“Hóa thân”-một bài thơ hay về Mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ hai, 07/11/2016 08:57

(Cadn.com.vn) - Nhà thơ đại tá Lê Anh Dũng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng đã có hẳn tập văn thơ nhạc, và cả trường ca viết về Mẹ Thứ, viết về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong tập thơ mới “Một ngày là trăm năm” (NXB Văn học – 2016) với gần 60 bài thơ ta lại bắt gặp hình ảnh các Mẹ Việt Nam anh hùng trong bài thơ “Hóa thân”. Chẳng có gì ngạc nhiên bởi viết về mẹ là đề tài vô cùng vô tận của các nghệ sĩ, lại là các Mẹ Việt Nam anh hùng!

Mở đầu bài thơ “Hóa thân”, và được lặp lại nhiều lần trong bài thơ là một không gian thực:

Núi cao

Biển rộng

Sông dài

Không gian thực ở đây chính là vị trí đặt tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Tượng đài được xây dựng trên núi Cấm, thuộc TP Tam Kỳ (Quảng Nam), nói như nhà thơ Lê Anh Dũng vị trí đó là “khúc ruột Bắc – Trung – Nam”. Tượng đài hướng mặt về phía biển Đông. Giữa biển và tượng đài là con sông Trường Giang chảy dọc dài đất Quảng. Nhưng cũng không khó để nhận ra Núi cao, Biển rộng, Sông dài là những mỹ từ diễn đạt công lao to lớn, đức hy sinh, tình mẹ, lòng yêu thương, lòng dũng cảm của các mẹ Việt Nam anh hùng dành cho con cho cháu, cho Tổ quốc, nhân dân. Vì thế có thể hiểu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng còn được đặt “giữa lòng dân”.

Xin khắc vào đại ngàn

Xin khắc vào trời xanh mây trắng

Xin khắc vào chốn linh thiêng thầm lặng

Các mẹ anh hùng hóa tượng giữa lòng dân.

Không ai có thể quên lời ru của mẹ. Không ai có thể quên được những câu ca quen thuộc “chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè” hay “bồng em mà bỏ vô nôi để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…”. Chợt nghĩ đến cảnh mẹ ngồi ru con, gió mùa đông bắc thổi qua vách tre lạnh ngắt, cuộn trong chăn ấm, đứa trẻ nằm nghe lim dim mắt, câu yêu thương vỗ về vành nôi đong đưa theo nhịp tay mẹ, ai mà không đứt ruột se lòng. Chợt nghĩ đến cảnh đèn chong đêm trắng mẹ ôm cơn đau của con trẻ trong vòng tay  khuya khoắt, đôi mắt sâu mất ngủ nối đêm này qua đêm khác, trong nỗi lo lắng đó vẫn là những lời ru chắt chiu tình mẹ và mong ngóng một tương lai tốt đẹp cho con.

Mẹ nhỏ bé trồng lũy tre cao vút

Mẹ oằn vai để các con lớn lên cùng đất nước

Mẹ thương con không thể ai sánh được.

Rồi một ngày mái tranh bị quân xâm lược thiêu đốt, ruộng vườn xác xơ, đạn bom cày xới quê hương, đau thương gieo rắc khắp nơi, nôi trẻ chỏng chơ và những lời ru đứt quãng. Rồi một ngày, lũy tre làng sạm đen màu tro bụi, dòng sông quê loang lổ máu tràn, thịt xương bao người vùi lấp rừng sâu núi thẳm, miếng cơm trộn nước mắt xót đau! Khi ấy lời ru của mẹ bùng cháy trở thành lời hiệu triệu núi sông chiến đấu diệt thù. Không chỉ là những lời hiệu triệu, mẹ sẵn sàng hy sinh chồng mình, những đứa con của mình và cả sinh mạng của mình cho cuộc chiến vì dân vì nước vì nhà.

Mẹ thương nòi, không thể gì từ khước

Mẹ thương nước, không để ai xâm lược.

Những người mẹ Việt Nam là như thế! Những lời ru về tình yêu Tổ quốc có từ ngàn đời được mẹ truyền lại đến hôm nay và mai sau. Những bà mẹ Quảng Nam là như thế! Mảnh đất chưa mưa đà thấm đã hóa mầm son sắt, rượu Hồng Đào đã hóa rượu hờn căm! Mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, TX Điện Bàn, Quảng Nam), có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ, đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại và là biểu tượng mẫu mực của những bà mẹ Việt Nam giàu lòng yêu nước, đức hy sinh. Lặng lẽ tiễn con lên đường, dứt từng khúc ruột quặn đau để đêm đêm âm thầm lệ rơi thương nhớ. Những ngày đêm phủ quê hương, trái tim mẹ lại thắp lửa mở đường cho những đoàn quân ra trận để rồi chợt khuya nghe gió thầm thì ngỡ như đâu đó lời của yêu thương đoàn tụ. Nhưng làm sao mà đoàn tụ được! Chồng con lần lượt ra đi, khuất sau ánh trăng mờ, mẹ vẫn mở vòng tay kiên trung nồng ấm ôm lấy linh hồn những người thân yêu, nhang thờ thắp chung để nỗi đau trầm tụ cho đến một ngày rực cháy niềm tin chiến thắng.

Những bà Bủ, bà Bầm, mẹ Tơm, mẹ Suốt…

Hàng nghìn mẹ Việt Nam anh hùng hóa thân vào chân dung Mẹ Thứ

Thành tượng đài bất tử đóa hoa cương.   

Một thời mẹ của riêng con, trong chiến tranh mẹ là mẹ của cả nước non quê mình. Mẹ bất khuất, kiên trung, siêu nhiên, kỳ vĩ và bất tử đến vô cùng trong mỗi chúng ta. Mắt mẹ là huyền thoại chứa cả điệp trùng chiến công, lòng mẹ là bài ca non nước viết nên bởi sông núi biển khơi và lòng dũng cảm. Thế mà:

Ta thường ví von lòng mẹ, tình mẹ bao la vời vợi cao xa thẳm sâu như thế

Ta thường ví von mẹ anh hùng như trời như bể

Mẹ móm mém cười như sợ mình thất lễ:

Thân em cơm nguội, cơm khê

Đói lòng xót dạ ai chê cũng đành

Nhà thơ Lê Anh Dũng kết thúc bài thơ thật tài tình với hình ảnh mẹ sợ mình thất lễ, chính sự bình dị cơm nguội cơm khê, sự khiêm nhường ai chê cũng đành đã nhân lên gấp trăm ngàn lần sự vĩ đại của mẹ. Núi cao càng cao hơn, biển rộng càng mênh mông hơn, sông dài càng trở nên vô tận. Chiều nay, tôi đứng trước tượng đài của Mẹ, thầm nghĩ: Ý tưởng của các nghệ sĩ xây dựng tượng đài, ý tưởng của các văn nghệ sĩ viết về Mẹ đã phần nào vẽ lên một chân dung: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mẹ Việt Nam ơi! Mỗi sáng, mỗi chiều, dõi mắt nhìn xa Mẹ sẽ vô cùng tự hào về Tổ quốc mấy nghìn năm. Trong lòng những người con đến thăm mẹ hôm nay luôn dạt dào cảm xúc thiêng liêng cao quý của thế hệ hôm nay để nhận ra mình cần phải sống đẹp hơn, xứng đáng hơn với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Bá Hòa