Hòa giải thành đoàn tụ trong án hôn nhân gia đình: Khi thẩm phán trở thành người "se duyên"

Thứ sáu, 20/01/2017 10:05

(Cadn.com.vn) - Hòa giải trong ly hôn được thực hiện với mong muốn giúp hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực của sự chia ly. Song việc hòa giải trên thực tế là một chặng đường không dễ, bởi những rào cản xuất phát từ cả pháp luật và thực tiễn. Do đó, thẩm phán đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hòa giải và để đạt được kết quả, họ đóng vai trò là người "se duyên".

Công tác hòa giải được hiểu là một quá trình mà trong đó thẩm phán đứng ra giúp hai bên tranh chấp ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề của các bên. Lúc này, cán bộ đóng vai trò trung gian, hoàn toàn độc lập với hai bên và tìm cách đưa các bên tranh chấp tới những điểm mà họ có thể thỏa thuận được. Chính vì vậy, có không ít câu chuyện vui buồn khi thẩm phán thực hiện công tác hòa giải sau khi thụ lý đơn.

Chị Lương Thị Anh, Thẩm phán TAND Q. Sơn Trà (Đà Nẵng), chia sẻ:  Công tác hòa giải có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp các bên thấu hiểu lẫn nhau, giữ gìn uy tín, danh dự của nhau, chấm dứt tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn hoặc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng. Chính vì vậy, trong quy định pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình đều đặt ra vấn đề hòa giải trong giải quyết các tranh chấp. Việc hòa giải trước khi xét xử có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tính trách nhiệm cao của những người có thẩm quyền xét xử. Tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội chia sẻ, trình bày trước những người có quyền ra quyết định việc ly hôn của hai người. Có không ít cặp vợ chồng khi gửi đơn ra tòa đều cho rằng thủ tục này rườm rà, mất thời gian không cần thiết. Bởi họ suy nghĩ, khi đã không thể cứu vãn mối quan hệ vợ chồng mới tính đến con đường cuối cùng đem đơn ra tòa để "giải thoát" cho nhau. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng chính nhờ thủ tục "rườm rà, thừa thãi" này mà có nhiều gia đình đã được đoàn tụ.

Thẩm phán Anh chia sẻ câu chuyện mà chị đã hòa giải đoàn tụ cách đây không lâu. Trường hợp mà chị giải quyết là 2 vợ chồng ở tuổi trung niên đã ly thân 10 năm. Tuy nhiên, khi người vợ đưa đơn yêu cầu ly hôn thì ông chồng lại không muốn. Ông cho rằng bản thân vẫn yêu thương bà, vẫn muốn vợ chồng đoàn tụ để con cái có một gia đình hoàn chỉnh. Để "gỡ rối", thẩm phán Anh đã mời từng người lên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng bên. Lấy ý kiến bên này để dò hỏi ý kiến bên kia từ đó phân tích ai đúng ai sai, nguồn gốc của việc không có tiếng nói chung là ở đâu. Cũng phải năm lần bảy lượt mời bên này bên kia lên trao đổi, cuối cùng khi thấy cần có một cuộc gặp mặt hai bên, chị bắt đầu mời cả vợ và chồng, và từ buổi gặp "ba mặt một lời" này, mối quan hệ vợ chồng tưởng chừng như chấm dứt hoàn toàn, vậy nhưng khi được tháo gỡ nút thắt họ đã quay về bên nhau, gia đình đoàn tụ sau 10 năm ly thân.

Một vụ án đề nghị công nhận ly hôn khác ở Q. Hải Châu (Đà Nẵng) được thẩm phán hòa giải đoàn tụ, đó là một cặp vợ chồng còn rất trẻ, mới kết hôn được 1 năm. Vì nghi ngờ vợ có quan hệ "ngoài luồng" nên người chồng thường hay gây sự. Đặc biệt thấy thái độ vợ nghe điện thoại, nhắn tin bí mật nên người chồng yêu cầu vợ phải làm rõ mối quan hệ này. Người vợ chẳng những không khai mà còn đâm đơn ra tòa đòi ly hôn. Người chồng vì thương con nhỏ và đặc biệt còn yêu vợ nên không muốn ly hôn, qua những lần trao đổi với thẩm phán, đã bày tỏ nguyện vọng của mình. Nắm bắt được nguyên nhân cũng như nguyện vọng của bị đơn, thẩm phán đã phân tích để người vợ hiểu được mình cũng có một phần lỗi. Đặc biệt sau khi ly hôn, hệ lụy đằng sau nó không hề đơn giản như những gì mà người vợ đang nhìn thấy. Sau khi hiểu ra vấn đề, hai vợ chồng lại quay về bên nhau, người vợ cẩn trọng hơn với những mối quan hệ ngoài xã hội, còn người chồng tiết chế hơn trong cách đối xử với vợ, vậy là hạnh phúc lại quay về.

Có thể nói, trong giải quyết hôn nhân và gia đình việc hòa giải để vợ chồng đoàn tụ có ý nghĩa sâu sắc và là vấn đề cốt lõi, mục đích chủ yếu mà Luật Hôn nhân và gia đình hướng tới. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung này nên khi giải quyết án, Thẩm phán luôn quan tâm và chú ý khai thác các khía cạnh mâu thuẫn, để giải quyết thành công nhằm tạo điều kiện để vợ chồng không còn xung đột gay gắt và họ quay về bên nhau.

Trang Trần