Hòa Ninh phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh dưới chân núi Bà Nà
Từ những thực tế trên, UBND xã Hòa Ninh lên kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển vùng bưởi chuyên canh Hòa Ninh” tại xã Hòa Ninh, với diện tích hơn 80 ha ngay dưới chân núi Bà Nà. Mục tiêu lâu dài của đề án nhằm xây dựng và hình thành các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo có sức cạnh tranh mạnh, có thương hiệu, có tính đặc trưng của địa phương nhằm tạo bước đột phá cho phát triển du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, hình thành các vườn bưởi có quy mô từ 2.000m2 trở lên có liên canh với nhau, hình thành vùng sản xuất quy mô 20ha tại vị trí quy hoạch vùng Hóc Ngà Hòa Trung và Trung Nghĩa. Đến năm 2030, hoàn thiện và khai thác gắn kết, đồng bộ các khu quy hoạch gắn kết nhau tạo vùng liên kết sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao theo hướng hữu cơ, gắn kết các xã trên địa bàn huyện hình thành vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô 50ha gồm vùng Hóc Ngà Hòa Trung và Trung Nghĩa 30 ha, vùng Cây Xanh Đông Sơn 20 ha.
Theo ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, trong nhiều năm qua, diện tích vùng bưởi da xanh tại Hòa Ninh đã có khoảng 33ha, tập trung ở các thôn: Đông Sơn, Trung Nghĩa, Hòa Trung, Thôn 1, Sơn Phước, Mỹ Sơn, An Sơn, Thôn 5. Số diện tích đã cho sản phẩm thu hoạch là 14 ha, diện tích cây từ 3 năm tuổi trở lên là 22ha; diện tích trồng dưới 1000m2 xen lẫn trong các vườn ở gia đình, vườn tạp khoảng 7 ha. Cây bưởi ở Hòa Ninh được giá mang lại hiệu quả cao, mang lại đời sống kinh tế, cải thiện thu nhập cho người nông dân nên từ năm 2015, chương trình nông thôn mới đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho cây bưởi, từ chỗ chỉ có 0,5 ha bưởi địa phương đã phát triển như hiện nay.
Đặc biệt, nông dân xã Hòa Ninh đã bắt đầu nắm cơ bản quy trình kỹ thuật chăm sóc cây bưởi và họ rất quan tâm đề xuất nhu cầu với địa phương trình lên cấp trên những chính sách hỗ trợ công khai để họ có động lực để cùng nhau đưa bưởi Hòa Ninh phát triển đi lên. Tuy nhiên, lâu nay sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát, thiếu liên kết, chưa tổ chức theo chuỗi giá trị, từ đó việc đầu tư mở rộng, tổ chức sản xuất lớn theo hướng sản xuất hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Để xây dựng đề án, UBND xã Hòa Ninh đã đề nghị các ngành chức năng, các chuyên gia giúp đỡ xây dựng các kế hoạch, tổ chức thực hiện, trên cơ sở xác định rõ, phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, dựa vào tiềm năng, lợi thế cạnh tranh các sản phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm chủ lực, thế mạnh gắn với vùng sản xuất tập trung có lợi thế cạnh tranh cao, sản xuất, chế biến theo hướng tinh, chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng gắn với thị trường tiêu thụ du lịch. Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, vốn đầu tư, lao động, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, đây là giải pháp mang tính then chốt đảm bảo phát triển có bước đột phá, hiệu quả bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề án nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển đảm bảo theo hướng hàng hoá, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có sức mạnh cạnh tranh cao trên thị trường. Dự kiến kinh phí thực hiện đề án từ các nguồn kinh phí lồng ghép của Trung ương, thành phố, thực hiện theo lộ trình hàng năm, sẽ đánh đánh giá hiệu quả ban đầu đề án vào cuối năm 2025.
HỒNG THANH