Họa sĩ Trương Bé: Khép lại cuộc "rong chơi"

Thứ bảy, 11/04/2020 17:25

Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942 tại Quảng Trị, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế (1996-2000) vừa trút hơi thở cuối vào ngày 9-4-2020 tại nhà riêng ở số 27A Trần Văn Kỷ, P. Tây Lộc, TP Huế. Lễ động quan vào ngày 13-4-20, sau đó an táng tại Quảng Trị.

Chòm sao bạch dương (tranh sơn mài họa sĩ Trương Bé).

Trương Bé được xem là một trong những họa sĩ ở Huế tiên phong vẽ tranh sơn mài theo trường phái trừu tượng, đồng thời, ông cũng là một trong những người đã kiên trì đi sâu nghiên cứu và khám phá sự biểu cảm của chất liệu sơn mài trong nhiều năm. Tranh của ông được sưu tập tại các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Singapore... và các bộ sưu tập cá nhân ở nhiều nước như Việt Nam, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ...  Nhà đấu giá danh tiếng Christie's cũng từng đưa tác phẩm của ông lên sàn quốc tế.

Tác phẩm của Trương Bé chủ yếu là khổ lớn, tông màu nóng gây cảm giác choáng ngợp cho người xem. Nhìn tranh của ông, dù là tác phẩm hiện thực hay trừu tượng trên chất liệu sơn mài đều làm lay động người thưởng lãm bởi sự cuốn hút thẩm mỹ thị giác không cưỡng nổi và chiều sâu tâm thức đậm nét nhân văn mà ông gửi gắm. Ở nơi ấy, con người như thấy mình nhỏ bé, quay cuồng trong vòng xoay đi tìm lời giải giữa vũ trụ bao la.

Tại triển lãm cá nhân của họa sĩ Trương Bé có tên Thiên- Địa- Nhân tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội (2016) và tại khách sạn Tân Hoàng Cung, Huế (2017), với nhiều bức tranh sơn mài khổ rất lớn, là một trong những triển lãm để lại nhiều ấn tượng, thu hút khá đông đảo công chúng yêu chuộng nghệ thuật xem tranh say mê. Cảm nhận về phòng tranh này, nhà báo Nguyễn Trọng Chức bày tỏ: "Tôi rất ngạc nhiên, bất ngờ. Dường như năng lượng sáng tạo, lao động của ông càng ngày càng mạnh, có thể nói đáng để cho lớp trẻ khâm phục". Nhà báo Nguyễn Trọng Chức nhắc lại: trước đó, khi đến thăm Trương Bé tại nhà ông trong Thành Nội, được ông đưa lên tầng lầu, nơi ông làm việc. Thật đáng kinh ngạc khi thấy lớp lớp tác phẩm sơn mài của ông; bức đã hoàn thiện, bức còn dở dang. Có một bức to nhất còn nằm dưới sàn, ông bảo: "Tranh sơn mài của tôi được làm vóc rất bền chắc, tha hồ dẫm lên không sao cả!". Rồi ông thị phạm trước để chúng tôi yên tâm "bước vào tranh"!

Họa sĩ Trương Bé trong dịp tham gia triển lãm tại Gallery của Vũ Trọng Thuấn tại TP Đà Nẵng (ảnh: TTS).

