Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Bước đi mới, tạo sự đột phá trong giải quyết án dân sự, hành chính
Hòa giải, đối thoại trong tố tụng dân sự (DS), tố tụng hành chính (HC) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án (TA)... TAND TP Đà Nẵng đã triển khai thí điểm về hòa giải, đối thoại (HG, ĐT) đối với các tranh chấp DS, khiếu kiện HC tại TAND TP và 5 TA quận bằng việc ra mắt các "Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TA". Để giúp người dân hiểu rõ hơn về trung tâm này, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với ông Trần Đình Quảng- Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TATP...
Ông Trần Đình Quảng- Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Đà Nẵng. |
PV: Ông có thể cho biết sự cần thiết tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính? Mục đích của việc ra mắt trung tâm là gì?
Ông Trần Đình Quảng: Trong những năm qua, các tranh chấp DS, khiếu kiện HC tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh; thẩm quyền của TA được mở rộng làm cho số lượng các vụ án mà TA phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều trong bối cảnh số lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu... Trong bối cảnh trên, HG, ĐT trong tố tụng DS, tố tụng HC ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết các vụ án tại TA, là phương thức hiệu quả để bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. HG thành, ĐT thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Đồng thời, HG góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định, trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Mục đích Trung tâm đặt ra đó là đổi mới, nâng cao nhận thức của Thẩm phán, cán bộ công chức TA về giá trị và ý nghĩa của HG, ĐT trong giải quyết các tranh chấp DS, khiếu kiện HC; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác HG, ĐT tại TA; tiếp cận, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng HG đã được áp dụng thành công tại một số quốc gia trên thế giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HG, ĐT, góp phần giảm áp lực công việc trong TA nhân dân 2 cấp TP.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án?
Ông Trần Đình Quảng: Được sự thống nhất về chủ trương của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét thông qua Đề án triển khai thực hiện thí điểm do TAND TP xây dựng. Theo đó sẽ thành lập 6 Trung tâm, bao gồm tại TAND TP và 5 TA quận. Thời gian thực hiện thí điểm là 6 tháng kể từ ngày 1-11-2018. Ngày 16-10-2018 Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tại TP do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố làm Trưởng Ban; Ban chỉ đạo còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo HĐND, UBND TP đại diện lãnh đạo Ban Nội chính, Ban Dân vận Thành ủy; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan. TAND TP là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Ngày 22-10-2018 Chánh án TAND TP ban hành Quyết định số 480/QĐ- TA thành lập Trung tâm tại TAND TP và 5 Trung tâm tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ với tổng cộng 36 Hòa giải viên, Đối thoại viên (HGV, ĐTV). Đây là những người được lựa chọn từ những Thẩm phán đã về hưu; những người đã từng là Kiểm sát viên, Điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan TA, VKS, CA, THA, các cơ quan Đảng và Nhà nước thuộc khối nội chính; luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân hoặc những người khác có kiến thức pháp luật, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, kinh nghiệm trong HG, ĐT, có uy tín trong cộng đồng. Tại TAND TP giám đốc Trung tâm là Phó Chánh án TATP; tại TA quận do Chánh án TA quận làm giám đốc Trung tâm. Phó giám đốc Trung tâm là Thẩm phán, Chánh Văn phòng của TA thực hiện thí điểm. HGV, ĐTV được hưởng thù lao khi thực hiện hoạt động HG, ĐT.
Trung tâm có nhiệm vụ: hòa giải các tranh chấp DS, kinh doanh, thương mại, lao động; vụ việc hôn nhân và gia đình, ĐT các khiếu kiện HC trước khi TA thụ lý, giải quyết trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật Tố tụng HC không được HG, ĐT hoặc không tiến hành HG, ĐT được. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày được phân công HGV, ĐTV phải tiến hành HG, ĐT. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc theo yêu cầu chính đáng của các bên, HGV, ĐTV có thể kéo dài việc tiến hành HG, ĐT nhưng không quá 10 ngày. Thời hạn HG, ĐT là 30 ngày, trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng.
Đương sự có thể gửi đơn trực tiếp đến trung tâm yêu cầu HG, ĐT hoặc TA sau khi nhận đơn khởi kiện sẽ chuyển đến trung tâm để tiến hành HG, ĐT. Phòng làm việc của Trung tâm HG, ĐT được đặt tại TAND nơi thực hiện thí điểm. Thông tin HG được giữ bí mật. Kết quả HG sẽ được TA công nhận kết quả HG thành theo thủ tục việc dân sự, công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn khi có yêu cầu và quyết định này có hiệu lực bắt buộc đối với các bên như các vụ việc được TA hòa giải, xét xử tại TA; trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện; nhận lại và xem xét thụ lý vụ án khi HG, ĐT không thành. Đương sự không phải nộp khoản chi phí nào cho việc HG, ĐT tại trung tâm.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc thực hiện thí điểm đến hoạt động của tòa án, công tác cải cách tư pháp nói chung?
Ông Trần Đình Quảng: Việc thành lập các trung tâm là phương thức giải quyết tranh chấp mới, có tính sáng tạo được TAND Tối cao nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm dựa trên thực tiễn tình hình giải quyết tranh chấp DS, khiếu kiện HC trong nước, kinh nghiệm áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới. Qua đó giảm tải đáng kể công việc của TA, giảm chi phí của Nhà nước cho hoạt động của TA, chi phí THA DS...
Đến nay, việc bố trí phòng làm việc, cán bộ chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của trung tâm đã hoàn chỉnh, các trung tâm đã đi vào hoạt động từ ngày 1-11-2018. Với Đề án về đổi mới, tăng cường HG, ĐT tại TA thông qua hoạt động của các Trung tâm sẽ tạo điểm sáng trong giải quyết các tranh chấp DS, khiếu kiện HC hiện nay, tạo nên bước đột phá trong công tác cải cách tư pháp, bổ sung cơ chế HG mới, bên cạnh HG, ĐT trong tố tụng và các loại hình HG ngoài TA hiện nay. Kết quả mở rộng thực hiện thí điểm lần này còn có ý nghĩa củng cố cơ sở thực tiễn đối với Dự án Luật HG, ĐT tại TA mà TAND tối cao đã xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TRANG TRẦN (Thực hiện)