Hoàn lương với nghề truyền thống

Thứ năm, 04/09/2014 08:57

Từ quá khứ bất hảo

(Cadn.com.vn) - Người dân ở làng chiếu xã Duy Vinh (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) không ai là không biết anh Đỗ Văn Bổn (1962) với biệt danh "ông Bổn chiếu". Không chỉ là cơ sở sản xuất chiếu nổi tiếng, câu chuyện về cuộc đời anh đã làm nhiều người cảm phục. Từ một người từng ăn cơm tù, anh đã biết vươn lên làm lại cuộc đời trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2001, do nhận thức bồng bột chạy theo vật chất mù quáng nên anh Bổn đã bị TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng tuyên phạt 10 năm tù giam về tội buôn bán hàng cấm. Những ngày anh Bổn trong tù cũng là những ngày tháng vô cùng cơ cực của gia đình anh. Một mình người vợ phải gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học, lại phải chịu đựng sự dè bỉu của mọi người.

Nhưng vượt lên tất cả, chị vẫn làm tròn trách nhiệm người mẹ người vợ và động viên chồng cải tạo tốt. Anh Bổn tâm sự: "Những ngày đầu mới vào trại giam, nghĩ về quãng thời gian đằng đẵng trước mắt, mọi hy vọng như rời bỏ tôi, khi đó tôi đau khổ và tuyệt vọng vô cùng. Nhưng rồi trong quá trình chấp hành án phạt bản thân được gần gũi với cán bộ quản giáo, được ban giám thị trại tạm giam quan tâm động viên nên tôi phần nào lấy được tinh thần. Nhờ sự cố gắng đó mà tôi được đặc xá tha tù trước thời hạn. Không thể diễn tả niềm vui và hạnh phúc của tôi khi biết cánh cổng cuộc đời lại mở ra một lần nữa".

Thế nhưng, sau gần 5 năm trong tù, khi trở về địa phương anh Bổn dường như mất hết niềm tin với mọi người xung quanh. Cũng vì quá khứ từng bị "nhúng chàm" nên anh vô cùng khó khăn tìm việc làm. Nhìn thấy vợ cực khổ, con cái còn đang phải học hành nên nhiều đêm anh Bổn trằn trọc suy tư, với anh lúc này làm gì để có tiền lo cho gia đình là điều quan trọng nhất. Qua quen biết anh được giới thiệu đi làm đèn cầy. Với số vốn 50 triệu đồng anh bắt tay vào mua nguyên vật liệu rồi phân phối cho các đại lý trên địa bàn. Công việc ban đầu tuy thu nhập không cao, rất vất vả nhưng ít nhiều cũng giúp "cải thiện" cái nhìn của mọi người với anh. Tuy nhiên, sau nhiều năm thấy nghề làm đèn cầy không thể phát triển được, không thể vươn lên làm giàu mà chỉ đủ ăn anh Bổn lại lo âu, suy nghĩ. Khi ấy một tia sáng lóe lên trong óc anh bắt đầu cuộc hành trình mới...



Cơ sở dệt chiếu của anh Bổn tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Đến làm giàu từ nghề truyền thống

"Nhiều đêm tôi suy nghĩ về làng nghề truyền thống chiếu cói Bàn Thạch, nghề này chưa được địa phương phát triển theo hướng hiện đại nên hiệu quả chưa cao. Tôi muốn đầu tư theo hướng tiểu thủ công nghiệp, đưa công nghệ dệt bằng máy vào thay thế khung dệt thủ công", anh Bổn chia sẻ. Tình cờ, ý tưởng vốn "mong manh" ấy được hiện thực hóa nhờ gặp một người chị ở miền Nam đã giới thiệu cho anh Bổn học nghề. Từ giữa năm 2010, anh Bổn quyết tâm đi vào miền Nam để tìm hiểu loại máy dệt này. Tuy nhiên, một lần nữa ý tưởng đó bị chững lại vì điều kiện tài chính của gia đình khó khăn. Trong khi nhu cầu vốn để đầu tư khá lớn với số tiền 100 triệu đồng/máy chưa tính nguyên liệu. Mong muốn dường như đổ vỡ vì chưa có ai "dám" đầu tư số tiền lớn vào công việc mạo hiểm này.

Sau chuyến đi lần thứ nhất, anh Bổn vẫn quyết tâm vào miền Nam lần thứ hai. Lần này anh ra sức học hỏi quy trình hoạt động, phương pháp vận hành, cách sửa chữa máy móc. Sau khi về lại địa phương anh tiếp tục nghiên cứu thị trường và quyết tâm đầu tư. Thấy được ý tưởng hay, Hội Nông dân đã đứng ra bảo lãnh tín chấp để anh Bổn vay ngân hàng cộng với số tiền vay mượn của gia đình hơn 200 triệu đồng. "Cầm tiền trên tay tôi vui mừng khôn xiết vào miền Nam mua hai máy dệt chiếu để hoạt động. Đến cuối năm 2010 tôi chính thức bước vào nghề dệt chiếu", anh Bổn nhớ lại.

Trải qua thời gian ban đầu tuy có nhiều khó khăn nhưng bằng lòng yêu nghề, sự cầu tiến và tình yêu với nghề truyền thống quê hương mà anh vẫn vững vàng ý chí. Qua một thời gian cơ sở của anh Bổn đã hoạt động ổn định có lãi, anh lại tiếp tục đầu tư 2 máy tạo công ăn việc làm cho 8 nhân công. Vừa qua địa phương đã quan tâm bố trí thêm 500 mét vuông đất để anh Bổn mở rộng cơ sở. Anh Bổn cho biết, trừ chi phí thu nhập mỗi năm bình quân khoảng 100 triệu đồng.

Trải qua 5 năm "làm lại cuộc đời" giờ đây anh Bổn đã có một cơ ngơi đáng để tự hào. Nhìn lại quá khứ anh vẫn thầm cảm ơn những khó khăn đã giúp anh có được sự mạnh mẽ trong cuộc sống. "Nếu không có những sai lầm trước đây tôi chưa chắc đã có được như ngày hôm nay. Tôi mong rằng những người đã từng có quá khứ như tôi sẽ luôn can đảm, tự tin trong cuộc sống. Xã hội không bao giờ quay lưng lại chừng nào chúng ta còn biết cố gắng", anh Bổn tâm sự.

Hà Dung