   Gần nhất, ngày 12-9-2019 Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã giới thiệu triển lãm cá nhân "Nhịp điệu vũ trụ" của Trương Bé. Ông dự báo: "Đây có lẽ là cuộc trưng bày cuối cùng, vì không còn thời gian nữa", bởi đó là những ngày ông vừa sáng tạo, vừa chiến đấu không mệt mỏi với bệnh tật.   Triển lãm này bao gồm 50 tác phẩm, đa số khổ 100cm x 100cm trở lên, trong đó có 27 bức sơn mài, tập trung thể hiện tinh thần của "Nhịp điệu vũ trụ", với những tựa đề như: "Nhịp điệu vật chất", "Ngũ hành", "Năng lượng đen", "Cụm thiên hà", "Siêu lân tinh", "Chòm sao bò cạp", "Cột bụi vũ trụ", "Chòm sao chức nữ", "Nhịp điệu giây trong vũ trụ", "Vũ trụ hạt", "Hố đen", "Chòm sao bạch dương", "Sát na III", "Sóng hạt"... thể hiện cái nhìn vừa thống nhất vừa độc lập của họa sĩ về vũ trụ với sự chuyển động của hàng vạn hạt bụi, vì tinh tú, các dải ngân hà và sự liên kết giữa vũ trụ và con người trong sự luân chuyển không ngừng ấy. Các tác phẩm trong triển lãm đem đến cho người thưởng lãm cảm giác mênh mông khoáng đạt và lãng mạn của vũ trụ bao la. Tất cả các yếu tố trong thế giới mênh mông ấy đôi khi là sự liên kết vô cùng chặt chẽ, đôi khi là tách rời ra thành từng cá thể độc lập.  Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, với một họa sĩ cao niên như Trương Bé, những năm gần đây trong trình trạng sức khỏe thất thường do tuổi tác, để cho ra đời các đứa con tinh thần trong những năm gần đây cho cuộc triển lãm lần này là một nỗ lực và say mê rất lớn của ông. 

  Với hoạt động mỹ thuật Đà Nẵng, họa sĩ Trương Bé cũng để lại nhiều dấu ấn khá đặc biệt. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng  nói: "Từ sau khi về hưu, họa sĩ Trương Bé có điều kiện gắn bó với Đà Nẵng nhiều hơn. Nơi đây, Bảo tàng Mỹ thuật vừa mới thành lập đưa vào hoạt động, Hội Mỹ thuật thành phố lại thường tổ chức các trại sáng tác sơn mài, rất cần sự tham vấn những người giàu kinh nghiệm và tài năng như ông. Số đông anh em họa sĩ trẻ Đà Nẵng từng là học trò cũ của ông, lại có thêm dịp tiếp cận, giao lưu học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích về nghệ thuật trừu tượng trong tranh sơn mài. Đáng nhớ nhất, là cuộc Triển lãm mỹ thuật tên gọi "Rong chơi" diễn ra tại Gallery của họa sĩ Việt kiều Vũ Trọng Thuấn (277 Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng) vào tháng 12-2013, Trương Bé đã tham gia cùng sự góp mặt của nhiều họa sĩ tên tuổi như: Vĩnh Phối (Huế), Dương Sen, Nguyễn Tấn Cương, Hồ Hữu Thủ (TPHCM), Vũ Trọng Thuấn, Vũ Dương, Hoàng Đặng, Nguyễn thị Dư Dư (Đà Nẵng)... đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp.

   Khi hay tin ông qua đời, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn đã xúc động nói: "Tôi với Trương Bé cùng Hồ Hữu Thủ, Vĩnh Phối (đã mất năm 2017) là những người làm nghệ thuật cùng lứa, nên rất dễ đồng cảm, chơi thân với nhau. Bốn lần gallery chúng tôi tổ chức trại sáng tác anh ấy đều tham gia cả. Anh ấy để lại ấn tượng trong tôi là một trong những họa sĩ lớn tuổi hiếm hoi, năng động, có sức làm việc bền bỉ, thể hiện phong cách riêng rất đặc biệt...".

TRẦN TRUNG SÁNG

"Tôi là nghệ sĩ, tôi cảm nhận rồi thì việc tiếp theo là biểu hiện. Phải biểu hiện để chia sẻ đến với người xem, để họ cùng cảm nhận...Tôi nhìn trời đất, vũ trụ với sự vận hành theo quy luật huyền bí, bất biến. Từ đó tôi phản ánh, sáng tạo, tái tạo cái mình cảm nhận được bằng ngôn ngữ hội họa trừu tượng".  Họa sĩ Trương Bé