Hòa Vang với những đột phá về nông nghiệp
Sản xuất lúa hữu cơ
Đây là mũi nhọn đột phá của nông dân Hòa Vang theo sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền. Vụ Hè Thu năm 2022, toàn huyện sản xuất 204 ha lúa hữu cơ. Sản xuất lúa hữu cơ năng suất cũng tương đương sản xuất lúa thông thường, nhưng sản phẩm đạt chất lượng cao hơn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2021-2022, năng suất bình quân các vùng lúa sản xuất hữu cơ ở H.Hòa Vang là 64,5 tạ/ha (có nơi cao nhất đạt đến 70 tạ/ha). Đặc biệt, sản xuất hữu cơ không sử dụng hóa chất, không gây ô nhiễm môi sinh, thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sống.
Hằng năm, những hộ tham gia sản xuất lúa hữu cơ được các cơ quan chức năng hỗ trợ một phần chi phí về giống, phân bón. Theo kế hoạch, UBND H. Hòa Vang hỗ trợ nông dân mở rộng dần diện tích sản xuất lúa hữu cơ. Trước mắt, trong vụ Đông Xuân 2022-2023 tới đây, tăng lên gấp đôi hiện nay (408 ha) và đến năm 2025 sản xuất lúa hữu cơ đạt 70% tổng diện tích sản xuất lúa trên địa bàn huyện; ưu tiên đầu tư tại những cánh đồng rộng từ 20 ha trở lên. Ông Đặng Công Đào, Cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết: "Lúa hữu cơ hiện có giá bán từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, cao hơn từ 20-30% so với các giống lúa thông thường".
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong toàn huyện tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, xác định đây là một lĩnh vực quan trọng để thực hiện tiêu chí Môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Đình Ca chia sẻ: "Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, ưu tiên đối với cây lúa, cây rau và chăn nuôi".
Kết hợp sản xuất và du lịch trải nghiệm
Thời gian qua, HTX Rau Túy Loan (xã Hòa Phong) đẩy mạnh sản xuất kết hợp với du lịch trải nghiệm, bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù ảnh hưởng COVID-19, nhưng đã có hơn 3.600 khách đến tham quan, chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng. Các đoàn khách đều được HTX đón tiếp, giới thiệu tổng quát tại trụ sở HTX, sau đó đưa các em ra tham quan thực tế. Các em được nhìn ngắm, trải nghiệm trồng trọt, chăm sóc, tưới nước các loại cây trồng, xem sơ chế sản phẩm, mua sản phẩm tại chỗ về làm quà cho gia đình. Giám đốc HTX Rau Túy Loan Bùi Dũng cho biết, HTX vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, vừa tăng cường các hoạt động kết nối du lịch, qua đó, không chỉ khách nội địa mà đã có nhiều du khách nước ngoài đến du lịch trải nghiệm tại đây.
HTX Rau Túy Loan hiện canh tác 8 ha với 40 thành viên tham gia, có nhà sơ chế sản phẩm tại chỗ. Hằng ngày, xã viên đưa nông sản đến bán cho HTX từ lúc 6 giờ tối và 3 giờ sáng. Đội ngũ nhân viên khẩn trương thực hiện sơ chế và vô bao bì. Đến 7 giờ, sản phẩm của HTX đã có mặt tại các siêu thị trên địa bàn TP. "Bình quân, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường Đà Nẵng hơn 250 tấn sản phẩm các loại và đã tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong nước, được các cơ quan chức năng đánh giá cao”- ông Bùi Dũng cho hay.
Cùng với đó, nông dân Hòa Vang đẩy mạnh phát triển các nghề sản xuất nấm, trồng hoa, làm vườn mẫu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng sen lấy hạt… Vừa phát huy kinh nghiệm sản xuất truyền thống, vừa kết hợp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi, nông dân Hòa Vang đã, đang làm nên nhiều thành quả ngay trên đồng đất quê hương. Đặc biệt, mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương phát triển mạnh, tạo được thương hiệu trên thị trường. Khai thác nguồn nước từ hồ Đồng Nghệ, nhiều nông dân ở xã trung du này mạnh dạn đầu tư cải tạo đất lúa năng suất thấp, làm thành ao nuôi cá, đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương Nguyễn Văn Mười, các cấp hội vận động nông dân nuôi cá nước ngọt theo hướng an toàn sinh học, nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, giảm chi phí, tăng sản lượng và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giữ vững thương hiệu cá nước ngọt Hòa Khương. Trong khi đó, anh nông dân trẻ Cao Văn Tới (thôn Phú Sơn 2) được UBND H.Hòa Vang hỗ trợ chi phí và kỹ thuật để mở cơ sở sản xuất chả cá với công suất 1 tấn cá nguyên liệu/ngày. “Mỗi kg chả cá giá từ 150.000 - 250.000 đồng tùy thuộc loại cá, có thương lái đến mua tại chỗ và không bao giờ bị ép giá”- anh Tới hồ hởi khoe.
Đình Hòa