Họa sĩ Vĩnh Phối: Giã biệt cuộc “rong chơi”
Họa sĩ Vĩnh Phối, sinh năm 1938, tại Huế. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa (1958) và khoa Sư phạm (1959) Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn; sau đó học hội họa, điêu khắc ở Học viện Mỹ thuật La Mã và nghiên cứu mỹ thuật ở Viện Đại học La Mã, Italia (1960 - 1966). Ông từng là Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 - 1975) và nguyên Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế (1976 - 1999). Sau thời gian lâm bệnh, họa sĩ vừa qua đời vào sáng 17-7-2017 tại nhà riêng số 12-Bạch Đằng, TP Huế...
Họa sĩ Vĩnh Phối tại Triển lãm mỹ thuật “Rong chơi” TP Đà Nẵng năm 2014. |
Là người có những đóng góp rất lớn trong đào tạo mỹ thuật, người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ họa sĩ không chỉ tại Huế mà tại cả miền Trung, họa sĩ Vĩnh Phối thường luôn công tâm, tinh tế, chuẩn xác trong việc cảm nhận, đánh giá tài năng, tay nghề, tính cách của học trò mình khi viết về họ trên báo chí hoặc trong những lời giới thiệu về những cuộc triển lãm mỹ thuật. Tuy nhiên, trên hết, ông là một nghệ sĩ sáng tác bền bỉ và kiên trì với dòng tranh trừu tượng. Ông đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm tập thể trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều triển lãm quốc tế: vòng quanh nước Ý trong hai năm 1961-1962; triển lãm Bienale Saint Paolo, Brazil,1969; triển lãm Mỹ thuật đương đại Salon Wargram, Paris, Pháp 1993; Trại sáng tác các nghệ sĩ quốc tế tại Saint Henri - Toulouse, Pháp; triển lãm bốn trường đại học Mỹ thuật Huế, Hà Nội, Chiangmai, và Silpakorn, tại Bangkok 1994...
Mặc dù thời gian học mỹ thuật ở Italia dài hơn ở Việt Nam, các trào lưu nghệ thuật Châu Âu đã ảnh hưởng khá nhiều đến sáng tác, nhưng nhiều người cho rằng, điểm đến cuối cùng của Vĩnh Phối vẫn là văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có sự hòa hợp giữa Á đông và Âu tây. Sự hòa hợp này được thể hiện khá rõ qua các tác phẩm Chiến sĩ Đông Sơn, Hùng Vương, Ngựa đá lăng Gia Long, Ngọ Môn Huế, Dòng Hương giang, Lễ hội hoa đăng... Trong khi đó, nhận định về tranh trừu tượng của Vĩnh Phối, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã bày tỏ: “Khó có thể nhận ra cả cuộc đời dài đầy truân chuyên và ẩn nhẫn của họa sĩ qua các bức họa. Sự theo đuổi nghệ thuật trừu tượng sớm và liên tục của Vĩnh Phối đã giấu đi tất cả, chỉ còn những cảm giác mơ hồ về vinh nhục, thành bại, mà trong cái vui còn xen lẫn cay đắng...”.
Vào đầu năm 2014, khi tham gia cuộc Triển lãm mỹ thuật “Rong chơi” diễn ra tại La tour Eiffel (studio Vũ Trọng Thuấn), 277-Trần Hưng Đạo, TP Đà Nẵng, trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Vĩnh Phối cho biết: “Một nhà phê bình từng nhận xét tác phẩm sáng tác trong thời kỳ đầu của tôi phảng phất dấu vết Alberto Giacometti, Jean Arp, Joan Miró, Henry Moore, Umberto Boccioni... Tuy nhiên, về sau, tôi vẽ theo khuynh hướng hiện thực, có lúc vẽ trừu tượng; rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa; gần đây là bán trừu tượng, biểu hiện. Nhưng, dù vẽ theo khuynh hướng nào, bút pháp nào, quan niệm nghệ thuật của tôi cũng luôn hướng đến con người, hướng đến cuộc sống”. Nhận xét về tình hình sáng tác của sinh viên, hoạt động họa sĩ trẻ hiện nay, họa sĩ Vĩnh Phối nói: “Mỗi thời đại đã tạo cho giới trẻ có cách tư duy nghệ thuật khác. Tuy điều kiện hoạt động ở các trường mỹ thuật ở Hà Nội, Huế, TPHCM chưa đồng đều, nhưng nhìn chung, tôi thấy các họa sĩ trẻ khá năng động. Qua các cuộc triển lãm mỹ thuật, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, qua những buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm của sinh viên ở Festival Huế, các trại sáng quốc tế... đã cho thấy khát vọng tìm tòi và sáng tạo mạnh mẽ của lớp họa sĩ, điêu khắc trẻ Việt Nam trong thời hội nhập mới. Chúng ta có quyền kỳ vọng ở bản lĩnh dân tộc của họ!”.
Theo lời kể những người cùng thời họa sĩ Vĩnh Phối, vào năm 1973 giới nghệ sĩ, trí thức yêu nước ở Huế đã thành lập Ủy ban dựng tượng danh nhân, nhằm cổ vũ tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào đấu tranh vì hòa bình, họa sĩ Vĩnh Phối được tôn vinh làm Chủ tịch. Trong đó, tác phẩm đầu tiên là tượng nhà yêu nước Phan Bội Châu, được tạo hình ngay trong khuôn viên Trường CĐMT Huế. Sau ba chìm bảy nổi, pho tượng đồng đồ sộ này đã được dựng ở công viên bên bờ sông Hương, ngay đầu cầu Trường Tiền (bờ nam).
Họa sĩ Vĩnh Phối còn là người giữ từ đường Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, người sáng lập chùa Vạn Phước, hồi đầu thế kỷ XX. Chùa Vạn Phước có nhiều gắn bó và lưu giữ nhiều kỷ vật của ba cụ Thượng thư triều Nguyễn là cụ Nguyễn Đình Hòe, cụ Phạm Liệu, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh. Thật là lý thú, nhờ lương duyên của cụ Thượng Chi, hôm tổ chức lễ khánh thành – dựng tượng cụ Thượng Chi có sự hiện diện của người đang coi sóc Từ đường cụ Nguyễn Đình Hòe và cháu cụ Phạm Liệu đến từ TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Như vậy, sau Tôn Thất Văn, Dương Đình Sang, Bửu Chỉ, Đinh Cường..., sự ra đi của họa sĩ Vĩnh Phối một lần nữa đã góp phần để lại một khoảng trống lớn lao không dễ dàng bù đắp với mỹ thuật Huế và miền Trung.
TRẦN TRUNG SÁNG