Hóa giải thách thức trong phát triển nhiệt điện than
Trước làn sóng về đầu tư năng lượng tái tạo, nhiều ý kiến trái chiều đang có hướng "tẩy chay" nhiệt điện than. Điều này đã và đang đặt thêm nhiều thách thức cho phát triển nhiệt điện than, đặc biệt trong bối cảnh đây vẫn là nguồn chính trong đảm bảo cung cấp năng lượng điện thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam có gần 30 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, chủ yếu ở phía Bắc. Trong Nam mới có Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, tổ máy 1 của Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 1 và 3.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại H. Tuy Phong, Bình Thuận. |
Giữ vai trò chính đến năm 2030
Hiện nay, các nguồn điện tham gia vào hệ thống điện quốc gia bao gồm: Thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, biomas).
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Đến năm 2020, nhiệt điện than với quy mô 25.620MW, chiếm 42,7% công suất, cấp 130,2 tỷ kWh, chiếm 49,3% điện năng toàn hệ thống. Năm 2030, nhiệt điện than có tổng công suất 53.890MW, chiếm 42,6% tổng công suất, cấp 304,3 tỷ kWh, chiếm 53,2% điện năng toàn hệ thống. Công suất nhiệt điện than năm 2030 so với năm 2020 cơ bản không thay đổi tỷ lệ % công suất 42,7% (2020) so với 42,6% (2030), nhưng điện năng cung cấp tăng 10,6%. Trên cơ sở phân tích tỷ trọng các dạng nguồn năng lượng điện trong Quy hoạch điện VII, có thể khẳng định nhiệt điện than hiện tại và trong thời gian đến năm 2030 vẫn giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng điện cho hệ thống điện toàn quốc.
Tuy khẳng định vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng điện, song thực tế phát triển các dự án (DA) nhiệt điện than đã và đang đối mặt khá nhiều khó khăn, thách thức, điển hình là vấn đề môi trường. TKV nêu rõ: Hiện đang có một số quan điểm cho rằng các nhà máy nhiệt điện đốt than là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư xung quanh nhà máy. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ngày càng gặp khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của địa phương, người dân nơi dự kiến xây dựng nhà máy.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá: Đảm bảo môi trường là điều Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm trước hết. "Nhiệt điện than có gây ô nhiễm không? Nếu không xử lý, không có giải pháp thì có ô nhiễm. Khi lập các DA đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các giải pháp xử lý tro xỉ, khí thải, chất lỏng..., phải tuân thủ quy chuẩn về môi trường mới được phê duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành, chủ đầu tư luôn phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Chúng ta có giải pháp, làm chủ công nghệ, xử lý nó thì sẽ không còn gây tác hại đến môi trường, con người, sinh vật. Nếu cho rằng, cứ phát thải là nguy hiểm, sẽ hơi cực đoan đối với nhiệt điện" - ông Lực nói.
Chọn lọc trong phê duyệt dự án
Ngoài vấn đề môi trường, đại diện TKV thông tin thêm: Các DA nhiệt điện than có quy mô công suất lớn hiện gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là kể từ khi Chính phủ có chủ trương không cấp bảo lãnh nguồn vốn vay cho các DA điện. Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, việc đầu tư các bãi chứa tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than với sức chứa tối đa 2 năm. Vì vậy, việc xử lý tro, xỉ, thạch cao thải ra là thách thức rất lớn đối với các DA nhiệt điện than... TKV kiến nghị Chính phủ cần có chính sách bảo lãnh nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các DA nhiệt điện than có quy mô công suất lớn để triển khai các DA này đảm bảo tính hiệu quả, khả thi; hoàn thiện và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than cũng như tính toán chi phí vào giá điện...
Xung quanh câu chuyện phát triển nhiệt điện than, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Dù đang cố gắng trong cơ cấu nguồn điện, song từ nay đến năm 2030, Việt Nam vẫn phải sử dụng điện than khoảng 40% bởi chưa có nguồn thay thế. Giải pháp xử lý những hậu quả từ điện than là phải tập trung thay đổi công nghệ và cung cách quản lý. "Tăng điện than trong thời gian tới là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam phải nỗ lực để làm sao việc tăng điện than chậm lại và ít dần đi", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Góp thêm quan điểm vào vấn đề phát triển nhiệt điện than, ông Lê Văn Lực cho hay: Với nhiệt điện than, ngay tại Việt Nam hiện nay, nhiều nhà máy trong thành phố vẫn đang vận hành bình thường, điển hình như các nhà máy nhiệt điện tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Cao Ngạn (Thái Nguyên). Vấn đề đảm bảo môi trường, xử lý phát thải tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường. Thậm chí, nếu nhà máy được trồng cây, đầu tư xây dựng cảnh quan sẽ không khác gì những công viên, hay các khu resort. "Thời gian tới, việc duyệt DA đầu tư phải hết sức chọn lọc. Từ công nghệ nhà máy chính đến các giải pháp công nghệ, thiết bị xử lý môi trường đối với tro xỉ, khói thải và nước thải đều phải được kiểm soát, giám sát (online) chặt chẽ. Nếu chúng ta làm chủ và lựa chọn được công nghệ phù hợp thì vấn đề môi trường không đáng lo ngại. Đặc biệt hiện nay, các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đảm bảo môi trường đã được ban hành đầy đủ, công nghệ hiện đại và ý thức của nhà đầu tư cũng tốt hơn rất nhiều" - ông Lực nói.
Theo H.Q