Hòa nhịp cùng Tết Mậu Thân (Bài 1: Đưa mục tiêu vào tầm ngắm)
Đã 50 năm trôi qua, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn in đậm trong ký ức của rất nhiều thế hệ, nhất là những người từng trực tiếp tham gia. Ông Phạm Xuân Sanh, Đội trưởng Đội 170 đặc công nước Quảng Đà-là một trong những chiến sĩ tham gia cuộc chiến Tết Mậu Thân huyền thoại...
"Thủ lĩnh" đặc công nước 170 Quảng Đà Phạm Xuân Sanh và đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà. |
Tết Mậu Thân 1968 cũng là thời điểm sau hai năm Đội 3 (năm 1970 đổi tên thành Đội 170) đặc công nước Hải quân chi viện cho mặt trận 44 Quảng Đà. Họ là tập hợp những người con ưu tú, giỏi bơi lội, am tường thủy bộ và được tuyển chọn từ nhiều miền quê ven biển như Quảng Bình, Hà Tĩnh đến các tỉnh bắc bộ. Sau thời gian huấn luyện tại Hải Phòng, tháng 10-1966, họ lên đường vào mặt trận. Ông Sanh lúc bấy giờ là thiếu úy, trợ lý tác chiến, quân lực, được biên chế vào Đội 3 cùng khoảng 10 đồng đội khác vào chiến trường Quảng Đà, phối hợp với Thành đội Đà Nẵng chiến đấu.
Nhớ lại những ngày tháng lăn lộn, chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà ác liệt, ông Sanh vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Nhất là thời điểm những năm đầu có mặt tại chiến trường, nơi mà tất cả chiến sĩ đặc công nước như ông mới chỉ được nghe, được kể mà chưa một lần được đặt chân đến. Mặc dù mới đến miền đất lạ, mới tiếp cận địa bàn nhưng chỉ sau một năm, Đội 3 đặc công nước Hải quân đã phối hợp cùng các đơn vị tại Quảng Đà lập được nhiều chiến công, cắt đứt các trục đường giao thông trọng yếu, gây nhiều trở ngại cho địch trong việc chi viện, tiếp tế bằng đường bộ. Đặc công nước đã đánh vào các kho dự trữ nhiên liệu của địch, phá hủy và đánh chìm các tàu chở vũ khí vào đậu tại cảng Hội An, Đà Nẵng. "Chỉ trong một năm, đơn vị đã đánh 12 trận, làm sập 8 cầu, có cầu đánh tới 2 lần, đánh cháy 2 kho xăng thiêu rụi 6 triệu lít xăng, đánh chìm 2 tàu biển cỡ lớn chở vũ khí, diệt 12 tên Mỹ, ngụy, trong đó có 1 đại tá - kỹ sư cầu đường. Với cách đánh xuất quỷ nhập thần, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, lực lượng đặc công đã tạo nên những chiến công vang dội, làm cho kẻ địch khiếp vía kinh hồn", ông Sanh nói.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, dù trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ, chiến công nhiều, mất mát, hy sinh cũng không hề ít, nhưng với ông Phạm Xuân Sanh, kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là được tham gia trận đánh tàu vận tải hàng vạn tấn của Mỹ ngay trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, nhằm hòa nhịp với các lực lượng trên cả nước. "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có mật danh là T25, thời điểm nổ súng được ấn định vào đêm giao thừa, tức đêm 30, rạng sáng ngày 31-1-1968. Tuy nhiên do lịch hai miền không thống nhất, nên trưa 29-1, Quảng Đà nhận lệnh khẩn: Hoãn T25 vào đêm 30-1 chuyển sang đêm 31-1, toàn miền Nam tổng tấn công và nổi dậy cùng một giờ, đúng dịp giao thừa Tết Mậu Thân", ông Phạm Xuân Sanh nhớ lại. Cũng theo ông Sanh, mặc dù có lệnh hoãn, nhưng do Quảng Đà đã triển khai tất cả công tác chuẩn bị, lệnh hoãn quá gấp, chiến trường chia cắt nên không thực hiện được. Vì thế, Quảng Đà vẫn diễn ra tổng tiến công và nổi dậy đêm 30-1-1968 như mệnh lệnh ban đầu.
Để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương sử dụng các lực lượng vũ trang tiến công dồn dập vào các cứ điểm, trận địa then chốt nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, phá hủy phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy, trên biển do lực lượng đặc công nước đảm nhiệm, nhằm hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Với viễn cảnh ấy, niềm lạc quan phấn khởi như bao trùm lên tất cả quân, dân, chính Đảng của Quảng Đà. Có người quá lạc quan, đã hô hào: "Phá trại, vứt ba lô, từ giã núi cao tiến về thành phố!". Riêng với phân đội đặc công nước, biên chế lúc này gồm 12 đồng chí, do đồng chí Huỳnh Thế làm phân đội trưởng. Cán bộ chiến sĩ phân đội đều đã có kinh nghiệm trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi đánh sập cầu bắc Hòa Vang, Thành đội Đà Nẵng phân công phân đội về đứng chân tại Khe Răm (Hòa Liên, Hòa Vang) để củng cố, tổ chức huấn luyện và chờ nhận nhiệm vụ mới. Cuối tháng 12-1967, phân đội nhận được lệnh khẩn: "Thời gian quá gấp, phân đội khẩn trương chuẩn bị khí tài tổ chức đánh ngay tàu vận tải quân sự Mỹ neo đậu ở vùng vịnh Phú Lộc (Đà Nẵng) vào đúng giờ G của toàn mặt trận. Đánh xong, rút vào ga Đà Nẵng sẽ có người đến đón!". Nhận mệnh lệnh cấp trên, phân đội lập tức chuyển từ Khe Răm xuống Phò Nam, Trường Định (Hòa Liên) để liên hệ xã đội, bố trí anh em du kích giúp đỡ, chuẩn bị các phương án.
Theo mệnh lệnh này, phân đội chưa biết mục tiêu thế nào nhưng phải chuẩn bị khí tài, thiết kế khối nổ trước khi xuất quân; chưa biết vị trí đón tiếp cụ thể (chỉ nói chung là vùng biển Phú Lộc, thuộc vùng địch kiểm soát), ám hiệu nhận nhau cũng chưa được thống nhất... Mặc dù khó khăn là vậy, song trong không khí náo nức trước một đợt tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam, cả phân đội ai nấy đều nêu cao quyết tâm, chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ dù khó khăn, gian khổ hoặc có thể hy sinh tính mạng. Ngày 20-12-1967, tổ chiến đấu gồm 3 đồng chí Huỳnh Thế, Chất và Sơn do đồng chí Huỳnh Thế làm tổ trưởng tổ chức trinh sát thực địa, nghiên cứu dòng nước. Theo lịch thủy triều, cuối tháng 12 là thời điểm nước lên (nước lớn). Cả tổ bò lên mép bờ cát gần mục tiêu dự kiến, vùi mình nằm quan sát và phát hiện mục tiêu cách biển khoảng 3km mang tên Lo-ry với lượng giãn nước trên 1 vạn tấn... Sau khi nghiên cứu rõ mục tiêu, phân đội trở về hậu cứ bắt tay chuẩn bị khí tài, thiết kế khối nổ. Để chắc chắn thành công, phân đội quyết định chuẩn bị khối nổ 60kg C4. Tổ chức tổ chiến đấu do chính phân đội trưởng Huỳnh Thế làm tổ trưởng...
(còn nữa)
D.Hùng (ghi)