí nhân sự triển khai công tác pháp luật nói chung và công tác HTPL cho DN tại các DN hiện có đến 56% nhân sự thực hiện công việc theo chế độ kiêm nhiệm, chỉ 44% còn lại là chuyên trách. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Bộ Tư pháp có 51% cơ quan được khảo sát có bố trí kinh phí thực hiện công tác HTPL cho DN, 49% cơ quan còn lại không bố trí nên việc HTPL cho các DN cũng gặp một số khó khăn.

Trong khi đó, để chủ động tìm kiếm được các văn bản luật, văn pháp pháp lý liên quan đến hoạt động của mình, các DN phải tự đi tìm, sử dụng văn bản, thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, DN thường tiếp cận thông tin liên quan đến pháp luật đa số qua cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành các trang thông tin, cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của DN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Gần 60% DN được hỏi thông qua phiếu khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp có ý kiến về việc khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến các biểu mẫu, thủ tục hành chính cho DN, gần 70% DN có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và gần 80% DN có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến kế hoạch và quy hoạch. Kết quả khảo sát này cho thấy, có hơn 56% DN quan tâm đến vấn đề hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý hơn 42% DN cần hỗ trợ về thủ tục thuế, kế toán; 43% DN có nhu cầu hỗ trợ về tiếp cận tín dụng... Vì vậy, điều cần thiết là phải làm sao để hỗ trợ đúng và trúng nhu cầu của DN để góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú- Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự- Kinh tế (Bộ Tư pháp), việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 66 sẽ theo hướng chỉ tập trung hỗ trợ DNNVV. Các hoạt động HTPL cho DN được thực hiện xuyên suốt theo 7 nội dung của Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017, hỗ trợ pháp lý cho DN trong việc tiếp cận tín dụng, đất đai, vốn... Ngoài ra, cần nghiên cứu, sửa đổi Thông tư liên tịch số 157/2010 của Bộ Tài chính- Bộ Tư pháp trong vấn đề tài chính, phù hợp với thực tiễn các hoạt động. "Việc sửa đổi các văn bản trên nhằm mục đích hoàn thiện cơ chế triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động HTPL cho DN, đúng và trúng nhu cầu hỗ trợ của DN, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với DNNVV"-ông Tú nhấn mạnh.

NGUYỄN TUẤN