Họa sĩ Phạm Lực – nét vẽ tài hoa
(Cadn.com.vn) - Triển lãm của họa sĩ hàng đầu Việt Nam - Phạm Lực với tên gọi "Biển tình" lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu hội họa Nha Trang từ ngày 14 đến 22-10. Họa sĩ Phạm Lực sẽ đưa người xem về thăm lại xứ Trầm, biển Yến thông qua những sắc màu cuộc sống được cô đọng trong những gam màu thời đại của cả hiện tại, tương lai cùng những ngày quá vãng xuyên suốt triển lãm. 74 bức tranh như một cách kỷ niệm riêng ông dành tặng tuổi đời 74 của mình, dành tặng những tháng năm lao động không mệt mỏi và cho cả những sáng tạo nghệ thuật nối liền 2 thế kỷ. Lần đầu tiên ra mắt tại Nha Trang, song đây đã là triển lãm thứ 28 cả trong và ngoài nước, suốt một đời cầm cọ của họa sĩ Phạm Lực...
Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Chương, người Hà Tĩnh và là chắt ruột của đại thi hào Nguyễn Du. Bà theo chồng vào Huế, nơi ông đang giữ một chức quan của Nam triều. Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng bậc nhất Việt Nam, đã có 27 cuộc triển lãm tranh ở trong nước và quốc tế. Ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965). Sau khi ra trường, vào bộ đội chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ... Với 35 năm trong quân ngũ, ông đã đoạt được nhiều giải thưởng về nghệ thuật của Bộ Quốc phòng. Năm 1977, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Phạm Lực là người duy nhất có một câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình, với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm, thường xuyên tổ chức những buổi triển lãm. Năm 2009, Tony Olive, người Australia sở hữu 100 tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực đã tổ chức một triển lãm và bán hết được tất cả bộ sưu tập.
Họa sĩ Phạm Lực và một số tác phẩm của ông. |
Chuyện kể rằng năm 1993, ông mở một xưởng vẽ ở Hà Nội. Bà Francoise Flane (người Pháp) lúc đó là Trưởng đại diện UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tại Hà Nội rất hay đến xem Phạm Lực vẽ và mỗi khi ra về bà lại "cầm" vài bức tranh mang đi. Sau 3 năm như thế, một hôm bà Francoise đến với một người phiên dịch và đưa ông đến một căn biệt thự ở làng hoa Nghi Tàm, bà nói: "Tôi trả nợ bằng... căn nhà này đó!", rồi trao chìa khóa cho Phạm Lực. Họ đã trở thành vợ chồng sau đó, mọi người gọi là duyên kỳ ngộ. Phạm Lực vẽ rất đa dạng, như chợ quê, những bức tranh Tết, nghệ sĩ ca trù, anh hùng Thánh Gióng, hay nhà thơ Nguyễn Du... Trong hàng nghìn bức tranh mà ông vẽ, đề tài mà ông tâm đắc nhất là thân phận những người phụ nữ. Họa sĩ Phạm Lực chia sẻ: "Hiếm có nơi nào như ở Việt Nam chúng ta. Bom đạn diễn ra cả tiền tuyến và hậu phương. Và ở đó có những người mẹ, người phụ nữ phải chịu đựng bao đau thương, vất vả. Có khi đang cấy dưới ruộng, nghe tiếng máy bay lại lên bờ cầm súng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Rồi khi chiến tranh đi qua, những người phụ nữ ấy lại mong chồng, chờ con suốt cả cuộc đời mà không thấy... Hiện nay, nét đẹp của người phụ nữ Việt vẫn tỏa sáng. Tôi vẽ nhiều về người phụ nữ đơn giản cũng lẽ vậy thôi". Đó có thể là một người phụ nữ trong một chiếc áo cũ chở con đi trên chiếc xe đạp trong thời kỳ chiến tranh, một người phụ nữ tìm kiếm con thời hiện đại. Khi vẽ, gần như ông quên hết mọi chuyện xảy ra xung quanh. Ông nói: "Tôi không vẽ tranh trừu tượng. Tôi chỉ vẽ theo những gì con tim mách bảo, về cuộc sống con người xung quanh tôi... Tôi thấy được sự yên bình trong cái nghề của mình. Những bức tranh như lời thú nhận thật nhất trong tâm của tôi". Theo các nhà chuyên môn thì tranh của Phạm Lực thấm đượm di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là tiếng nói vang vọng về cuộc sống trong những thời kỳ sáng tác của ông. Ngày nay, một trong số những bức tranh của ông đề cập đến vấn đề môi trường suy thoái, sự câu kết độc hại của tiền bạc, quyền lực và lòng tham. Sáng tác của ông vừa mang tính cách đặc trưng Việt Nam nhưng đồng thời cũng rất có tính phổ quát. Họa sĩ Phạm Lực với những nét vẽ tài hoa, đầy sức sáng tạo và tinh thần lao động không ngừng nghỉ đã và đang giúp chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn.
Khuê Việt Trường